Vụ cấp giấy chứng nhận đồng hồ giả: Không lừa người tiêu dùng?

Giấy chứng nhận được Xwatch cấp cho chiếc đồng hồ fake.
Giấy chứng nhận được Xwatch cấp cho chiếc đồng hồ fake.
TPO - Ngay sau bài viết “Thẩm định đồng hồ chính hãng: 'Hô biến' hàng giả thành hàng thật”, rất nhiều độc giả đã gửi phản hồi đến báo Tiền Phong với mong muốn tìm hiểu rõ thêm sự việc. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam cũng đã vào cuộc làm rõ.

Ngay sau bài viết “Thẩm định đồng hồ chính hãng: 'Hô biến' hàng giả thành hàng thật”, rất nhiều độc giả đã gửi phản hồi đến báo với mong muốn tìm hiểu rõ thêm sự việc. Độc giả Nguyễn Thành Trung (quận Thanh Xuân) đặt câu hỏi: Cần làm rõ động cơ thực sự của việc cấp giấy chứng nhận cho hàng giả, nếu đúng thì cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn ngay. Tránh người tiêu dùng bị tiếp tay lừa đảo. Trong khi đó, bạn đọc có tên DucPhuc thì không đồng tình với sai số 2% trong thẩm định của Cty Xwatch, đồng thời đề nghị: “Người tiêu dùng đã bỏ tiền ra mua giấy chứng nhận thì phải chuẩn 100%, nếu sai thì không nên thẩm định nữa".

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin báo nêu, Hội đã vào cuộc và gửi công văn đề nghị Cty Xwatch có trả lời về những vấn đề liên quan đến việc “bán giấy chứng nhận, biến hàng giả thành hàng thật”.

Vụ cấp giấy chứng nhận đồng hồ giả: Không lừa người tiêu dùng? ảnh 1 "Chân dung" chiếc đồng hồ "giả như thật".

Qua đó, đơn vị này khẳng định: Từ trước đến nay số lượng khách hàng có nhu cầu kiểm định là rất lớn nên không thể thống kê được bao nhiêu chiếc đồng hồ đã được kiểm định. Công tác thẩm định khó có thể tránh được những sai sót, mà sự việc thẩm định chiếc đồng hồ Maurice Lacroix vừa rồi là một trong số đó.

Theo Xwatch, đa phần các đồng hồ đến thẩm định đều được miễn phí công, chỉ thu khoản phí 300 ngàn đồng/lần thẩm định để chi trả cho chuyên viên, in ấn, rủi ro mở máy. Bởi có những đồng hồ giá lên tới hàng chục triệu đồng, nếu có sai sót thì rủi ro đền bù là khá cao. “Theo tôi, đây là sai sót của đội ngũ kỹ thuật viên, họ có ý đồ lừa người tiêu dùng, họ sẽ làm đến cùng”, ông Hùng nhận định.

Trong khi đó, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, hàng giả, hàng nhái đang diễn ra hết sức phức tạp, phá hoại nền kinh tế. Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Riêng đối với mặt hàng đồng hồ, số lượng sản phẩm giả rất nhiều, chính những cơ quan chức năng khi đi kiểm tra cũng khó phát hiện do mức độ tinh vi của mặt hàng này. Vị này nêu thông tin khá thú vị: Khi làm việc ở Thụy Sĩ, có một chủ hãng đồng hồ tại đây còn phải thốt lên nhiều sản phẩm không thể phân biệt được thật giả bởi độ tinh xảo của hàng nhái.

Cũng trong ngày 29/6, báo Tiền Phong nhận được công văn của Cty Luật TNHH Trương Anh Tú (đại diện cho Công ty Cổ phần Thương mại Xwatch Quốc tế), trong đó lý giải về hoạt động thẩm định đồng hồ mà báo nêu. Cụ thể, đại diện của Xwatch cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin liên quan đến việc thẩm định chiếc đồng hồ giả nhãn hiệu Maurice Lacroix là đồng hồ chính hãng, Xwatch đã rà soát lại đội ngũ, quy trình và ghi nhận sai sót là bộ phận kỹ thuật Xwatch đã nhận định và cấp giấy chứng nhận trước khi trực tiếp liên hệ với hãng để kiểm tra và có kết luận chắc chắn.

Kết luận ban đầu sau khi thẩm định lại lần hai kỹ càng cho thấy chiếc đồng hồ này có nhiều khả năng là đồng hồ fake. Ngay sau khi xác định được sai sót nghiêm trọng này, Xwatch đã chủ động liên hệ để gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đồng thời cam kết bồi thường toàn bộ những thiệt hại phát sinh.

MỚI - NÓNG