Tình người Tây Nguyên với Chủ Nhật Đỏ

TPO - Độ lan tỏa, lớn mạnh của các sự kiện Chủ Nhật Đỏ trên cả nước, và đặc biệt trên Tây Nguyên, với sự tham gia tươi vui của đông đảo công chúng, ngành nghề, đồng bào các dân tộc từ phố thị đến tận buôn làng vùng sâu, đã khiến nhiều cán bộ lãnh đạo và chuyên gia ngành Huyết học không chỉ kinh ngạc lẫn vui mừng ...
Tình người Tây Nguyên với Chủ Nhật Đỏ ảnh 1

Những người tích cực vận động đồng bào đi hiến máu được vinh danh

Chưa xong đợt này, đã bàn đợt sau

Tích cực tham gia Chủ nhật Đỏ (CNĐ) trên Tây Nguyên tất nhiên không chỉ có đồng bào các dân tộc thiểu số. Cán bộ viên chức, chiến sĩ, trí thức, cư dân thị thành thường chiếm số đông trong hàng ngũ những người đi hiến máu tình nguyện (HMTN). Tuy nhiên, ai cũng thấy, “đặc sản CNĐ” tại Đắk Lắk chính là hình ảnh đồng bào các dân tộc vui vẻ nhiệt tình vượt những chặng đường xa, trật tự xếp hàng hoặc bình thản ngồi chờ đến lượt hiến máu, cho thấy ý thức của đồng bào về nghĩa cử hiến máu cứu người đã thấm nhuần thật mộc mạc, mà sâu sắc.

Ông Y D’hok Du, giáo viên dạy Sinh Hóa trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, xã Cư Huê, huyện Ea Kar kể “Học trò mình còn nhỏ, chưa tới tuổi hiến máu đâu. Nhưng mình làm gương, lần CNĐ nào cũng đưa cả vợ con cùng đi hiến, rồi giải thích cho bọn trẻ hiểu: Khi mình khỏe, mình cho người ta máu. Lúc mình cần, người ta lại cho mình. Xã hội cứu giúp nhau mới tốt đẹp. Chừng nào các em lớn, tự nhiên biết tham gia cống hiến cho xã hội thôi! ”

Ngay sau khi thấy huyện Ea Kar rạng rỡ ấn tượng trên các báo đài, thậm chí tờ Việt Nam News số xuân đặc biệt còn giành nguyên trang cho bài “Khi dòng máu các dân tộc hòa chung” giới thiệu về CNĐ ở Ea Kar bằng tiếng Anh, lãnh đạo huyện Cư Mgar đã chủ động đăng cai, và tổ chức hoành tráng sự kiện “CNĐ-Tình người Cư Mgar 2017”, như một ngày hội văn hóa các dân tộc, đầy ắp tinh thần thiện nguyện cao cả.

Đơn vị làm sau không thể kém hơn đơn vị làm trước, huống chi đối với Buôn Ma Thuột nổi tiếng thủ phủ cà phê, thành phố trung tâm tỉnh. Vậy nên, khi đăng cai làm điểm chính tổ chức chương trình “CNĐ -Tình người Buôn Ma Thuột 2018”, lãnh đạo thành phố đã tổ chức họp phân công tỉ mỉ cho từng ban ngành, quyết tâm vận động đồng bào toàn thành tham gia, lại còn cẩn thận dặn dò lãnh đạo 21 xã phường: Không để đồng bào tự chạy xe máy đi hiến máu, phải huy động xe ca cỡ lớn đưa đón cho an toàn.

Ngày 27/1, cả thành phố đỏ rực cờ hoa và logo CNĐ. Từng đoàn xe chở các tình nguyện viên đến Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, nơi đã mắc sẵn các màn hình lớn giúp người hiến máu thư giãn xem truyền hình tường thuật lại các pha trình diễn máu lửa như mơ của đội tuyển U23 Việt Nam. Ông Vũ Văn Hưng Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng BTC CNĐ Buôn Ma Thuột làm gương hiến máu trước. Bà H’Yim K’doh Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng Ban chỉ đạo Vận động HMTN tỉnh mặc bộ trang phục thổ cẩm truyền thống Ê Đê duyên dáng, ân cần thăm hỏi, tặng hoa những người tự nguyện đến với chương trình.  

Hình ảnh Buôn Ma Thuột tưng bừng trong ngày Chủ Nhật Đỏ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, tiếp tục thôi thúc lãnh đạo các địa phương khác điện thoại, ngỏ ý năm sau báo Tiền Phong đưa sự kiện này về, giúp địa phương thúc đẩy phong trào HMTN. Lãnh đạo các đơn vị từng tổ chức thành công CNĐ, như Buôn Ma Thuột và Cư Mgar thì nhiệt tình hiến kế, đề xuất cách thức tổ chức để chương trình “có thương hiệu” này triển khai ngày tốt hơn nữa.

Hơn cả kinh ngạc

Người hầu như không vắng mặt trong bất kỳ chuyến đi lấy máu hiến nào trên toàn tỉnh, là ông Đặng Văn Hóa, cán bộ kỹ thuật đã công tác hơn 30 năm tại khoa Xét nghiệm bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk.

Ông Hóa kể: Với những huyện xa, cách trung tâm tỉnh cả trăm cây số như Ea Súp, Ea H’leo, M’Đrắk, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa và của Trung tâm Huyết học-Truyền máu (HH-TM) tỉnh phải khởi hành từ 4h sáng, để kịp tới nơi đón người dân tới hiến máu từ đầu ngày. Vất vả đành chịu, nhưng ai cũng rưng rưng nước mắt khi chứng kiến những nhóm nông dân, và đồng bào từ chiều hôm trước đã chạy xe máy, đón xe thồ hoặc đi xe công nông bành bạch từ những buôn làng, thôn xã cách nơi lấy máu tới 30-40km, thuê phòng trọ ngủ lại, chờ hôm sau hồi sức để cho máu.

Thấm thía nỗi nhọc nhằn mỗi khi bệnh viện cạn nguồn máu, phải cuống cuồng điện thoại, van vỉ khắp nơi tìm cho được người hiến trùng nhóm máu với bệnh nhân, hoặc nạn nhân đang thập tử nhất sinh trên bàn mổ, bác sĩ Trần Thị Kim Hồng Trưởng khoa Xét nghiệm BVĐK tỉnh, Phó giám đốc Trung tâm HH-TM tỉnh chia sẻ: “Sáng ngày 29/1 mình vừa họp khoa, trao đổi với anh em cán bộ nhân viên toàn khoa về CNĐ 2018. Những người làm công tác HH-TM như bọn mình vui mừng không để đâu cho hết, khi thấy tinh thần HMTN của người dân đã dâng lên mạnh mẽ đến như thế, và lượng máu huy động được lớn chưa từng có đến như thế.

Sự kiện CNĐ lần này để lại nhiều ấn tượng lắm, cả vui, lẫn buồn, và lo lắng nữa. Vui, vì thấy khi một cơ quan uy tín như báo Tiền Phong vào cuộc, lập tức được đông đảo đồng bào hưởng ứng, và đạt được hiệu quả cao không thể ngờ nổi. Buồn, vì tinh thần người dân sôi nổi đến thế, mà ngành HH-TM không tiếp nhận hết được, để họ quay về, với lời hẹn lần sau. Lo, là phải bảo quản tốt và sử dụng hết lượng máu hiến rất lớn đợt này với chất lượng bảo đảm, không được để quá hạn hay hư hỏng. Cũng lo, là liệu quanh năm người dân có nhiệt tình HMTN như thế này nữa không? Mong sao quanh năm các bệnh viện luôn đủ máu để cứu người, chứ đừng tái diễn tình trạng “no dồn, đói góp” về máu như trước đây” - Bác sĩ Kim Hồng xúc động trải lòng.  

Trò chuyện với đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên, tiến sĩ Ngô Mạnh Quân- Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu Viện HH-TM Trung ương cho biết: báo Tiền Phong tổ chức 10 cuộc CNĐ, thì ông tham gia đủ cả 10. Thực tế minh chứng một sáng kiến vừa hay vừa đẹp như CNĐ, khi được tập trung tổ chức bài bản đã lập tức huy động được tiềm lực rất lớn từ cộng đồng.

Ts Quân kể: Trước đây ngành HH-TM đã nỗ lực truyên truyền: Ai đủ sức khỏe mỗi năm đều có thể hiến máu tới 4 lần. Và hiến đúng cách thì sức khỏe càng tốt hơn, vì máu luôn được sản sinh mới, sạch. Tuy nhiên năm nào từ sau lễ Noel cả nước cũng khan hiếm máu trầm trọng tới tận Tết Nguyên đán. Chủ Nhật Đỏ với sự vận động công chúng vào cuộc rất đông vui, đã giúp ngành Y tế chấm dứt nỗi sợ thiếu máu vào dịp cao điểm.

Tuy nhiên, qua đây, Viện HH-TM cũng muốn nhắc nhở các Trung tâm HH-TM trên cả nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức đơn vị liên quan, kêu gọi toàn dân tham gia các đợt vận động HMTN rải đều quanh năm, không nhất thiết cứ phải chờ tới Chủ Nhật Đỏ, vì hàng ngày, hàng tuần, lúc nào cũng có nhiều người bệnh, những người không may bị tai nạn cần được tiếp máu để cứu sống.

Lấy làm thú vị về việc trên CNĐ trên Tây Nguyên không có ca sĩ nổi tiếng hay người đẹp, Hoa hậu khởi động chương trình, mà đồng bào vẫn tấp nập tìm đến, Ts Quân cho rằng: Đó chính là ý thức bền vững về một nghĩa cử cao đẹp, mà chương trình đã lan tỏa được, với sự hỗ trợ rất hữu hiệu của chính quyền các địa phương. Cũng bình thường thôi, khi người hiến máu là cán bộ công chức. Nhưng thật xúc động, khi đồng bào các dân tộc với cuộc sống còn nhiều khó khăn vẫn sẵn sàng bỏ những buổi đi rẫy làm ra bắp lúa, vượt những chặng đường rất xa để hiến máu cứu người. Kết quả vận động được tới 3.770 đơn vị máu của Chủ Nhật Đỏ 2018 tại 5 điểm tổ chức ở Đắk Lắk là minh chứng.

Với việc bất đắc dĩ phải giãn bớt gần nửa số tình nguyện viên đã đăng ký hiến máu, vì sự cố “bão hòa máu hiến” đúng vào ngày Chủ Nhật Đỏ lần đầu tiên lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột đăng cai tổ chức, ông Vũ Văn Hưng Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột khẳng định: nếu đầu tháng tư báo Tiền Phong lại tổ chức CNĐ mở rộng để những người chưa được hiến máu lần này tiếp tục tham gia, thì lãnh đạo TP sẵn sàng tạo điều kiện. Vui nhất, là với cách tổ chức truyền thông hữu hiệu về CNĐ của báo Tiền Phong, nhiều người dân đã tự nguyện tìm đến mà chẳng cần ai vận động, hay giao chỉ tiêu gì cả!

MỚI - NÓNG