Xa vời thương hiệu tỏi Ninh Hòa

Ruộng tỏi Ninh Hòa. Ảnh: Lâm Chiêu Tranh.
Ruộng tỏi Ninh Hòa. Ảnh: Lâm Chiêu Tranh.
TP - “Không bán cho Lý Sơn thì biết bán cho ai!”- anh Nguyễn Văn Quốc (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chủ một vựa tỏi cười chua chát. Một lời anh nói, nhưng lại là nỗi lòng của hàng trăm hộ trồng tỏi tại đây.

Bao năm vẫn “khát” một cái tên

Cùng một công chăm như tỏi Lý Sơn, thậm chí tỏi Ninh Hòa còn phải vượt qua khí hậu ẩm ương của vùng đất cát. Nhưng, suốt 16 năm qua, tỏi Ninh Hòa vẫn chỉ được xem như loại tỏi “luồn tay” nấp sau cái bóng của tỏi Lý Sơn.

Tỏi Ninh Hòa thu hoạch trước Lý Sơn 4 tháng. Chính vì thế, việc tỏi Lý Sơn chưa đến vụ mà đã được rao bán tràn lan hẳn nhiên phải có dấu hỏi. “Hơn một nửa số tỏi được gọi là tỏi Lý Sơn đều là tỏi Ninh Hòa. Cũng có cả của các vùng khác” - ông Đỗ Hữu Minh, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Phước, cho biết. Nước mắt của người trồng tỏi Ninh Hòa vẫn rơi, thương lái vẫn ép giá. Tỏi tươi Lý Sơn 47.000 đồng/kg, còn tỏi Ninh Hòa bị ép chỉ còn 27.000 đồng/kg. Chật vật đầu ra, tỏi Ninh Hòa không còn cách nào khác ngoài việc “bán tháo”. Người dân đã thử tiêu thụ bằng nhiều cách, trong đó có cách đưa đến bán lẻ tại chợ, tuy có lãi nhưng tốn công. “Mỗi lần vào đây, thương lái từ Lý Sơn mua với số lượng lớn. Nếu không bán cho họ, thì biết sống thế nào?”- anh Quốc ngậm ngùi.

Vụ mùa năm ngoái, mỗi hộ dân mất trung bình 20-30 triệu đồng tiền công cho gần 30 thợ. Toàn bộ hy vọng thu lời được đặt trên sự “nương tay” của thương lái. Nếu bán được giá 45.000 đồng/kg, mới mong có lãi. Còn trường hợp rớt xuống 30.000 đồng/kg, “xem như làm giùm cho thương lái không công!”. Tuy nhiên, một số chủ vựa sành sỏi ở đây tỏ ra bức xúc trước cách tuồn tỏi Ninh Hòa ra đảo Lý Sơn.

Năm 2017, Ninh Hòa hiện có 130ha tỏi, đặc biệt tập trung tại Ninh Phước. Chất lượng của tỏi kéo rất nhiều người đến tận ruộng để thu mua. Để phát triển nghề trồng tỏi bền vững, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đề án “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa” nhằm làm cho cây tỏi sạch bệnh hơn, năng suất cao hơn trong khi lượng giống và phân bón giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Tuy nhiên, đáng buồn là “tỏi Ninh Hòa chưa từng nhận được bất cứ một danh hiệu nào từ tỉnh. Các công văn gửi đi nhưng thương hiệu vẫn chưa về với Ninh Hòa” - ông Minh cho biết.

Một sự công nhận vẫn là điều mà tỏi Ninh Hòa khao khát. Suốt gần 20 năm, những giọt mồ hôi rơi trên ruộng tỏi vẫn chỉ mong được một lần tự hào cái tên “tỏi Ninh Hòa”.

Tỏi Ninh Hòa, “nhỏ mà có võ”!

Năm 2002, các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Dầu, Dương Có, Nguyễn Văn Bá, Ngô Văn Thủy, Dương Văn Bồ - 5 người đàn ông Lý Sơn vượt biển, mang theo tỏi rải trên mảnh đất Ninh Hòa.

“Đời này chỉ biết có trồng tỏi thôi”- ông Dầu vẫn nhớ ngày đầu mang tỏi giống đầu tiên vào, chỉ dạy cho bà con địa phương cách chăm bón. Đất Ninh Hòa cùng chất với đất Lý Sơn nhưng đặc biệt được trời cho thêm màu đất trắng phỡn. Đó là lý do vì sao tỏi Ninh Hòa luôn có lớp vỏ nõn nà, giòn tan, càng chà xát tỏi càng trắng.

