Vụ 'Đi kinh tế mới, 23 năm đòi đất': Xem xét, giải quyết bồi thường

Vụ 'Đi kinh tế mới, 23 năm đòi đất': Xem xét, giải quyết bồi thường
TP - Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Đi kinh tế mới: 23 năm đòi đất”, chỉ đạo mới đây của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Nhà nước khiến 76 hộ nông dân quê Hộ Độ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, từng đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông mừng vui, hy vọng ...

>> Đi kinh tế mới: 23 năm đòi đất

Vụ 'Đi kinh tế mới, 23 năm đòi đất': Xem xét, giải quyết bồi thường ảnh 1
Đại diện 76 hộ dân ở xã Đăk Săk xem văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ

Công văn số 166 do Vụ Khiếu nại Tố cáo, Văn phòng Chính phủ, gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông và ông Nguyễn Đình Lương thuộc tập đoàn kinh tế mới Hộ Độ.

Công văn nêu: “Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp, giải quyết nội dung khiếu nại của công dân có lý, có tình, bảo đảm lợi ích hợp pháp của 76 hộ dân đúng theo quy định pháp luật...”.

Tuy nhiên, thế nào là giải quyết “có lý, có tình” đối với một sự việc xảy ra từ 23 năm trước, khi toàn bộ số cán bộ tổ chức cưỡng chế giải tỏa ngày ấy đến nay không còn ai đương chức đương nhiệm, là câu hỏi không dễ trả lời đối với tỉnh mới thành lập 5 năm Đăk Nông, nơi còn ngổn ngang bộn bề khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.

Thừa lệnh lãnh đạo tỉnh, sau bước khảo sát thu thập hồ sơ ban đầu từ phía Cty Cà phê Đức Lập (Cty con của Xí nghiệp Cà phê Đăk Mil), nơi duy nhất hiện còn lưu giữ các văn bản chứng từ có liên quan, Thanh tra Tỉnh Đăk Nông lập báo cáo (số 50 ngày 12/6/2009) xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Ngày 10/7/2009, Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ có văn bản số 35 trả lời, cho rằng lãnh đạo tỉnh Đăk Nông cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại việc khiếu nại của các hộ dân kinh tế mới từng bị cưỡng chế di dời tại xã Đăk Săk, khẳng định, nếu trước đây việc tính toán bồi thường chưa được Xí nghiệp Cà phê Đăk Mil thực hiện đúng quy định nhà nước, cần phải chỉ đạo xem xét và giải quyết bồi thường cho công dân.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đỗ Thế Nhữ, Phó Chủ tịch Tỉnh Đăk Nông, cho biết sự việc đã được ủy quyền cho Thanh tra Tỉnh xem xét, đề xuất phương án xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Nhà nước.

Ngày 1/7/1980, Quyết định 201/CP về việc tăng cường quản lý ruộng đất trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành đã có hiệu lực. Quyết định ghi rõ: “Việc giao đất nông nghiệp, đất thổ cư nông thôn và đô thị trên hai hécta hoặc phải di dân trên 20 hộ để lấy đất làm việc khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Nhưng tháng 8/1985, Xí nghiệp Liên hiệp Cà phê Đăk Mil vẫn tự cưỡng chế di dời hàng trăm hộ dân kinh tế mới đang sinh hoạt ổn định trên diện tích hàng trăm hécta đất để thành lập nông trường Đăk Săk.

MỚI - NÓNG