Lật tẩy mánh lừa vé máy bay tết

Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng cần mua vé tại các đại lý chính thức hoặc trên website của các hãng - Ảnh: Mai Vọng
Các hãng hàng không khuyến cáo khách hàng cần mua vé tại các đại lý chính thức hoặc trên website của các hãng - Ảnh: Mai Vọng
Lợi dụng tình trạng khan hiếm vé máy bay dịp tết, một số kẻ đã dùng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là qua các trang mạng trên internet, để lừa người mua vé.

Bán vé giá rẻ, lập đại lý ma...

Theo thông tin từ Vietnam Airlines (VNA), trong thời gian qua, hãng này đã nhận khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc lừa đảo bán vé máy bay của hãng thông qua hình thức giao dịch điện tử, gần đây nhất là lừa đảo bán vé máy bay tết. Thông qua Facebook, những kẻ lừa đảo đã quảng cáo bán vé đi dịp tết với giá tương đương hạng phổ thông, mặc dù hạng vé này đã hết chỗ. Thấy giá rẻ, khách hàng đăng ký mua vé máy bay bằng cách gửi email theo địa chỉ đã ghi trên mạng để đặt chỗ và nhận được mã đặt chỗ hạng thương gia với mức giá cao hơn so với giá đã thỏa thuận. Sau khi kiểm tra mã đặt chỗ với VNA qua điện thoại, khách hàng gửi xác nhận thông tin chính xác tới địa chỉ email đã giao dịch. Những kẻ rao bán vé trên mạng xã hội thực hiện thanh toán rồi gửi lại email xác thực số vé và hành trình nhận được từ hệ thống VNA đến khách hàng. Nhận được vé, khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của những kẻ đó. Ngay sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo đã hủy vé với VNA, lấy tiền và biến mất, khách mua vé trắng tay.

Trường hợp khác là các đại lý “ma” (không phải các đại lý chính thức của VNA) được lập nên với mục đích lừa đảo, lừa bán vé cho khách hàng thông qua các giao dịch bằng email. Các đại lý này thực hiện việc mua vé trực tuyến trên trang web của hãng và gửi vé cho khách qua email. Sau khi khách hàng kiểm tra và chuyển tiền (nộp tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản), đại lý đã trả lại vé, chiếm đoạt tiền của khách.

Đại diện của VNA cho biết, những trường hợp lừa đảo như trên đã làm thiệt hại về kinh tế của VNA và khách hàng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hình ảnh của hãng. Hiện tại, VNA cũng đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi này.

Khách hàng mất trắng

VNA khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác với những trường hợp lừa đảo như trên và nên mua vé tại các đại lý chính thức hoặc trên website của VNA để tránh bị lạm dụng (danh sách các đại lý chính thức của VNA được đăng tải tại http://www.vietnamairlines.com/wps/portal/vn/site/additional_services/top_agents/). Theo quy định của VNA, các khách hàng mua vé máy bay bằng thẻ tín dụng tại website www.vietnamairlines.com cho bản thân hoặc người thứ ba cần phải thực hiện thủ tục xác thực thẻ tín dụng tại phòng vé của hãng hoặc tại sân bay. Việc thực hiện xác thực thẻ tín dụng nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ, tránh cho chủ thẻ khỏi các hành vi gian lận thương mại điện tử không mong muốn. VNA quy định về hình thức thanh toán thẻ tín dụng và xác thực thẻ tại http://www.vietnamairlines.com/wps/portal/vn/site/book_your_trip/payments/credit_card/. Tuy nhiên, hiện nay, khá nhiều khách hàng chưa biết tới chính sách này nên dẫn tới tình trạng khi các đầu sân bay tiến hành kiểm tra thẻ tín dụng thì nhiều khách hàng không thể xuất trình thẻ do nhờ người khác mua vé giúp hoặc quên thẻ tín dụng đã mua vé ở nhà. Theo quy trình, với các khách hàng này VNA sẽ yêu cầu mua vé mới.

Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cũng khuyến cáo, khách khi mua vé nên đến các điểm bán vé chính thức, hoặc trang web mà hãng công bố. Hiện có nhiều kênh phân phối để khách hàng dễ dàng tiếp cận vé máy bay. Vé máy bay còn hay không, mức giá bao nhiêu đều được hiển thị trên tất cả các kênh này, bao gồm tại trang website www.jetstar.com, các phòng vé và đại lý chính thức trên toàn quốc. Tổng đài 19001550 hoạt động liên tục 24/24 giờ. Trong trường hợp cần thiết, khách có thể gọi điện thoại lên tổng đài này bất cứ lúc nào để nhân viên hãng có thể hỗ trợ kiểm tra thông tin vé máy bay.

Còn theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng hàng không VietJetAir, các khách hàng chỉ nên mua vé trên các kênh bán chính thức của hãng: tại website www.vietjetair.com, trên điện thoại smartphone qua địa chỉ http://m.vietjetair.com, qua tổng đài 19001886 và các đại lý/phòng vé chính thức của VietJetAir trên toàn quốc. Việc mua vé từ các nguồn không chính thức có thể dẫn đến việc khách không nhận được thông báo khi có thay đổi lịch bay do không cập nhật thông tin email, điện thoại; không có dịch vụ cung cấp cho khách như người bán đã giới thiệu (chẳng hạn không có hành lý ký gửi, trong khi người bán vé nói có 20 kg hành lý...). Người bán có thể dùng 1 mã số đặt chỗ bán cho nhiều người khác nhau do họ đã mua vé từ đầu và có các thông tin để thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin trên vé. Ngoài ra, có thể vé còn được mua bằng thẻ tín dụng giả, khiến hành khách bị chặn kiểm tra tại sân bay; thậm chí là vé giả hoàn toàn, không có mã số đặt chỗ trên hệ thống của VietJetAir. "Hãng hàng không sẽ không chịu trách nhiệm về những sai sót có thể xảy ra nếu hành khách mua vé máy bay theo các lời mời chào trên các trang mạng xã hội", ông Khánh nói.

Theo Mai Vọng

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG