'Đám cưới ma' phủ bóng đen lên làng quê Trung Quốc

'Đám cưới ma' phủ bóng đen lên làng quê Trung Quốc
Việc hỏa táng ngày càng phổ biến đã đẩy cao giá tử thi trong thị trường chợ đen phục vụ các "đám cưới ma", một hủ tục ở miền bắc Trung Quốc, khiến những thương vụ thu về lợi nhuận cao hơn bao giờ hết.

> Bố mẹ bán con gái bị bệnh cho... người chết

Hai diễn viên truyền hình Hong Kong giả đám cưới ma để quảng bá cho chương trình truyền hình về sức mạnh siêu nhiên. Ảnh: IC
Hai diễn viên truyền hình Hong Kong giả đám cưới ma để quảng bá cho chương trình truyền hình về sức mạnh siêu nhiên. Ảnh: IC.

Khi Wei Zhupeng, đến từ Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đến thăm mộ chị cô năm 2010, cô bị sốc khi phát hiện ra một sự thật tàn nhẫn. Chị cô, người qua đời vì ung thư năm 2003 khi mới ngoài 30, bị đào xác và bị chồng bán cho một gia đình khác. Gia đình này đã bị mất con trai và muốn chôn anh ta cùng một phụ nữ để làm một cuộc "hôn nhân ma".

"Đây chắc chắn là sự xúc phạm đối với gia đình chúng tôi. Tại sao anh ta có thể làm thế với người vợ cũ đã mất của mình mà không nói với chúng tôi?", Global Times dẫn lời Wei tuần trước nói. Cô còn cho biết người đàn ông này đã nhận 10.800 nhân dân tệ (tức hơn 1.760 USD) từ vụ mua bán. Wei sau đó quyết định kiện người từng là anh rể cô.

Những "đám cưới ma" không hiếm ở quê của Wei và giá cả tùy thuộc vào tình trạng của thi thể. Một xác chết dùng cho hủ tục này thường có giá hàng chục nghìn nhân dân tệ, nhưng nếu thi thể nạn nhân được bảo quản tốt, giá có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 16.000 USD), Wei cho hay.

Tỉnh Sơn Tây không phải là ngoại lệ ở Trung Quốc. Nhiều vụ "đám cưới ma" đã bị phơi bày trong những năm gần đây ở miền bắc Trung Quốc, và thậm chí lợi nhuận cao còn thỉnh thoảng dẫn đến những vụ giết người để làm nguồn cung cấp xác chết.

"Một số nơi ở tỉnh Sơn Tây và Hà Nam có lịch sử lâu dài về những cuộc hôn nhân ma. Truyền thống này bám rễ sâu vào tâm thức người dân đến nỗi mà kể cả ngày nay, nhiều người dân, đặc biệt là ở vùng xa xôi hẻo lánh, vẫn tin vào nó", Xiao Fang, một giáo sư về dân gian tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết.

Một số hủ tục lâu đời ở miền bắc Trung Quốc cho rằng những trẻ em qua đời mà chưa kết hôn không được chôn trong khu mộ gia tộc. Điều này được coi là không may cho con cháu trong gia đình.

Những ông bố bà mẹ, nếu có đủ tiền để mua "cô dâu xác chết", thường chọn hình thức mua bán này không chỉ để giúp xoa dịu tâm lý, mà còn vì lợi ích gia đình.

Thị trường chợ đen càng bùng nổ khi việc hỏa táng đẩy giá các thi thể lên cao vì nguồn cung hạn chế, khiến hình thức kinh doanh này thu về lợi nhuận lớn hơn bao giờ hết.

Thị trường cho những vụ giết người

Một gia đình muốn mua một "cô dâu ma" thường mô tả điều kiện của họ và trả tiền mặt cho một người trung gian. Người này sau đó liên hệ với nhiều nguồn khác nhau và mua tử thi từ một trong những nguồn này với giá thấp hơn. Nguồn này thực tế đã mua lại từ một gia đình khác với giá thấp hơn nữa, do đó, thỏa mãn nhu cầu của tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, một số kẻ bán tử thi tham lam phá vỡ luật bất thành văn của thị trường, khi ăn trộm xác và bán trực tiếp để có thêm lợi nhuận.

Năm 2008, cảnh sát tỉnh Sơn Tây bắt giữ một nghi phạm tên Xue, kẻ cùng đồng phạm ăn cắp 11 nữ tử thi. Hầu hết trong số đó được bán với giá hơn 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.200 USD), thậm chí giá cao nhất là 50.000 nhân dân tệ (hơn 8.000 USD).

Cảnh sát ở huyện Nhuế Thành tỉnh Sơn Tây hôm 26/2 còn cứu sống một cô gái tâm thần 18 tuổi suýt bị đem bán để làm "cô dâu ma". "Nếu không có cảnh sát can thiệp, cô gái sẽ bị giết để phục vụ cho hôn lễ", Shanxi Evening News đưa tin và cho biết giá mà gia đình mua xác đề nghị là 70.000 nhân dân tệ (hơn 11.400 USD)

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như cô. Một phụ nữ mang thai tên Luo ở Diên An, Sơn Tây hồi năm 2011 bị 3 người giết và bán xác với giá 22.000 nhân dân tệ (gần 3.600 USD), theo Legal Daily.

Lỗ hổng pháp lý

Mặc dù những vụ phạm tội nảy sinh từ "đám cưới ma" hết sức nghiêm trọng, nhưng những lỗ hổng trong luật pháp Trung Quốc khiến việc trừng phạt trở nên khó khăn. "Ba năm đã trôi qua, nhưng người từng là anh rể tôi, kẻ bán thi thể chị gái tôi, vẫn chưa bị trừng trị. Thật không công bằng", Wei nói.

Cô đã cố kiện người đàn ông tên Xu này vì một tội danh liên quan đến trộm xác chết trong bộ luật Hình sự, nhưng nó bị bác bỏ với lý lẽ rằng ông Xu là chồng của chị cô, vì vậy hành vi đó không được gọi là "trộm cắp". Một khi không có "trộm cắp", nghĩa là không có điều khoản liên quan trừng phạt những kẻ tham gia vào thương vụ này.

"Về lý thuyết, hôn nhân ma đáng lẽ phải là một phong tục đem đến sự yên tâm, an lòng cho gia đình người chết. Nhưng nó luôn dính líu tới những hành động phi pháp, và dẫn tới việc vi phạm những nguyên tắc xã hội", Xiao nói và cho rằng phong tục này có thể sẽ vẫn hiện hữu nếu niềm tin truyền thống không thay đổi.

Theo Trọng Giáp
Global Times/ vnexpress.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG