Cảm ơn người ở tuyến đầu

TP - Đọc tin mà không muốn tin: nữ y tá 34 tuổi ở Ý sau khi dương tính với SARS-CoV2 đã tự tử vì căng thẳng và lo lắng mình trở thành nguồn lây bệnh. Thời điểm này Ý có hơn 6.200 nhân viên y tế nhiễm bệnh, ít nhất 37 người đã hy sinh.
Cảm ơn người ở tuyến đầu ảnh 1 Hai bệnh nhân ở Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất viện. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN 

Tỏ lòng biết ơn y bác sĩ, người dân các nước không chỉ ở châu Âu (phong trào đã lan tới Israel) hẹn nhau ra cửa nhà vỗ tay hoặc treo trước cửa, trên ban-công những tấm vải trắng ghi lời cảm ơn cũng như nhắc nhau ở nhà. Ngay các bác sĩ cũng vỗ tay để ủng hộ lẫn nhau. Lòng biết ơn khi được cụ thể hóa bằng hành động dù nhỏ thôi, tôi tin rằng sẽ giúp chúng ta truyền cảm hứng, truyền sức mạnh cho nhau, cam kết sát cánh cùng nhau nhiều hơn.

Những quảng trường lớn ở London, New York… thay vì nội dung quảng cáo, những bảng điện tử lớn chạy lời cảm ơn tới các nhân viên y tế. Người Mỹ cũng viết tay lời cảm ơn tới tất cả các nhà khoa học, tiếp viên hàng không, người vận chuyển hàng hóa cho tới bán nhu yếu phẩm… tóm lại lực lượng chủ chốt (key worker) đang căng mình thay toàn dân chống chọi với dịch bệnh. Ở Việt Nam còn cần phải nhắc tới lực lượng bộ đội và các tình nguyện viên đang quên mình tại các khu cách ly.

Nhưng cũng ngay giữa mùa dịch COVID-19, nhóm thanh niên côn đồ đã lao vào đánh bác sĩ L.N.S tại bệnh viện huyện Bình Giang, Hải Dương khi anh ngăn chúng hành hung nữ bác sĩ phó khoa Ngoại. Chỉ vì không chạy chữa ngay cho bạn chúng (bị ngã xe máy) mà lại ưu tiên các ca nặng hơn. Phó Thủ tướng đã phải chỉ đạo xử nghiêm.

Những người đã bước vào đời cùng lời thề Hippocrates không cần những lời cảm ơn từ chúng ta, nhưng tự đáy lòng, nhân loại đang biết ơn họ. Vì đâu đó trên thế giới lúc này, họ chính là người nắm tay những bệnh nhân COVID-19 phải lìa đời khi bên cạnh không có lấy một người thân.

Lẽ ra những vụ việc kiểu này phải xử cực nghiêm từ lâu trước khi xảy ra COVID-19. Với tư duy ở mức coi bác sĩ như nô lệ phải phục tùng nắm đấm, tất nhiên chúng sẽ áp dụng cách hành xử ấy cho tất cả những ai chẳng may dây phải chúng. Chả lẽ các trường ĐH Y ở Việt Nam nên quay về kiểu đào tạo y võ song hành như truyền thống đời các cụ?!

 Tất nhiên đã và đang có những phong trào quyên góp để mua các phương tiện phòng chống dịch chuyển tới các bệnh viện, các cửa khẩu. Có người tự tay làm đồ ăn, nướng bánh, pha sữa… gửi tới y bác sĩ. Hỗ trợ, úy lạo họ kịp thời cũng chính là tự cứu chúng ta.

Tây Ban Nha đang phải khẩn trương nhập khẩu trang, găng tay, bộ xét nghiệm và máy thở khi tình hình đã trở nên quá tải giống như Ý, khi các bác sĩ buộc phải lựa chọn cứu chữa bệnh nhân theo độ tuổi. Bản thân họ phải dùng túi ni-lông vốn để đựng rác làm đồ bảo hộ(!). Theo Reuters, một nhóm nhân viên y tế của nước này đã kiện chính phủ do không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cơ bản từ khẩu trang trở đi. Hãy hình dung một khi virus tấn công và làm tê liệt hàng ngũ y bác sĩ- điều gì sẽ xảy ra? Lưu ý là Phó thủ tướng Carmen Calvo cũng đã nằm viện vì nhiễm COVID-19.

 Gần đây trên mạng lan truyền câu nói được cho là của một nhà sinh học Tây Ban Nha: “Các bạn trả lương cho cầu thủ bóng đá 1 triệu euro mỗi tháng, còn nhà nghiên cứu sinh học là 1.800 euro. Vậy bây giờ muốn tìm ra phương thuốc trị virus Corona, đi mà hỏi C.Ronaldo hoặc Messi nhé!”.

Hẳn là đùa nhưng nó nói lên sự thật: Nhân loại luôn chạy theo và tưởng thưởng cho ai mang đến những thú tiêu khiển, khi nào họ còn khỏe mạnh. Mà vô tư phớt lờ cảnh tỉnh của những bộ óc sáng suốt từ lâu vẫn thông báo: Dịch bệnh sớm muộn chắc chắn sẽ xảy ra và virus lúc nào cũng đi trước con người. Ở Việt Nam từ đầu mùa dịch, vài người cũng “gõ cửa” các danh thủ không phải để hỏi thuốc mà vận động họ đóng góp chút gì đó cho công tác chống dịch. May còn có cựu cầu thủ Công Vinh đáp lời.

 Nữ họa sĩ kiêm đạo diễn Iran Mahnaz Yazdani mới đây có vẽ tranh liên hoàn tả một nữ y tá mang một bó hồng nhung đến bệnh viện, đặt từng bông dưới những chân dung y bác sĩ và cả người lái xe cấp cứu đã ngã xuống, sau đó thay đồ bảo hộ, đến với các bệnh nhân trong buồng bệnh lây nhiễm. Dù chưa thấy thống kê, nhưng ở nơi mà nghị sĩ, giáo sĩ, đại sứ… cũng bỏ mạng vì COVID-19 thì số lượng bác sĩ không may hẳn là…

 Còn ở Việt Nam, nhìn những bức ảnh đăng báo, trong đó 1-2 bệnh nhân ôm cả đống hoa đứng cạnh các y bác sĩ vừa chữa khỏi COVID-19 cho họ mà thấy tréo ngoe. Đáng ra những thiên thần áo trắng cầm hoa mới phải. Nhưng dù sao nó cũng chứng tỏ hệ thống chưa quá tải, các bác sĩ vẫn còn nghĩ tới chuyện mua hoa tặng bệnh nhân cơ mà.

 Họ đó, những người đã bước vào đời cùng lời thề Hippocrates không cần những lời cảm ơn từ chúng ta, nhưng tự đáy lòng, nhân loại đang biết ơn họ. Vì đâu đó trên thế giới lúc này, họ chính là người nắm tay những bệnh nhân COVID-19 phải lìa đời khi bên cạnh không có lấy một người thân.

Cảm ơn người ở tuyến đầu ảnh 2 Bức tranh cảm động của nữ họa sĩ kiêm đạo diễn Iran Mahnaz Yazdani
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.