Xót xa hàng loạt tàu cá nằm bờ vì thua lỗ

Xót xa hàng loạt tàu cá nằm bờ vì thua lỗ
TP - Hàng vạn lao động nghề biển tại Quảng Bình đành phải tha hương kiếm sống nếu không muốn đối mặt với nợ nần, đói nghèo đang ập tới trước mắt vì hàng loạt tàu nằm bờ vì thua lỗ.

Ngư trường cạn kiệt

Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch lâu nay luôn được xem là lá cờ đầu trong nghề biển của tỉnh Quảng Bình. Nghề biển ở Cảnh Dương có truyền thống hàng trăm năm và tạo nên cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, hiện Cảnh Dương đang phải đối mặt với nguy cơ người dân bỏ biển, với 2/3 số tàu thuyền nằm bờ trong thời gian dài.

Ngư dân Lê Ngọc Tình, người có thâm niên gần 30 năm bám biển và đang làm chủ một con tàu đánh bắt xa bờ buồn bã cho biết: Đáng ra, thời điểm này tàu anh đã ra khơi đánh bắt nhưng đành phải nằm bờ vì cứ ra khơi là lỗ. Nếu như năm 2018, mỗi chuyến ra khơi về, bình quân mỗi lao động trên tàu cũng kiếm được trên dưới 10 triệu đồng, nhưng nay chuyến may mắn lắm thì chia nhau người được vài ba triệu, còn không là trắng tay.

“Nhiều khi thấy tàu về mà ứa nước mắt. Cả gần chục con người đi gần cả tháng trên biển, vét sạch cá trên tàu mà chỉ thu về được vài chục triệu. Tiền dầu không đủ lấy đâu ra mà trả lương cho bạn. Một số ít tàu gắng gượng ra khơi cầu may thế thôi, chứ giờ ở nhà biết làm gì mà ăn. Dân đây bỏ xứ đi làm ăn xa nhiều lắm”.

Bà Đậu Thị Luyên, chủ một cơ sở thu mua hải sản

Nguyên nhân của việc nghề biển thất bát, theo ông Tình là do ngư trường cạn kiệt, hải sản trên biển ngày càng khan hiếm. Các ngư trường truyền thống ngày bị thu hẹp, nghề biển ngày càng khó khăn. Cứ ra khơi là lỗ nên không thể “cố đấm ăn xôi” để nợ chồng thêm nợ.

Theo thống kê của xã Cảnh Dương, hiện trên địa bàn xã đã có 5 hộ gia đình phải bán tàu và 7 hộ bán nhà để trả nợ vì làm ăn thua lỗ. Trên biển làm ăn khó khăn, kéo theo hàng loạt hệ lụy cho phía bờ. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá của xã Cảnh Dương như: xăng dầu, đá lạnh, chế biến thủy hải sản, các xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thuyền… gần như bị ngưng trệ, cuộc sống người dân thêm phần khó khăn, nhiều lao động nghề biển phải tha hương kiếm sống.

Bà Đậu Thị Luyên, chủ một cơ sở thu mua hải sản tại xã Cảnh Dương cho biết, năm 2019 sản lượng thu mua hải sản tại cơ sở của bà giảm sút hơn một nửa. “Nhiều khi thấy tàu về mà ứa nước mắt. Cả gần chục con người đi gần cả tháng trên biển, vét sạch cá trên tàu mà chỉ thu về được vài chục triệu. Tiền dầu không đủ lấy đâu ra mà trả lương cho bạn. Một số ít tàu gắng gượng ra khơi cầu may thế thôi, chứ giờ ở nhà biết làm gì mà ăn. Dân đây bỏ xứ đi làm ăn xa nhiều lắm” - bà Luyên nói.

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương thừa nhận nghề biển của địa phương đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngoài thực trạng ngư trường khan hiếm, thì giá cả bấp bênh, rồi cửa lạch bị bồi lấp khiến tàu thuyền vào ra khó khăn… là những nguyên nhân khiến cho ngư dân không còn mặn mà với nghề biển.

Khan hiếm lao động

Ông Nguyễn Ngọc Văn, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, cho biết: Trước đây, việc ăn chia sau một chuyến đi biển đơn giản và thuận tiện rất nhiều. Ví như, sau một chuyến biển, tiền thu được trừ đi phí tổn, lợi nhuận còn lại chi theo tỉ lệ 50/50, được nhiều chia nhiều, được ít chia ít, chủ và bạn cùng nhau chia sẻ. Còn nay thì khác hoàn toàn, chủ tàu phải trả lương cứng theo tháng cho các thuyền viên, nếu lỗ chủ tàu chịu, còn lời thì ngoài lương cứng, chủ tàu phải trả thêm phần lợi nhuận cho thuyền viên. Quy ước này gây áp lực rất lớn cho chủ tàu.

Mặc dù trách nhiệm của chủ tàu ngày càng lớn, nhưng nhiều tàu cá vẫn không tìm đủ bạn để ra khơi. Những lao động lành nghề thường tìm cách xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… vẫn đi biển nhưng có thu nhập cao hơn; hoặc vào các tỉnh miền Nam lao động nhàn hơn mà thu nhập vẫn cao hơn ở quê nhà.

Thiếu lao động lành nghề, các chủ tàu đành tìm đến các lao động làm nông để “mời” họ đi biển. Không thạo nghề, sản lượng đánh bắt thấp dẫn đến thua lỗ. “Tui thấy chưa bao giờ nghề biển lại gặp nhiều khó khăn như bây giờ. Ra biển thì bao nguy hiểm rình rập, ngư trường khan hiếm; về bờ thì tìm bạn đỏ hoe con mắt; nịnh họ như nịnh vong. Muốn bạn gắn bó với mình, ngoài lương bổng xứng đáng, ăn chia rạch ròi, còn phải quan tâm đến gia đình họ như chính người thân ruột thịt của mình; hỏi cưới, ma chay, giỗ chạp gì mình cũng phải có mặt” - chủ một tàu cá ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch than thở.

Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho rằng, nguyên nhân thiếu lao động nghề biển trầm trọng như hiện nay một phần do sự cố Formosa. Thời điểm đó, nhiều lao động nghề biển buộc phải tha hương kiếm sống, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Khi biển phục hồi thì họ đã quen với nghề mới, hoặc ổn định công việc nơi đất khách nên không muốn quay lại nghề biển. Ở Đức Trạch phong trào xuất khẩu lao động nở rộ sau sự cố Formosa, thành công nhiều hơn thất bại nên lao động trẻ thi nhau xuất khẩu lao động. Nghề biển ở Đức Trạch hiện nay chủ yếu thu hút lao động từ các vùng làm nông, còn người địa phương rất hiếm. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đánh bắt.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết: Những năm trước tình trạng thiếu lao động nghề biển cũng có nhưng không gay gắt như bây giờ. Xã hiện cũng có nhiều tàu nằm bờ vì thiếu lao động. Mặc dù chính quyền chưa thống kê cụ thể là thiếu bao nhiêu lao động nhưng đây là một thực trạng đáng báo động. 

MỚI - NÓNG