Vụ 'hot girl Bella' ngược đãi con: Cục Trẻ em nói 'đứa trẻ an toàn'

Một trong số ảnh bé Đoàn Thiên Hoàng Peter được đưa lên mạng. Trong ảnh cháu đang vạ vật bên người mẹ phì phèo điếu thuốc.
Một trong số ảnh bé Đoàn Thiên Hoàng Peter được đưa lên mạng. Trong ảnh cháu đang vạ vật bên người mẹ phì phèo điếu thuốc.
TP - Trả lời chất vấn của báo chí về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong vụ “hot girl Bella” có biểu hiện ngược đãi con ruột, Cục Trẻ em nói họ đã làm tròn chức trách, nhưng nghe ông Cục trưởng giải thích cụ thể thì thấy thật khó yên lòng.

BELLA TRỞ LẠI

“Hot girl Bella” là nhân vật được nhiều người biết từ ba năm nay khi nổi tiếng ăn quịt ở quán xá, quịt tiền taxi và tiền trọ, nói thì như bắn súng liên thanh. Vào tháng 6 năm ngoái khi cô ta sinh một đứa con thì mọi người lại chuyển quan tâm sang đứa trẻ khi người mẹ này cứ tha lôi con khắp nơi và có biểu hiện ngược đãi nó. Cô phả khói thuốc lá vào mặt con, “hơ” nó bên ngọn nến sinh nhật, nhiều hành động nguy hiểm gây thót tim khác.

Một tháng nay Bella xuất hiện trong một số ảnh và clip trên mạng xã hội trong đó cô ta vẫn nguyên kiểu ăn nói hành xử tục tằn còn đứa trẻ bị mẹ rao bán hoặc dọa giết, nằm vạ vật trên đường hoặc ngồi trên xe đẩy với đống đồ đạc chất trên người đến nỗi không thấy mặt mũi đâu, hoặc xe đẩy được đặt tại những vị trí nguy hiểm dưới lòng đường...

Lập tức cư dân mạng tiếp tục xôn xao, và đưa các giải pháp. Bởi một dạo, người ta cứ tưởng bà mẹ trẻ này đã yên vị trong bệnh viện tâm thần còn đứa con đã được cách ly.

Bella tên thật là Đoàn Thúy Hà, người xã Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương. Cô sinh 1986, đơn thân nuôi con, mẹ mất nên người thân thiết nhất bây giờ chỉ có bà ngoại già yếu ở quê còn bản thân thì lang bạt kỳ hồ.

ĐÃ HAY SẼ?

Chiều 29/6/2018, khoảng ba chục phóng viên có mặt tại Cục Trẻ em số 35 Trần Phú, Hà Nội để chất vấn trách nhiệm của Cục về vụ con của Bella tức Đoàn Thúy Hà bị ngược đãi trong sự bức xúc kéo dài của dư luận.

Một phóng viên nêu câu hỏi: Ông Cục trưởng Đặng Hoa Nam có xem các clip được bàn tán lâu nay cũng như phản ánh trên báo về việc Bella có những biểu hiện ngược đãi con ruột như hút thuốc rồi phả khói vào mặt con, để đứa trẻ đỏ hỏn sát ngọn nến, rao bán và dọa giết con, đè nhiều đồ đạc lên người nó...

Ông Đặng Hoa Nam thừa nhận có xem  các clip, có nghe phản ánh qua tổng đài Bảo vệ Trẻ em 111, thậm chí nhiều phóng viên còn gửi các đường link cho ông. Ông nhận xét “Chỉ thấy có dấu hiệu bất bình thường chứ chưa có cơ quan chức năng kết luận. Muốn giám định bà mẹ có tâm thần không và trẻ có bị ngược đãi không thì phải đưa được bà mẹ này đến cơ quan chức năng. Thông tin trên mạng chỉ để tham khảo”.

Hỏi: “Cục có động thái nào khuyến cáo và phối hợp các cơ quan chức năng để bảo vệ cháu bé, vì mọi người đều rất lo lắng? Vì sao một năm báo chí và dư luận phản ánh việc Bella ngược đãi con ruột mà việc giám định tâm thần vẫn không được thực hiện để cách ly cháu bé? “

Ông Cục trưởng cho biết: một đứa trẻ sẽ bị cách ly khỏi cha mẹ trong hai trường hợp: Cha mẹ không có năng lực chăm sóc con cái; Cha mẹ hoặc người chăm sóc chính là người gây tổn hại cho con.

Ông nêu cái “khó”, “phức tạp” của vụ này: “Đối tượng thường xuyên di chuyển, năm ngoái rộ lên xong bẵng đi, tháng 5 tháng 6 này mới xuất hiện trở lại. Cục có kết hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội Hải Dương và Hà Nội, thậm chí liên hệ với cán bộ chức năng cấp xã nơi cô ấy cư trú. Nếu thấy cần đi giám định thì sẽ giám định. Luật Tố tụng Hình sự qui định chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền yêu cầu giám định. Hoặc gia đình yêu cầu. Phải đúng thủ tục”.

Theo ông Nam “phải đến mức nào thì mới can thiệp chứ  sự việc đang diễn ra thì phải theo dõi đã. Một công dân người ta đang đi ngoài đường, không phải cứ thế tóm vào đòi giám định. Phải theo đúng trình tự” “Nhưng cô ấy rõ ràng có biểu hiện tâm thần. Chính bác sĩ Nguyễn Trọng An người của Cục đã chỉ ra rằng con của Bella đã bị xâm hại?” “Mới chỉ là dấu hiệu thôi chứ chưa có biểu hiện đứa bé bị tổn hại. Người ta có quyền công dân của người ta, có quyền di chuyển, cư trú ở bất kỳ đâu, có quyền nuôi con có quyền chăm sóc. Khi nào có biểu hiện gây nguy hiểm thì cơ quan chức năng mới vào cuộc”.

Câu hỏi khác: “Việc này diễn ra đã lâu, người dân có cách nào can thiệp hay phải phụ thuộc vào quyết định của cơ quan công an” “Cục có đến tận nơi tìm hiểu vụ việc, gặp mẹ con Bella?”.

Ông Cục trưởng nhiều lần khẳng định cơ quan chức năng vẫn theo dõi cơ mà, khi nào có nguy cơ xảy ra với đứa bé thì sẽ vào cuộc.

 “NGUY CƠ CAO”, BAO GIỜ?

Trên mạng có đoạn clip ghi cảnh Bella quay hai mẹ con và rao như sau: “Đây là con trai tớ, nó đã được 7 tháng tuổi rồi rất kháu khỉnh bụ bẫm. Tớ quay clip đăng lên đây, ai muốn nhận làm con nuôi thì comment để lại địa chỉ, số điện thoại tớ sẽ liên hệ trao đổi”. Và: “Nuôi thì nuôi trọn đời nhé chứ các bạn đừng có giả vờ nhận con tớ về, ngủ với con tớ một ngày xong rồi đuổi đánh mẹ con tớ rồi vẫn bảo là nhận nuôi con tớ nhé. Tớ không chịu nổi cảnh ấy đâu nhé. Tớ không có bị ngu đâu”.

Đó chỉ là một trong số biểu hiện “đặc biệt” của người mẹ này. Lo lắng cho đứa trẻ trứng nước, một số cư dân mạng đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu, thậm chí đòi Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) từ chức.

Từ sự liên hệ của phóng viên báo An ninh Thủ đô với ông Cục trưởng, buổi chiều 29/6  là một cuộc ập đến khá đông đảo và bất ngờ của cánh báo chí tại trụ sở Cục.

Chốt lại sau hơn một giờ đối đáp qua lại, một số phóng viên vẫn băn khoăn việc: “Nếu cháu bé bị tổn hại thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm và rốt cuộc thì Cục đã hay sẽ can thiệp”. Và: “Tôi thấy trả lời thế này thì chưa thấy hết chức năng vai trò của Cục. Sự việc diễn ra đã một năm trời, cân nhắc mãi nay Cục mới lên tiếng mà cũng chỉ là do báo chí thúc ép. Cục trưởng lại còn nói đây chỉ là chia sẻ với báo chí chứ không phải trả lời phỏng vấn. Cục có ý nói mình không có chức năng giải quyết trong khi Luật nói rất rõ về quyền trẻ em và trách nhiệm của Cục Trẻ em. Sự việc này không hề mới mà báo chí đã lên tiếng rất nhiều lần. Bella làm mọi việc đều công khai, đều lên mạng live stream còn động thái của Cục chỉ là sẽ theo dõi, sẽ phối hợp...”.

Ông Đặng Hoa Nam không đồng tình với kết luận trên và thông báo: “Chúng tôi có ghi nhận sự việc qua tổng đài 111 còn thì không có trách nhiệm phải trả lời cụ thể đã làm những gì”. Sau cùng, ông cho biết: “Thông tin mới nhất là cuối ngày 27/6 công an tỉnh Hải Dương đã yêu cầu cấp dưới có biện pháp quản lý Bella, còn cháu bé ở trạng thái bình thường, không có biểu hiện bị bạo hành”.

Ông khẳng định “Chúng tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật” với vụ việc con trai Bella.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Với câu hỏi “Như ông nói chỉ cần người nhà có yêu cầu thì sẽ giám định tâm thần và cách ly đứa con, trong vụ này bà của Bella đã lên báo đề nghị cơ quan chức năng tách đứa trẻ khỏi mẹ nó?” Ông Nam: “Luật qui định người nhà nếu muốn yêu cầu giám định thì phải có đơn gửi cơ quan công an. Nếu công an từ chối giám định thì người nhà có những bước tiếp theo”. Phóng viên: “Có thể rút ngắn công đoạn được không vì bà đã già và có thể ít học, không dễ viết đơn, xuất hiện trên mạng và trên báo là đủ rồi?”

Các phóng viên căn vặn: “Như vậy theo ông hiện cháu bé vẫn chưa bị nguy cơ cao? Vậy thế nào mới là nguy cơ cao?” Và: “Sự việc diễn ra quá lâu với những biểu hiện ngược đãi con hẳn hoi. Đáng ra cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay. Giả dụ con cháu của ông ở hoàn cảnh cháu bé thì ông nghĩ thế nào?” Ông Nam: “Nếu thế tôi rất đau nhưng vẫn phải đúng trình tự của pháp luật”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.