Vụ học trò đeo khẩu trang học bài: Lộ diện thủ phạm gây ô nhiễm

Kênh Đồng Đế bên hông Trường THCS Cát Trinh hôi thối nồng nặc Ảnh: Tr.Định
Kênh Đồng Đế bên hông Trường THCS Cát Trinh hôi thối nồng nặc Ảnh: Tr.Định
TP - Sáng 19/10, UBND huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết đã tổ chức họp bàn về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra tại xã Cát Trinh trước những phản ánh của báo chí trong thời gian qua.

Trước đó, như Tiền Phong phản ánh, học sinh trường THCS Cát Trinh phải mang khẩu trang trong giờ học để nghe giảng, vì không chịu nổi mùi hôi và ô nhiễm do nước thải từ Cụm Công nghiệp Cát Trinh gây ra. Ngày 17/10, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ. 

Tại cuộc họp, Sở TN&MT cùng các đơn vị chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động xả thải tại Cụm công nghiệp (CCN) Cát Trinh, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực.
Theo đó, qua kiểm tra các công ty thuộc CCN Cát Trinh dù chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước nhưng vẫn xả thải ra môi trường sau khi được đưa về hệ thống thu gom nước thải tập trung của CCN.

Cụ thể, Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam phát sinh nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất với tổng lưu lượng 300m3/ngày đêm, được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty với công suất thiết kế 350m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý được đấu nối về hố thu gom chung của CNN và thoát ra kênh mương Đồng Đế.

Điều đáng nói, kết quả phân tích các chỉ tiêu trong chất lượng nước thải sau xử lý của công ty tại thời điểm kiểm tra có chỉ tiêu BOD5 (200C) vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với Giấy phép xả thải số 12/GP-UBND ngày 21/8/2017.

Tương tự, Công ty TNHH In Na Nu dù không có giấy phép nhưng nước thải sau khi được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của công ty vẫn được đấu nối vào mương thoát nước mưa của CCN và thải ra môi trường.

Cụm công nghiệp Cát Trinh có diện tích khoảng 16,7ha do Tổng Công ty CP May Nhà Bè làm chủ đầu tư. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chỉ xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và xả thải ra môi trường.

Ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “Doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại địa phương giúp tạo công ăn việc làm cho lao động là việc đáng hoan nghênh. Nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp không đảm bảo được vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân là điều không chấp nhận được. Huyện kiến nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp sai phạm”.

“Các doanh nghiệp vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường trước mắt phải cải tạo, nạo vét bùn thải tại kênh mương Đồng Đế. Tiếp đến, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sai phạm”, ông Võ Minh Đức - Trưởng Phòng Tài nguyên nước và khí tượng - Thủy văn (Sở TN&MT) khẳng định.

Bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết thêm: “Ngoài việc nạo vét, Sở sẽ tiếp tục lấy mẫu đất nước tại kênh mương Đồng Đế và một số nơi trong vùng để phân tích. Nếu kết quả phân tích cho thấy bùn thải có chứa kim loại nguy hại cho sức khỏe thì phải hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý. Chủ đầu từ CCN Cát Trinh chịu hoàn toàn về trách nhiệm này”.

MỚI - NÓNG