Ghi chép trong phòng hiến máu

Người dân TPHCM nhiệt tình hiến máu cứu người trong ngày Chủ Nhật Đỏ 2018.
Người dân TPHCM nhiệt tình hiến máu cứu người trong ngày Chủ Nhật Đỏ 2018.
TP - Tôi nhớ Chủ Nhật Đỏ lần trước, việc hiến máu diễn ra ngoài trời và cuối buổi, khi trời đổ nắng nóng, một sinh viên đã bị choáng mà ngất xỉu xuống sân trường. Năm nay, địa điểm hiến máu tại Đại học Văn Hiến được bố trí trong hai phòng giảng đường lớn, có máy điều hòa, mát mẻ và thời gian cho các bạn sinh viên tĩnh tâm được thoải mái hơn.

Chủ Nhật Đỏ 2018 được khai mạc long trọng và trong bài phát biểu của mình, ông Đào Chính, Trưởng đại diện của Bộ Y tế tại TPHCM cho các bạn sinh viên biết: “Dù y học đã rất phát triển nhưng hiện vẫn chưa sản xuất được dung dịch nào thay thế được máu, bởi vậy, đối với những bệnh nhân bị mất máu thì việc tiếp nhận máu của người khác không chỉ là nhận được cơ hội sống sót mà còn nhận được tình yêu thương của đồng loại”.

Bước ra từ phòng hiến máu, ca sĩ Hoàng Kỳ Nam nói trong tiếng hò reo của các bạn sinh viên: “Đây là lần thứ hai tôi hiến máu, dù còn hơi choáng, nhưng vẫn hát tặng các bạn!”. Ca sĩ bước ra thì người mẫu bước vào. Người mẫu Trần Đình Thạch Thảo, Á khôi cuộc thi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2017 lặng lẽ tới hiến máu mà không có báo chí đi theo. Chủ Nhật Đỏ ghi nhận tấm lòng rất nhiều nghệ sĩ vì cộng đồng đã tham gia hiến máu nhiều lần nhưng không xem đó là việc để đánh bóng bản thân. Thạch Thảo nói: “Em nghe nói nhiều người cần máu nên khi có người bạn mời, em tới tham gia, dù còn … hơi sợ”.

Ghi chép trong phòng hiến máu ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng tham gia hiến máu tại ngày hội Chủ Nhật Đỏ tại TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng.

Hai phòng hiến máu tại Đại học Văn Hiến đông nghẹt, so với các năm trước, việc tổ chức quy củ hơn, nhiều bàn ghi danh, nhiều bàn khám tổng quát.

Có khoảng 3.000 sinh viên tham gia hiến máu sáng 21/1/2018 tại Đại học Văn Hiến. Bạn Như, quê Long An, thành viên của Câu lạc bộ truyền thông Đại học Văn Hiến và các bạn trong câu lạc bộ chờ đến lượt của mình, nói: “Câu lạc bộ của chúng em có 200 bạn đến từ các khoa, chủ yếu làm truyền thông cho trường của mình. Hôm nay nhiều bạn tham gia. Riêng em học hai năm thì cả hai năm đều hiến máu và nếu sang năm còn tổ chức ở đây, em cũng sẽ tiếp tục hiến”. Phương Uyên, sinh viên năm thứ hai nói bạn hơi bị choáng vì: “Đêm qua ăn mừng đội U23 Việt Nam vào bán kết châu Á nên ngủ trễ. Nghe nói nhiều người cần giúp máu nên em vẫn cố gắng tham gia”.

