Xây trạm thu phí BOT trên đất chưa thu hồi

Trạm thu phí BOT quốc lộ 1 tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam thu phí 4 năm nhưng đến nay chưa quyết toán Ảnh: Nguyễn Thành
Trạm thu phí BOT quốc lộ 1 tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam thu phí 4 năm nhưng đến nay chưa quyết toán Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Trạm thu phí BOT QL 1 đặt tại xã Điện Thắng (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi đất. 

Quy trình ngược

Vừa qua, Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn có tờ trình đề nghị UBND thị xã Điện Bàn ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án hạng mục trạm thu phí hoàn vốn (vị trí mới) thuộc dự án xây dựng công trình dự án thành phần 1 mở rộng QL 1A đoạn Km947-Km987, tỉnh Quảng Nam theo hợp đồng BOT tại xã Điện Thắng Bắc. Điều đáng nói trạm thu phí này khởi động từ năm 2013, đến năm 2015 hoàn thành và hoạt động, thu phí từ năm 2016. Theo đó, diện tích cần thị xã Điện Bàn ra quyết định thu hồi khoảng 6.406m2 của các hộ gia đình, cá nhân tại thôn Viêm Tây 1 (xã Điện Thắng Bắc).

Việc thực hiện quy trình ngược, khiến dư luận địa phương không khỏi thắc mắc đặt câu hỏi liên quan đến trạm thu phí này. Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Trạm thu phí BOT trước đây nằm ở địa phận Đà Nẵng, sau đó được di dời về Điện Bàn (Quảng Nam). Việc xây dựng trạm phải đền bù giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất nông nghiệp cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Quá trình này theo ông Đạt cũng nhiều “gay cấn”, tuy nhiên sau đó lãnh đạo địa phương ở các cấp và nhân dân đã họp và đạt được sự đồng thuận. Việc chậm trễ là do chính sách và nhu cầu cấp bách cần di dời trạm thu phí này. 

“Quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục do Trung tâm phát triển quỹ đất của thị xã được giao nhiệm vụ theo dõi xử lý chưa sát, cán bộ trực tiếp làm không chặt chẽ. Điều quan trọng nhất là người dân đồng thuận và không phản ứng gì”, ông Đạt cho biết. Đồng thời ông cũng cho hay: UBND thị xã đã tổ chức họp kiểm điểm trung tâm phát triển quỹ đất, tổ trưởng phụ trách  dự án. Hình thức kiểm điểm là khiển trách tại các cuộc họp nhưng chưa đến mức phải ra quyết định kỷ luật!
Cũng theo ông Đạt, trước đây việc giải phóng mặt bằng dễ nên huyện tiến hành ứng tiền đền bù giải tỏa trước của chủ đầu tư. Hiện nay hồ sơ thủ tục phải đi theo sau. 

Ông Đoàn Ngọc Viên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn cho hay, cán bộ trực tiếp phụ trách dự án đền bù giải phóng mặt bằng này là ông Nguyễn Thanh Minh. Từ giữa năm 2018, khi ông Viêm được điều động về làm giám đốc  trung tâm đã cho ông Minh thôi việc vì ông này thiếu trách nhiệm. Nguyên nhân việc chậm trễ thì ông Viêm cho biết: không hiểu lý do vì sao. 

Trong khi đó, ông Hồ Anh Sơn, Giám đốc Cty TNHH MTV CECO 545 BOT, cho biết: Đơn vị đã nhiều lần hối thúc việc quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư trạm thu phí QL 1A km 947 - km 987, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Việc chậm trễ đã ảnh hưởng đến quyết toán của dự án!

Thu phí trên số liệu giả định?

Dự án có chiều dài 40km (Km 947-Km987) với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Thời gian thu phí của trạm BOT Điện Bàn theo hợp đồng là hơn 23 năm. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc tính toán này chỉ là giả định và hợp đồng BOT là hợp đồng mở. Hiện tại, đơn vị đang phải chờ quyết toán dự án để có số liệu đầu vào, vì từ trước đến nay tất cả chỉ là con số giả định, kể cả chi phí đầu tư.
Điều khá ngạc nhiên, ông Sơn cho biết: Hiện nay lưu lượng qua trạm thu phí BOT Điện Bàn tụt giảm 50%?

Nếu như trước đây thu 500 triệu đồng/ngày nhưng nay chỉ còn khoảng 250 triệu ngày? Nguyên nhân được ông Sơn  lý giải, do đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng, đường DH8 đấu nối quốc lộ 1A, một số đường vòng tránh ngay khu vực  trạm. Và trong tương lai  theo ông Sơn sẽ giảm nữa vì 2 dự án khu dân cư được quy hoạch ngay cạnh trạm. 

Theo ông Sơn, thời gian thu hồi vốn kéo dài không nguy hiểm bằng nguy cơ dự án không hoàn được vốn. Do số tiền 1.400 tỷ đồng chủ yếu đơn vị đi vay ngân hàng. Ngân hàng hiện nay đang thu nợ từng ngày, từ tiền thu phí.

MỚI - NÓNG