Lưng tựa núi, chân gác biển, Ninh Hòa có một lợi thế hiếm hoi để vun nên hàng trăm vựa tỏi thơm nồng. Tỏi sống được là nhờ gió nồm, tức là gió đông nam đổ vào. Gió từ biển mang độ ẩm vừa đủ, khiến tỏi “khỏe”, không mang bệnh. Địa thế Lý Sơn “độc đạo” giữa biển - gió nồm thổi cả đêm ngày, nên sinh ra loại tỏi ngon. Còn tỏi Ninh Hòa khỏe hay chết đều do may rủi. Trong suốt thời gian gieo-thu, từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch, người dân Ninh Hòa không tròn một ngày yên giấc. Đêm xuống, họ chờ chực ngóng… mây trời. Trời càng nhiều mây, sáng hôm sau, gió lành về, xem như vụ đó toàn thắng. Nếu mây dạt đi hết, trời trong sao, ngày hôm sau không có gió, tỏi sẽ yếu vì các bệnh sương mai, giòi đục thân…

Năm 2017, tỏi Ninh Hòa mất mùa nặng. Tỏi của hàng chục hộ tại Vạn Ninh không đâm củ. Nhưng ông Lì may mắn, tên thật là Nguyễn Phước gieo giống từ ngày 22/9 thì bội thu tới 17 tấn tỏi. “Đây cũng là do hên xui. Nhà tôi gieo giống khi trời còn khô. Nên bão tới, mưa xuống vẫn không hề gì. Ngược lại, còn làm cho đất xốp, tỏi đâm củ, củ to, thơm ngon”, ông Lì nói.

Ông Lì không sành sỏi trồng tỏi như ông Dầu, ông Có. Ông mới bắt đầu trồng được 2 vụ và đến vụ năm nay thì bội thu. “Không có sức thì không theo nổi cái nghề này đâu”, ông Nguyễn Tấn Phát thẳng thừng. Bởi, vốn bỏ ra không hề ít. Đầu tư một sào cùng đất đai phải ít nhất 30 triệu đồng cho 1 mùa vụ, chưa kể công thợ và thuốc men. Thời tiết Ninh Hòa không phải lúc nào cũng thuận. Được mùa năm nay, nhưng trắng tay năm khác là chuyện bình thường. Cuộc sống người trồng tỏi Ninh Hòa chưa lúc nào bằng phẳng.

Thời tiết thất thường, nhưng bù lại, thổ nhưỡng tại đây lại rất màu mỡ. Một kỹ thuật lưu truyền để tỏi Ninh Hòa luôn trắng đến từ cách xếp đất. Với công thức: 7 phần đất thịt + 5 phần đất cát. Rải lớp cát biển trên sau khi gieo, tỏi sẽ mịn màng, không bị thâm. Những sàng tỏi phơi giữa nắng, chà xát, rũ màng đất đen bên ngoài, phần thân cùng lớp vỏ nõn nà trắng bóng vô cùng bắt mắt. Tép tỏi rất chắc. Nhiều cây tỏi “sung” quá mức, nên bung ra khiến tỏi tách ra từng múi. Tỏi Ninh Hòa cắn một miếng, vị cay the, xít chặt đầu lưỡi. Hương thơm rất hăng, khi giã nhỏ nêm vào mắm có chất nhớt tự nhiên, vô cùng nồng nàn.

Người dân Ninh Hòa bám tỏi da diết nhưng khát khao thương hiệu vẫn còn quá xa vời. Không nản lòng, nông dân Ninh Hòa vẫn cần mẫn trên ruộng, cắm lưng giữa cái nắng gay gắt xứ biển, mong cho một mùa vụ bội thu.

Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đang tìm cách gỡ khó cho thương hiệu tỏi Ninh Hòa, dự báo năm 2018 sẽ có dấu hiệu khả quan. “Mô hình tỏi ở thị xã phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn lúa và các loại lương thực khác từ 1-2 lần. Rất có tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở vẫn nằm ở thương hiệu. Thị xã đã gửi rất nhiều công văn và cùng các sở ngành, đặc biệt là Sở Khoa học-Công nghệ tìm phương hướng đưa tỏi Ninh Hòa thành thương hiệu”- ông Trần Văn Minh- Chủ tịch thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cho biết.

MỚI - NÓNG