Có những cặp đôi sinh viên đến cùng hiến máu, cùng về, luôn thủ thỉ cùng nhau. Những nhóm bạn nằm gần chục chiếc giường chờ tới lượt mình, mỗi người một vẻ. Một số bạn ở các trường khác, thậm chí từ quận 12 cũng tới để hiến máu. Các bạn nói: “Lớp và trường không yêu cầu sinh viên hiến máu mà tự chúng em thấy việc làm cần thiết thì làm thôi. Chúng em đã lớn rồi, tự biết mình phải làm gì”. Trong năm lần tổ chức Chủ Nhật Đỏ tại TPHCM thì có 3 năm ngày hội này được tổ chức tại Đại học Văn Hiến. Chúng tôi gặp lại đây những bạn sinh viên nay đã được giữ lại trường làm giảng viên hoặc cán bộ, một số bạn đang theo học năm cuối và cả những lớp đàn em mới vào trường. Có lẽ, hoạt động hiến máu tình nguyện sau 3 năm tổ chức tại giảng đường đại học này đã trở thành một sinh hoạt cộng đồng mang tính truyền thống của Đại học Văn Hiến. Thầy giáo Đặng Thành Vũ, giảng viên của trường cho biết: “Nhiều người nói hiến máu ảnh hưởng sức khỏe nhưng ba năm qua, năm nào tôi cũng hiến máu mà tôi thấy khỏe ra, làm việc tốt hơn”. Theo các bác sĩ, việc cho một lượng máu thích hợp có tác dụng tích cực tới hệ tim mạch, giúp cải thiện sức khỏe, nhưng có lẽ yếu tố tích cực hơn đó là người cho máu cảm thấy một sự thảnh thơi khi làm việc thiện, giúp đỡ người khác trong lúc nguy nan. Thầy Vũ nói: “Chúng ta trân quý sự sống và cho máu chính là cho người khác thêm niềm hy vọng”.

Có lẽ thật thiếu sót nếu không kể tới đội ngũ nhân viên y tế làm việc gần như không nghỉ suốt ngày Chủ Nhật Đỏ. Khoảng 11 giờ tôi mới thấy bác sĩ Thanh Tâm của Trung tâm hiến máu nhân đạo ngồi… ăn bánh mì. Bác sĩ 68 tuổi đã về hưu và hiện cộng tác trong lĩnh vực hiến máu nhân đạo, vừa xin lỗi lúc ăn vừa bảo: “Mua bánh mì từ sáng sớm mà bây giờ mới có thời gian để ăn sáng nhà báo ạ”.

Có lẽ người vui nhất hôm nay cũng là bác sĩ Thanh Tâm, người đã trọn đời gắn với nghề y. Người bác sĩ già nói: “Việc huy động một lượng máu dự phòng đáng kể cho ngành y tế là việc làm rất khó khăn, là ước mơ của ngành y tế nhiều năm mà gần đây mới làm được”.

Nhiều năm liền đồng hành cùng chương trình Chủ Nhật Đỏ, thầy Đặng Thanh Vũ - Giám đốc điều hành phụ trách sinh viên trường ĐH Văn Hiến TPHCM, nói: “Tôi đã nhiều lần hiến máu nhưng sức khỏe không hề suy giảm mà ngược lại, sức khỏe ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, mỗi lần hiến máu, tôi lại có thêm nhiều xúc cảm tích cực, trân quý hơn với cuộc sống và yêu thương con người”. Thầy cũng cho hay, nhà trường và sinh viên Văn Hiến quyết tâm sẽ đồng hành cùng Chủ Nhật Đỏ trong thời gian tiếp theo.

Phát biểu tại Chủ Nhật Đỏ 2018, ông Vũ Tiến - Phó tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: “Chủ Nhật Đỏ thành công là nhờ rất nhiều tầng lớp nhân dân cùng tham gia, các cơ sở đoàn trên toàn quốc, lực lượng tình nguyện viên. Nét mới năm nay là không chỉ tổ chức trong hệ thống đoàn, trường học mà còn lan rộng ra các doanh nghiệp, và cả các buôn làng Tây Nguyên. Chúng tôi tin tưởng ngày hội sẽ được lan tỏa đến nhiều sinh viên, người dân, bà con dân tộc… Chúng tôi mong muốn Chủ Nhật Đỏ sẽ lan rộng hơn nữa, tinh thần tự nguyện hiến máu cứu người trở thành khát khao trong người trẻ”.

 

Tại TPHCM, trong ngày 21/1, lượng máu hiến đến cuối ngày được 1.598 đơn vị máu hưởng ứng chương trình Chủ Nhật Đỏ 2018. Tính từ ngày 2/1 đến nay, TPHCM đã thu được hơn 15.152 đơn vị máu để cứu người.

MỚI - NÓNG