Vượt đèn vàng: Gần vạch, phanh sao kịp mà phạt?

TP - Phanh gấp khi đèn vàng bật sáng và xe đã tiến quá gần vạch là nguy hiểm, phải xem xét lại các quy định về tình huống này là nội dung được đưa ra tại toạ đàm “Vượt đèn vàng, một hành vi, nhiều cách hiểu” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 21/9.

Tranh luận “nảy lửa”

Như Tiền Phong phản ánh, gần đây liên tục xảy ra khiếu kiện liên quan đến việc xử lý vi phạm hành vi vượt đèn vàng. Đại biểu Quốc hội cũng đang chất vấn Bộ GTVT về nội dung này.

Cuộc tọa đàm lấy sự việc của ông Nguyễn Xuân Tiến, trú tại Lục Ngạn (Bắc Giang), người bị xử phạt, khiếu nại đến báo Tiền Phong, Công an tỉnh Bắc Giang để phân tích.Theo đó, chiều 16/3/2018, ông Tiến điều khiển ôtô đến ngã tư thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang), lúc xe cách vạch dừng khoảng 2 mét, đèn vàng bật sáng, không thể dừng, ông đã vượt đèn vàng. Lập tức, hai CSGT thuộc Công an huyện Lục Ngạn ra hiệu lệnh dừng xe, thông báo ông Tiến vi phạm lỗi vượt đèn vàng, xử phạt ông 1,6 triệu đồng, tịch thu giấy phép lái xe 2 tháng. Cho rằng tốc độ của xe lúc xảy ra sự việc khoảng 36km/h- 40 km/h, dừng xe trước vạch là rất khó, thậm chí sẽ bị xe phía sau đâm, ông Tiến đã khiếu nại. Tại toạ đàm, ông Tiến đề nghị các cơ quan chức năng phân tích rõ trường hợp của mình, đưa ra quy định rõ ràng để không xảy ra tranh luận, khiếu kiện.

Vượt đèn vàng: Gần vạch, phanh sao kịp mà phạt? ảnh 1 Các đại biểu thống nhất cần xem xét lại quy định pháp luật đối với việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng ở cự ly gần vạch dừng. Ảnh: Mạnh Thắng  

Tiến sĩ Khương Kim Tạo (nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, giảng viên Đại học Giao thông vận tải) cho rằng, vấn đề xử phạt lỗi đèn vàng đến cả đại biểu Quốc hội cũng chưa thể hiểu hết, phải chất vấn Bộ GTVT nên cần nhìn nhận thấu đáo. Ông Tạo cho hay, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “Tín hiệu đèn vàng là phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch thì được đi tiếp”.

Theo TS. Tạo, quy định này quá ngắn gọn khiến cho nhiều người hiểu nhầm, người tham gia giao thông không được vượt đèn vàng trong mọi trường hợp, kể cả gần hay xa vạch dừng. Tuy nhiên, nếu hiểu khái niệm “đèn vàng” này áp dụng cho toàn bộ quá trình tồn tại của đèn vàng (tối thiểu 3 giây), không chỉ là thời điểm “bật sáng” thì hành vi đi quá vạch khi có đèn vàng không thể bị xử phạt.

Ông Tạo dẫn Công ước Viên về Giao thông Đường bộ (Việt Nam tham gia năm 1968) cho thấy, khi phương tiện giao thông tới quá gần vạch dừng thì đèn vàng mới bật lên sẽ được đi tiếp. Vì thế, người nào hiểu rằng, vượt đèn vàng phải xử phạt là không đúng điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ông Tạo cũng đưa ra các tính toán về cơ khí ô tô cho thấy, nếu xử phạt người vượt đèn vàng khi đèn “bật sáng” là không đảm bảo tính khoa học vì mọi phương tiện cần một quãng đường phanh trước khi dừng.

Trong khi đó, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng: Nhiều người tham gia giao thông đã cố tăng tốc để vượt qua vạch dừng khi có đèn vàng, nguy hiểm, làm tăng nguy cơ tai nạn. “Khi đi vào khu dân cư, nơi giao nhau, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đến mức có thể dừng lại dễ dàng, an toàn. Vì thế, trường hợp không kịp dừng đèn vàng là khó xảy ra. Nhiều người lại cố tình hiểu sai luật để bao biện cho hành vi của mình” - Trung tá Hùng phân tích.

“Khi đi vào khu dân cư, nơi giao nhau, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đến mức có thể dừng lại dễ dàng, an toàn. Vì thế, trường hợp không kịp dừng đèn vàng là khó xảy ra. Nhiều người lại cố tình hiểu sai luật để bao biện cho hành vi của mình”.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội phân tích

Việc phạt hay không phạt đối với lỗi vượt đèn vàng, Việt Nam có được áp dụng các quy định khác so với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hay không là những vấn đề được nhiều đại biểu tranh luận nhiều lần tại toạ đàm.

Vượt đèn vàng: Gần vạch, phanh sao kịp mà phạt? ảnh 2 Quy định xử phạt lỗi đèn vàng đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Như Ý

Sẽ ban hành quy định mới

Ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT) cho biết, mục đích của quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng là nâng cao tính tự giác của người tham gia giao thông, đồng thời cũng có những chế tài để kiềm chế sự vi phạm giao thông. “Tuy nhiên, trong trường hợp nếu thấy khi dừng đèn vàng mà có thể gây nguy hiểm, người tham gia giao thông có thể đi tiếp”- ông Lăng nói.

Ông Đỗ Hữu Bằng - Giám đốc Hãng xe khách Sao Việt - đơn vị đồng hành cùng cuộc toạ đàm đồng tình với quan điểm, việc phạt người vượt đèn vàng không phải để “làm giàu” ngân sách, mà mục đích chính là để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. “Nhiều người không đồng tình với việc phạt đèn vàng. Quy định hiện nay vẫn gây tranh cãi. Vì thế, cần có quy định rõ ràng hơn”, ông Bằng đề nghị.

TS. Khương Kim Tạo cho rằng: “Chúng ta không được phép phạt những người vượt đèn vàng khi ở quá gần vạch dừng. Khi chúng ta có các thiết bị để xác định được ai có thể kịp dừng trước vạch khi có đèn vàng, hoặc thái độ của người đó cố tình hay không khi vượt đèn vàng…, thì có thể phạt theo quy định”, TS Tạo nhấn mạnh.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội, các quy định không rõ ràng sẽ nên tình trạng thiếu tin tưởng vào hệ thống pháp luật nước nhà. Vì thế, tới đây, Bộ GTVT sửa đổi các quy định phải đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng. “Nếu Bộ GTVT chỉ sửa đổi thông tư của Bộ mà Nghị định của Chính phủ vẫn xử phạt lỗi vượt đèn vàng cũng không đảm bảo tính thống nhất” - Trung tá Hùng phân tích.

Ông Lê Văn Thanh - đại diện Vụ An toàn Giao thông, Bộ GTVT cho rằng, Việt Nam tham gia công ước quốc tế và bắt buộc phải tuân thủ các điều ước quốc tế. Khi xây dựng các quy định pháp luật, Bộ GTVT luôn phải kiểm tra, rà soát các điều ước này. Riêng quy định về đèn vàng, Bộ GTVT đã tra soát và hiện nay đang xem xét lại, trong đó có các quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp người tham gia giao thông tiến quá sát vạch dừng và đèn vàng bật sáng.

Kết thúc cuộc tọa đàm các ý kiến cơ bản thống nhất quan điểm: Hành vi cố tình vượt đèn vàng ở tốc độ cao, tăng tốc gây nguy hiểm cần phải xử phạt. Với các trường hợp ở gần vạch dừng, phải đưa ra một quy định rất cẩn trọng nhưng phải rõ ràng, thống nhất.

TS Khương Kim Tạo dẫn Công ước Viên về Giao thông Đường bộ (Việt Nam tham gia năm 1968) cho thấy, khi phương tiện giao thông tới quá gần vạch dừng thì đèn vàng mới bật lên sẽ được đi tiếp. Vì thế, người nào hiểu rằng, vượt đèn vàng phải xử phạt là không đúng điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tính toán về cơ khí ô tô cho thấy,  mọi phương tiện cần một quãng đường phanh trước khi dừng.

MỚI - NÓNG