“Xẻ thịt” cả núi Cô Tiên

Núi Cô Tiên bị cày xới này có thể đổ ập xuống khu dân cư bất cứ lúc nào không hay
Núi Cô Tiên bị cày xới này có thể đổ ập xuống khu dân cư bất cứ lúc nào không hay
TP - Núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) diện tích gần 2.000ha, là bức bình phong chắn gió bão cho người dân hàng thế kỷ qua. Gần đây, tỉnh Khánh Hòa cấp phép bừa bãi hàng loạt dự án bất động sản từ chân đến ngọn núi, đi ngược với đồ án quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ.

Núi Cô Tiên chủ yếu là đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Từ khi chính quyền cho phép xây dựng gần 30 dự án bất động sản phân lô bán nền, biệt thự, khu du lịch sinh thái... thì quần thể núi mang hình ảnh nàng tiên nữ giáng trần được đưa vào các câu chuyện cổ tích của người dân bị “tùng xẻo” tơi tả. Hàng chục dự án đang bị đình chỉ xây dựng, phương tiện phục vụ việc cày xới, san lấp dự án cũng đình trệ, nhiều con đường dẫn lên núi cây dại mọc um tùm; mưa gió khiến đất đá sạt lở tứ bề, nham nhở, những hòn đá khổng lồ đổ xuống nằm chắn ngang đường lên núi, như muốn tì đè những ai muốn đến gần.

Kề hồ chứa nước Đường Đệ (nơi xảy ra vụ vỡ kênh thoát lũ phía Tây vào ngày 25/12/2016) là bãi chiến trường đất đá bị đào bới, san ủi. Ông Đ. (một người dân sống ở đây vài chục năm) tiết lộ: “Đất núi được các đại gia săn lùng mua với giá khá cao (vài chục triệu đồng/m2). Đất không có giấy tờ gì cũng được mua. Họ mua san nền làm dự án nhưng bị chính quyền “đình” lại để rà soát các dự án”. Thảm cảnh nhất là hòn Xện (nằm trên đường Ngô Văn Sở, TP Nha Trang), ngọn núi này bị chủ đầu tư “cạo đầu”, làm nhà điều hành bên dưới rồi bỏ đó. Việc đào bới này gây nguy cơ sạt lở cao, nhất là mùa mưa.

Việc cấp phép các dự án bất động trên ở quần thể núi Cô Tiên khiến người dân địa phương lên án gay gắt. Cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ, hủy hoại môi trường sinh thái nghiêm trọng. Hậu quả nhãn tiền là cuối tháng 11/2018, trận mưa lớn kéo theo sạt lở đã cướp đi sinh mạng nhiều người. Nhiều người dân cho rằng có sự buông lỏng của chính quyền địa phương trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Đợt sạt lở này, tỉnh Khánh Hòa phải huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng người dân tham gia công tác cứu hộ cứu nạn.

Ði ngược phê duyệt của Thủ tướng?

Theo điều tra của Tiền Phong, gần 30 dự án bất động sản xâu xé núi Cô Tiên phần lớn không phù hợp với quy hoạch. Một số dự án đã phân lô bán nền, số còn lại thay nhau quây tôn, dựng rào, đóng cọc mốc chia ranh rồi… “đắp chiếu”.

Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1396 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025. Đồ án nêu rõ khu đô thị phía Bắc núi Sạn- Nam núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải) tổ chức trục trung tâm hướng biển có kiến trúc đa dạng, tạo điểm nhấn. Dải đô thị dọc triền núi Hòn Sạn và núi Cô Tiên có cốt nền khác nhau theo triền núi. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn tự ý cho chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt cho hàng loạt dự án trên núi Cô Tiên, có biểu hiện trái với đồ án quy hoạch chung của Thủ tướng phê duyệt.

Tháng 11/2018, hồ bơi vô cực thuộc dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú đang thi công trên núi Cô Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư bị sạt lở khiến 10 căn nhà dân sống dưới chân núi bị sập, 4 người trong một gia đình giáo viên chết thảm. 

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa qua, việc băm nát núi Cô Tiên của các dự án tiếp tục làm nóng nghị trường. Ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, chất vấn hai người đứng đầu Sở TN-MT và Sở Xây dựng Khánh Hòa: “Không có quy hoạch xây dựng 1/2000 nhưng vẫn chấp thuận thỏa thuận dự án và phê duyệt quy hoạch 1/500 là làm theo cảm tính, dựa trên cơ sở nào?”. Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, phân bua: “Có những dự án khi chủ đầu tư đề nghị thỏa thuận địa điểm thì chưa có quy hoạch. Lúc đó luật cũng chưa có quy định, cứ cho thỏa thuận địa điểm, sau đó nghiên cứu. Toàn bộ dự án tại núi Cô Tiên có từ các nhiệm kỳ trước và sau này đã có thỏa thuận phương án kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư”(!?) 

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.