Sử dụng mobile: Mỹ nói nhiều hơn Âu

Sử dụng mobile: Mỹ nói nhiều hơn Âu
(TPO) Ở 2 đầu của Đại Tây Dương không chỉ là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá mà còn là những phương thức sử dụng điện thoại di động khác xa nhau.

Thanh niên ở Georgia "buôn" trên điện thoại cố định trung bình 4 giờ/ngày trong khi ở Hy Lạp, giới trẻ gửi khoảng 4 tin nhắn trên mobile của họ một ngày.

Hội đồng châu Âu ở Brusels tự hào về vai trò của người lãnh đạo thị trường trong việc xây dựng một hệ thống điện thoại chuẩn trên khắp châu Âu. Hội đồng thông tin bang (FCC) ở Washington lại muốn để thị trường tự do lựa chọn và quyết định.

Châu Âu coi việc sử dụng rộng rãi tiêu chuẩn GSM là một thước đo thành công. GSM cũng xuất hiện ở Mỹ nhưng không được đặt ở vị trí ưu tiên.

Theo một bản báo cáo của FCC, người Mỹ sử dụng mobile nhiều hơn và chi trả ít hơn người châu Âu, cho thấy tính cạnh tranh hơn của thị trường Mỹ với thị trường châu Âu hay Nhật Bản.

Tuy vậy, 80% người châu Âu có điện thoại di động trong khi đó con số này với người Mỹ chỉ là 60%.

Theo một Cty tư vấn ở London, tổng lợi nhuận năm 2004 của các nhà cung cấp mobile ở Tây Âu là 142 tỷ USD so với 104 tỷ USD ở Mỹ. Nhưng cũng theo Cty, tăng trưởng doanh thu của Mỹ là 11% trong khi ở châu Âu chỉ là 9%.

Hệ thống GSM chuẩn ở châu Âu thu hút được nhiều khách hàng sử dụng hơn là hệ thống đa chuẩn ở Mỹ. "Bạn không thể sử dụng điện thoại di động ở mọi nơi, đó là hạn chế đối với người sử dụng ở Mỹ" - Ông Munoz nhận xét.

Ở châu Âu, GSM cung cấp dịch vụ SMS cho mọi thuê bao, trong khi ở Mỹ có cả dịch vụ SMS và BlackBerry Wireless nhưng không phải thuê bao nào cũng dùng được.

Người Mỹ coi voice mail (hộp thư thoại) là một phần của cuộc sống, là một công cụ thay thế cho các cuộc điện thoại. Một cuộc đàm thoại giờ đây hoàn toàn có thể thay thế bởi voice mail.

Người châu Âu, ngược lại, không thèm "đếm xỉa" gì đến voice mail dù họ có những phiên bản khá hay. Điện thoại di động của họ thường để lại một cuộc gọi lỡ và số người gọi lỡ, sau đó chủ nhân mobile sẽ gọi lại theo số đó mà không thèm gửi tin nhắn.

Cước điện thoại là nguyên nhân chính hình thành nên sự khác nhau của văn hóa điện thoại ở châu Âu và Mỹ.

"Giá cước đã ảnh hưởng tới cách ứng xử khi dùng điện thoại của mọi người và ảnh hưởng tới các mặt khác của cuộc sống" - Ông Dermot Glynn, Giám đốc hãng Economics châu Âu ở London cho biết.

Người châu Âu trả tiền cước mobile theo phút cho cả di động hay cố định. Thanh niên thường tiết kiệm tiền bằng cách gửi tin nhắn thay vì gọi điện. Còn tại Mỹ, mọi người phải trả tiền cả khi gửi và nhận tin nhắn.

Và sau đây là một số kết quả thú vị khác thu thập được từ các nghiên cứu của các hãng điện thoại:

• Người Mỹ nói nhiều hơn. Giá cước hợp lý đã giúp cho Internet phát triển mạnh vì kết nối Internet qua điện thoại rất rẻ.

• Người Châu Âu sẵn sàng cho biết số mobile của mình cũng như ghi ngay trên card.

• Người Mỹ phải trả tiền cho các cuộc gọi nhận và bởi thế, họ không "hào phóng" lắm trong việc đưa người khác số mobile của mình.

• Các thuê bao của dân Mỹ được khuyến mại khi thực hiện cuộc gọi vào cuối tuần ở trong địa phận nước Mỹ và bởi vậy họ không cần "nói như ăn cướp" như ở Châu Âu.

• Người châu Âu mua điện thoại và dễ dàng chuyển số và hãng điện thoại đơn giản chỉ bằng việc thay sim. Vài người mua một số sim rẻ để dùng khi ở nước ngoài và sau đó lại bỏ đi khi về nước.

Với kỷ nguyên mới của công nghệ 3G, có lẽ khoảng cách Âu - Mỹ về điện thoại di động sẽ không chỉ dừng lại ở những cách biệt hiện tại.

MỚI - NÓNG