Chuyện hậu Nick nhân buổi ra mắt sách

Chuyện hậu Nick nhân buổi ra mắt sách
TP - 1. Sáng 3/11 ở rạp Công Nhân phố Tràng Tiền (Hà Nội) xuất hiện khá nhiều người khuyết tật. Nhân nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ra mắt cuốn sách ảnh “Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam”, những câu chuyện hậu Nick và các tấm gương “Nick nội” lại được hâm nóng.

> 'Tái ngộ' Nick Vujicic ở Hà Nội
> Nick Vujicic chữa lành 'khuyết tật' tâm hồn

Dương Quyết Thắng, tay chỉ có đến khuỷu, không ngón, chơi organ điệu nghệ và hát đầy xúc động ca khúc tự sáng tác Câu chuyện của tôi. Tiếng đàn bầu Mẹ yêu con, độc tấu sáo trúc Cùng hành quân giữa mùa xuân thì do những thanh niên khiếm thị thể hiện, đầy nhạc cảm.

Có một người đàn ông đứng tuổi hát Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn khác nào ca sĩ chuyên nghiệp. Anh nom ổn, tự giới thiệu đến từ FPT, có nghĩa, “tôi đại diện một giới cũng rất khuyết tật (luôn stress trầm trọng)”.

Dịch giả Bích Lan gầy gò yếu ớt, đi phải có người đỡ nhưng cho biết chị đủ sức dịch 10 cuốn sách nữa. Người chuyển ngữ 3 tự truyện của Nick - sau một ít hồi tưởng về anh, nói “mỗi khi bạn gặp khó khăn, hãy nhớ hình ảnh hai chúng tôi hôm nay”. Hai chúng tôi là chị và Sơn Lâm - dịch giả, nhà báo, đều được biết tới như những người có cuộc sống quá khó, song đều vượt lên.

Sơn Lâm thì cho rằng anh may mắn hơn Nick vì có đủ tay để ôm mẹ và làm nhiều việc. Người đàn ông bé nhỏ này cười nói, anh thua Nick ở chỗ anh ấy đã có vợ con còn anh thì chưa dù hai người cùng tuổi 31. “Sau chuyến Nick đến Việt Nam, nhiều người vỡ lẽ, ô, hóa ra Việt Nam mình cũng đầy người giỏi kém gì Nick”. Sơn Lâm cũng đặt giả thiết biết đâu đến một ngày anh được mời sang Úc nói chuyện.

Quả tình chưa nhiều Nick nội được biết tới, như họ xứng đáng được thế. Nhưng để ngang tầm Nick thì... Không phải họ chơi đàn, dùng máy vi tính, bơi lội, làm bếp… không thạo bằng anh, mà tư tưởng, tài diễn thuyết và vẻ đẹp tâm hồn đã khiến Nick nổi tiếng thế giới. Có những tư tưởng do anh tiếp thụ được rồi phát triển thêm lên, có tư tưởng đúc rút từ kinh nghiệm sống, số phận đặc biệt của mình. Nick có một vốn từ xuất sắc, phản xạ nhạy bén của diễn giả chuyên nghiệp. Hãy nghe anh nói, ví dụ về món quà: “Thế nào là một món quà? Giả sử tôi tặng bạn một món quà và bảo Này, tặng cậu đấy, nhưng cậu phải trả tôi 100 đô la. Thế thì không phải món quà nữa, đúng không? Hoặc tôi giao hẹn: Nếu cậu muốn nhận món quà này thì phải sống tốt hơn nhé. Như vậy lại biến thành phần thưởng mất rồi. Quà tặng là vô giá, và thường đến bất ngờ. Thiên đường là một món quà. Sự sống là một món quà. Tha thứ cũng là một món quà…”.

Bé Linh Chi chụp ảnh lưu niệm cùng GS Nguyễn Lân Dũng và một thương binh mất cánh tay. Ảnh: VOV
Bé Linh Chi chụp ảnh lưu niệm cùng GS Nguyễn Lân Dũng và một thương binh mất cánh tay. Ảnh: VOV.

2. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu trong buổi ra mắt sách: “Chúng ta có nhiều người còn giỏi hơn Nick bởi Nick được máy móc hỗ trợ kể cả bấm nút ở xe lăn, trong khi người khuyết tật Việt Nam phải làm lấy hết. Nick tiêu một trăm đô một ngày còn anh bạn Sơn Lâm của chúng ta đây chỉ tiêu có trăm nghìn thôi”.

Không chỉ là câu chuyện máy móc, tiền bạc mà thôi.

Chị Thùy Hương, phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam, có lần kể tôi nghe chuyện chồng chị, kỹ sư Hùng, một người khuyết tật công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thường đi dự các hội thảo ở nước ngoài. Đến Mỹ, anh được phát một cái thẻ lên tất cả các tuyến xe buýt, để xem người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng như thế nào. Bởi vấn đề của người khuyết tật luôn là, họ rất khó khăn để có thể hành động như người bình thường.

Lần đi Nhật, anh và vài người bạn một hôm quyết định đến một nơi khá xa địa điểm hội thảo. Đi tàu điện ngầm phải chuyển làn rất nhiều và họ không biết có thể đến nơi mình cần, nhưng cứ nhắm mắt đi, chỉ biết tiếng Anh còn tiếng Nhật không một chữ. Thế rồi, cứ mỗi lần chuyển tàu, họ lại thấy một tấm ván được phóng ra từ sàn tàu, dưới sân ga đã có người chờ sẵn, “bốc dỡ” họ lên chuyến tàu mới. Hàng chục lần như vậy, đi đi về về. Chị Hương giải thích: “Mỗi nhà ga đều được thông báo rằng có một “bọn” như thế đang cần đi đến nơi này nơi nọ, thế là việc chuyển tàu diễn ra đâu vào đấy cho đến khi các ông ấy đến được nơi cần đến”.

Hội thảo ở Thái Lan, anh đi cùng người bạn khiếm thị. Buổi sáng hai người ngồi ở khách sạn, nhìn sang bên kia đường thấy quán xá liền nổi cơn thèm, thế là ông mù thì đẩy xe còn ông sáng ngồi trên xe hướng đạo, băng sang đường. Lập tức một nhân viên khách sạn lao ra giữa đường, giơ tay chắn các làn xe để họ thoải mái qua đường. Căn thời gian hai ông xơi điểm tâm đã xong, anh ta lại nhao sang đường, chặn xe, ra hiệu các kiểu, để hai ông băng về.

Chị Hương cũng kể câu chuyện một trí thức ở viện nọ có lần đi xe buýt trên đường phố Hà Nội, người chưa lọt hẳn vào bên trong thì xe đã đóng cửa, cái lưng gù của ông ấy bị cửa kẹp, một phần thân áo phấp phới bên ngoài xe, người đi đường phải phóng xe máy lên đầu xe ra hiệu rối rít với tài xế.

Bé Linh Chi người có cấu tạo cơ thể giống Nick cũng xuất hiện trở lại trong buổi sáng 3/11. Ngoài đời, nom gương mặt bé thật sáng sủa ngây thơ, còn cơ thể, quá đáng thương. Dịp này bé cũng được Ban tổ chức tặng một phần học bổng cùng với 19 gương mặt xứng đáng khác. Nhưng tương lai của bé, có còn tràn trề hy vọng như lần được gặp Nick Vujicic hay không, ai có thể biết được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG