1001 kiểu ăn Tết của những người Việt trẻ

1001 kiểu ăn Tết của những người Việt trẻ
Với phương châm “Sống khác, làm khác, nghĩ khác”, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang lên kế hoạch cho một cái Tết thật cá tính, thật ý nghĩa.

Đón Tết ở nơi xa
Mọi người thường quan niệm cho rằng, Tết là thời gian cả gia đình, thậm chí cả dòng họ sum họp để cùng chúc phúc cho nhau và đón chào năm mới. Những người đi học hay đi làm xa nhà cũng cố thu xếp để về đón giao thừa cùng gia đình.

Thế nhưng, ngược lại, một số bạn trẻ lại muốn thưởng thức một cái Tết xa nhà. Đa phần trong số họ muốn thử cảm nhận cái cảm giác thiếu vắng sự bao bọc của cha mẹ, từ đó mà trân trọng hơn những giây phút quây quần bên gia đình.

Số khác thì thích khám phá phong tục ăn Tết ở mọi nơi hoặc chỉ đơn giản vì Tết được nghỉ nên tranh thủ du lịch một chuyến. Vân Anh (sinh viên năm thứ 3, Phân viện Báo chí Tuyên truyền) hào hứng nói : “Tết năm nay, tôi và mấy đứa bạn “nối khố” đã lập kế hoạch lên Sa Pa đón giao thừa rồi. Ăn Tết trên nóc nhà của Đông Dương chắc là nhiều điều thú vị lắm. Lại còn được tham gia vào các lễ hội đón năm mới của bà con dân tộc nữa chứ. Thế nào về cũng phải cho ra lò vài tác phẩm!”.

Trong khi ấy, Thu Thủy (sinh viên khoa Tiếng Trung - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) thì lại dự định đón Tết ở tận nước ngoài : “Mình có đứa bạn học bên Bắc Kinh. Nó cứ rủ sang bên ấy chơi một chuyến cho biết mà lần lữa mãi vẫn chưa đi được. Nghỉ hè thì tham gia chiến dịch tình nguyện suốt thế nên chỉ có Tết là đi được thôi. Mà nghe nói mùa đông ở Bắc Kinh tuyệt lắm, tha hồ nghịch tuyết. Với lại, đây cũng là cơ hội tốt để mình luyện vốn tiếng Trung”.

Nghỉ Tết = Mùa làm thêm

 Trong giới sinh viên từ lâu đã lưu truyền câu nói : “Tiền không phải là vấn đề, vấn đề là không có tiền”. Học phí, tình phí rồi sinh hoạt phí, giải trí phí… làm cho ví của đa số sinh viên lúc nào cũng trong tình trạng rỗng. Nhất là hiện nay, giá cả leo thang khiến nhiều bạn càng thêm lao đao. Chính vì thế, họ không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền trong dịp Tết này được.

Đặng Hồng Nhung (Cầu Diễn, Hà Nội) khoe: “Từ mấy năm nay, bắt đầu từ Giáng sinh cho tới Tết Âm lịch, lúc nào mình cũng bận luôn tay vì nhận được nhiều “đơn đặt hàng” làm bưu thiếp. Thiệp handmade vừa đẹp, vừa rẻ, lại rất “độc” nữa. Chẳng hạn như “người ấy” của bạn thích hoa hướng dương, tớ sẽ làm một tấm thiệp hình hoa hướng dương to đùng, ở giữa có dán ảnh hai người, đảm bảo “người ấy” chỉ có thích mê đi cho mà xem. Chính vì thế, mọi người tin tưởng và toàn đến đặt hàng với tớ thôi. Thu nhập cũng khá, đủ tiền khao bạn bè một bữa bún ốc đầu năm trên Phủ”.

Không được khéo tay như Hồng Nhung, nhưng lại khéo ăn khéo nói và có ngoại hình khá ổn, Thu Phương (Ngõ 68 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đã vượt lên trên rất nhiều “đối thủ” khác để giành một chân bán hàng trong Hội chợ Tết. Phương nói : “700.000 đồng cho 10 ngày làm việc. Không tệ, đúng không? Mà công việc cũng nhẹ nhàng. Bình thường mình cũng thích đi mua sắm, bán hàng quần áo thì đúng sở trường rồi. Vừa được tha hồ ngắm quần áo, lại vừa được tư vấn cho khách hàng”.

Đó là những bạn trẻ “làm thời vụ”. Bên cạnh đó, còn có những  bạn hy sinh Tết để tiếp tục công việc làm thêm từ trong năm. Bạn Hải (sinh viên ĐHDL Quản trị Kinh doanh, quê ở Ninh Bình) cho biết bạn sẽ không về quê ăn Tết mà ở lại Hà Nội để phụ giúp ông chủ quán cà phê nơi bạn đang làm. Một phần vì Tết nhân viên xin nghỉ hết, ông chủ làm một mình không hết việc, phần vì Hải cũng muốn tranh thủ kiếm thêm để đỡ bố mẹ tiền học phí.

Và những cái Tết cá tính khác…

Còn rất nhiều cách đón Tết khác “không đụng hàng” của các bạn trẻ năng động. Có những bạn thì lập thành nhóm tình nguyện đến thăm các gia đình chính sách, thăm trại trẻ mồ côi, thăm trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Đối với họ thì nụ cười trên gương mặt của những người già, em nhỏ chính là niềm vui lớn nhất của năm mới.

Có bạn thì dành cả dịp Tết để quan tâm, chăm sóc bạn bè và người thân. Hải Yến (sinh viên Đại học Quốc gia) tâm sự: “Cứ hết mỗi tháng trong năm, tôi đều viết vào sổ tay một việc gì đó mình muốn làm cho gia đình hoặc bạn bè mà chưa có thời gian hoặc cơ hội làm được. Trong dịp Tết, tôi sẽ cố gắng thực hiện cả 12 việc đó”.

Và nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trai thì lại cho rằng đây là dịp tốt nhất để bày tỏ tình cảm với “đối tượng”. Bởi vì năm hết, Tết đến, ai cũng phơi phới, con người ta thấy yêu đời và yêu người hơn. Vì thế mà cơ hội thành công chắc cũng lớn hơn.

Nhưng cũng thật đáng buồn vì với một số bạn trẻ thì Tết cũng đồng nghĩa với các vụ nhậu nhẹt, đua xe thâu đêm, lê la chiếu bạc suốt ngày. Mong rằng năm nay, tất cả các bạn sẽ từ bỏ những cái Tết “quái tính” ấy để ăn Tết thật cá tính, thật ý nghĩa.

MỚI - NÓNG