Mòn mỏi đòi quyền lợi cho người cha thương binh nặng đã mất

Ông Lê Văn Dũng (ngoài cùng bìa phải) cùng anh và em ruột nhiều năm yêu cầu giải quyết truy lĩnh chế độ thương tật cho cha
Ông Lê Văn Dũng (ngoài cùng bìa phải) cùng anh và em ruột nhiều năm yêu cầu giải quyết truy lĩnh chế độ thương tật cho cha
TP - Một trường hợp được công nhận là thương binh nặng nhưng không được hưởng chế độ. Sau khi qua đời người thân tiếp tục đòi quyền lợi cho người đã khuất nhưng chưa có kết quả.

Bị cắt chế độ thương binh…

 Báo Tiền Phong nhận được đơn của ông Lê Văn Dũng, trú tại xã Ea Kênh (Krông Pắc, Đắk Lắk) kiến nghị sự việc: Ông Lê Văn Lạng (bố ông Dũng) sinh năm 1923, trước đây được biên chế tại đại đội 4, tiểu đoàn 14, trung đoàn 95 tỉnh Quảng Trị. Ngày 2/5/1948, trong khi tham gia đoàn vận chuyển lương thực từ Hải Lăng (Quảng Trị) bị địch phục kích khiến ông Lạng bị mất bàn tay trái, một nửa bàn tay phải, mù một mắt... Sau khi cứu chữa, Trung đoàn 95 lập hồ sơ chuyển ông Lạng về Ty Thương binh Quảng Trị để điều dưỡng. Năm 1949, do thương tật quá nặng, ông Lạng được chuyển về Ty Thương binh Nghệ An rồi biên chế vào Trại thương binh A7 tỉnh Nghệ An để điều trị, an dưỡng.

Ngày 26/7/1949, tại Trại thương binh A7, ông Lạng được Hội đồng Quân y Viện E103 khám và xác định tỷ lệ thương tật 100%, được giải quyết chế độ từ ngày 2/5/1948. Năm 1950, sau khi lập gia đình (lấy vợ là người chăm sóc ông theo chủ trương khuyến khích hội viên phụ nữ xung phong lập gia đình với thương binh nặng thời kỳ đó), ông Lạng rời Trại thương binh A7 về sống tại xã Nam Hoành (Nam Đàn, Nghệ An) và chế độ thương binh vẫn lĩnh bình thường.

Tuy nhiên, năm 1954, cho rằng trong hồ sơ của ông Lạng có một số nội dung không thống nhất, Khu Thương binh và cựu binh (TB&CB) Liên khu 4 chỉ đạo kiểm tra lại việc bị thương của ông Lạng. Sau vài lần làm tường trình, Khu TB&CB Liên khu 4 nhận định những bản khai này của ông Lạng chưa thống nhất về thời gian và trường hợp bị thương nên đã tạm thu sổ hưu bồng (sổ lĩnh chế độ thương binh) của ông Lạng để xem xét.

Từ năm 1954, ông Lê Văn Lạng nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Khu TB&CB Liên khu 4 và các cơ quan chức năng để được xem xét, khôi phục trợ cấp thương tật nhưng không được giải quyết…

Rồi công nhận lại.

Trước sự việc trên, ông Lạng tiếp tục kiến nghị sự việc. Ngày 5/4/1961, Vụ Dân chính và Thương binh (Bộ Nội vụ) đã có công văn (số 1687) trả lời ông Lạng: “Hồ sơ thương tật của đồng chí lưu tại Bộ không có giấy báo bị thương, chỉ có giấy khai danh dự bị thương. Trong hai giấy khai danh dự trường hợp bị thương có mâu thuẫn, mỗi giấy khai một khác… Vậy đồng chí cần liên hệ với đơn vị cũ để đề nghị đơn vị xét cấp giấy báo bị thương rồi gửi lên Bộ xét định”.

Ông Lê Văn Dũng cho biết: “Thời điểm ấy, ngoài sức khỏe yếu, cuộc sống của bố tôi còn rất khó khăn do bị cắt chế độ thương tật, các con lại còn nhỏ… Do vậy, yêu cầu lấy giấy báo bị thương bố tôi không thực hiện được”.

Năm 1978, gia đình ông Lạng chuyển về tỉnh Đắk Lắk. Ông tiếp tục kiến nghị sự việc nhưng không được giải quyết với lý do không cung cấp được giấy báo bị thương theo yêu cầu. Sau hơn 20 năm đeo đuổi sự việc, ngày 15/5/1999, Trung đoàn 95 đã cấp giấy chứng nhận bị thương cho ông Lạng. Tuy nhiên, khi có giấy này thì theo chính sách mới, ông Lạng lại phải hoàn thiện thêm một số giấy tờ nữa theo yêu cầu. Và ngày 6/7/2000, Sư đoàn BB2 (cấp trên của Trung đoàn 95) đã cấp giấy chứng nhận bị thương cho ông Lạng. Tiếp đó, ngày 18/10/2002, thượng tướng Trần Sâm, nguyên chính ủy Trung đoàn 95 từ khi thành lập đến năm 1948 đã viết giấy xác nhận ông Lạng trong khi làm nhiệm vụ đã bị thương nặng, đề nghị cấp có trách nhiệm xem xét, giải quyết cho ông Lạng được hưởng chế độ, chính sách thương binh.

Ngày 19/8/2003, Hội đồng Y khoa Quân Khu 5 đã giám định thương tật cho ông Lê Văn Lạng với tỷ lệ thương tật 100% như trước đây. Ngày 25/3/2004, Quân khu 5 ra quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh cho ông Lê Văn Lạng, được hưởng từ ngày 1/8/2003.

Nhưng không được truy lĩnh

Sau khi được khôi phục thương binh, ông Lạng đề nghị được truy lĩnh số tiền thương tật không được hưởng từ năm 1954 đến 2003. Sự việc này được chuyển về Sở Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An, địa phương trước đây ông Lạng bị cắt chế độ thương binh để giải quyết.

Trong quá trình giải quyết sự việc trên, các cơ quan chức năng cho rằng năm 2002, ông Lạng lập hồ sơ để được hưởng chế độ thương binh theo Thông tư Liên tịch số 16 (ban hành năm 1998 hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh) nên hồ sơ này không thể làm cơ sở để giải quyết chế độ truy lĩnh cho ông Lạng từ năm 1954-2003.

Năm 2005, thương binh Lê Văn Lạng qua đời khi sự việc vẫn chưa được giải quyết. Vợ và các con ông tiếp tục khiếu nại sự việc. Trong các năm 2006 và 2017, Cục Thương binh Liệt sĩ & Người có công (nay là Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH) và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An lần lượt có văn bản trả lời, trong đó vẫn nêu lý do ông Lạng thiếu giấy chứng nhận bị thương trong hồ sơ gốc nên chưa có căn cứ để giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật từ năm 1954-2003.

Gia đình ông Lạng tiếp tục khiếu nại. Ngày 13/6/2018, Cục Người có công trả lời ông Lê Văn Dũng: “Căn cứ Thông tư 05, ban hành năm 2013 của Bộ LĐ-TB&XH, việc giải quyết trợ cấp thương binh thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An”. Theo đó, ngày 15/2/2019, Cục Người có công ban hành văn bản (số 350) với nội dung: “Trong trường hợp này, ý kiến của Cục Người có công, Thanh tra Bộ (nếu có) cũng chỉ có giá trị tham khảo về chuyên môn để Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xem xét, ra quyết định cuối cùng về hướng giải quyết sự việc… Đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết theo Luật Khiếu nại hoặc hướng dẫn công dân khởi kiện vụ án hành chính để Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. Với văn bản này, ngày 20/5/2019, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An có văn bản (số 1594) trả lời kiến nghị của ông Lê Văn Dũng, cho biết hồ sơ thương binh của ông Lê Văn Lạng xác lập năm 1948 không đủ cơ sở để truy lĩnh thương tật. “Tôi thấy văn bản 1594 không phải là quyết định giải quyết khiếu nại như văn bản số 350 đã nêu. Do vậy, tôi đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An ra quyết định về sự việc này, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản”- ông Dũng cho biết. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công xác nhận văn bản 1594 chưa phải là quyết định giải quyết khiếu nại, nên sẽ yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An ra quyết định về sự việc này để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc.

MỚI - NÓNG