Tiến sĩ tuổi 30

Tiến sĩ tuổi 30
(TPO) Tốt nghiệp Đại học ở Úc. Bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Anh. Trở về Việt Nam làm giảng viên Đại học. Đó là những thông tin cơ bản về vị Tiến sĩ tuổi 30 Phạm Đình Trực.

Tôi tình cờ gặp Phạm Đình Trực tại một cuộc hội thảo du học Anh, được tổ chức ở Hà Nội. Trực là khách mời danh dự, kiêm luôn “chân” phiên dịch. Anh chính là nhân vật điển hình, là “ví dụ sống” tiêu biểu mà trường ĐH Liverpool John Moores (JMU) muốn giới thiệu với những sinh viên (SV) Việt Nam đang có ý định du học.

Là con giữa (trong số 3 anh chị em) của một gia đình mà bố mẹ là công chức, cậu bé Phạm Đình Trực sớm bộc lộ năng khiếu ở các môn học khoa học tự nhiên. Ngay từ thời học chuyên toán PTTH Lê Hồng Phong (TPHCM), Trực đã thường có mặt trong đội tuyển thi Toán Quốc gia của trường. Sau khi thi đỗ vào ĐH Bách khoa TPHCM với ngôi vị Á khoa (29,5) điểm, Trực lọt vào “vòng ngắm” được cấp học bổng du học toàn phần tại Australia của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nơi anh du học lần thứ nhất là New South Wales University (NSW) - Trường ĐH lớn nằm ở phía Đông Nam nước Úc. Tất nhiên, một chàng trai chưa đầy 20 tuổi, lần đầu tiên xa bố mẹ, sống tự lập trên đất khách quê người, chắc chắn không thể tránh khỏi khó khăn. Nhưng do vững kiến thức chuyên ngành, thông thạo Anh văn, Trực đã nhanh chóng bắt kịp với chương trình đào tạo thiên nặng về thực hành.

Phương pháp học của Trực là thường xuyên đến giảng đường nghe các giáo sư đầu ngành giảng, từ đó cố gắng nắm bắt vấn đề và ôn luyện kiến thức. Sau những ngày ướt đẫm mồ hôi ở phòng thí nghiệm trong điều kiện thời tiết tuyết đóng băng bên ngoài, sau những ngày “ăn thư viện, ngủ thư viện”, cuối cùng lòng hăng say của anh đã được đền đáp xứng đáng.

Luận văn tốt nghiệp với đề tài “Hệ thống điều khiển sử dụng microcontroller” chuẩn bị kỹ từ kỳ nghỉ hè trước khi bước vào năm cuối, được hội đồng tốt nghiệp đánh giá xuất sắc. Trực là một trong những số rất ít SV (của cả ta lẫn tây) tốt nghiệp loại “First Class Honour”. Tiêu chuẩn của “đẳng cấp” này là SV phải đạt kết quả học tập trung bình 7.5 (một số điểm không dễ chinh phục ở New South Wales University). Trực được hơn 8 điểm.

Kết quả này làm ông thầy “ngoại” hướng dẫn - Giáo sư Emil Levi - phải gật đầu khen ngợi. Trước tài năng của cậu học trò cưng mang “thương hiệu” Việt Nam, ông cương quyết giới thiệu Trực với đồng nghiệp của mình ở ĐH Liverpool John Moores (Anh).

Mới liếc qua thành tích học tập của Trực, giáo sư Lolar - Người có uy tín cao trong ngành năng lượng ở Anh - chẳng chút đắn đo trước yêu cầu nhận Trực “nhảy cóc” làm nghiên cứu sinh. Ông nhìn Trực và nói: OK. Vậy là sau một suất học không mất tiền ở Úc, giờ lại thêm một suất học bổng nghiên cứu sinh toàn phần ở Anh.

"Vinh quy bái tổ"

Trong suốt thời gian diễn ra hội thảo giới thiệu về trường ĐH JMU tại khách sạn Sunway, những SV quan tâm đến du học tới tấp vây quanh “nam speaker” có giọng nói trầm ấm, đặc sệt dân TPHCM. Họ “chăm sóc” anh không chỉ bởi anh là người phiên dịch trực tiếp, hay là người từng 2 lần tay không... du học. Các bạn trẻ còn muốn “khai thác”  ở anh những bí quyết dẫn đến thành công trong học tập, nghiên cứu.

Năm 1998, Trực bắt tay vào nghiên cứu tại JMU - Trường ĐH do bà Cherie Booth, phu nhân Thủ tướng Anh Tony Blair làm Hiệu trưởng. So với ở Úc, điều kiện học tập, sinh sống ở Anh khó khăn hơn cho SV Việt Nam rất nhiều. Thời tiết ở xứ sở sương mù rất khắc nghiệt. Trong khi đó, lượng SV Việt Nam ở đây ít. Nhưng trên cả là một khối lượng kiến thức khổng lồ cần phải “tiêu hoá” nếu người nghiên cứu muốn lấy được tấm bằng của nước sở tại.

Ở JMU, chương trình đào tạo ĐH thậm chí còn nặng về thực hành hơn ở Úc. Tất cả các môn học chuyên môn đều bắt buộc phải có thực hành. Nhiều môn không có điểm thực hành sẽ không được thi kết thúc. “Đánh vật” với bài tập lớn về nhà, bài tập thí nghiệm (rất nặng), bài thực hành... với nhiều người đã là cả một vấn đề, vậy mà Trực vẫn thản nhiên: “Mình thấy không có gì là khó khăn cả!”.

Bất chấp những áp lực kiểm tra tiến độ nghiên cứu hàng năm của trường (nếu đạt mới được phép tiếp tục nghiên cứu), sau 5 năm “mài kinh nấu sử”, Phạm Đình Trực đã hoàn thành luận văn Tiến sĩ về “Điều khiển động cơ không đồng bộ bằng phương pháp điều khiển moment trực tiếp có xem xét tổn hao sắt từ”. Đây là đề tài được cơ quan tài trợ của Chính phủ Anh tài trợ, và được Cty ABB chi nhánh UK giúp đỡ về trang thiết bị máy móc.

Có trong tay 2 bằng xuất sắc, Tiến sĩ trẻ Phạm Đình Trực được nhận làm công tác giảng dạy và được phép kéo dài thời gian nghiên cứu ở Anh. Nhưng mới làm thầy ở đây được một học kỳ, anh nằng nặc đòi về Việt Nam công tác: “Quyết định quay về Việt Nam của tôi là hoàn toàn đúng đắn. Tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó. Thực ra khi học xong, nếu làm bên ấy một vài năm lấy kinh nghiệm thì tốt, nhưng về Việt Nam không phải là không có cơ hội...”.

Ngoài lý do muốn sống gần gia đình, sâu xa hơn, Trực còn muốn “trả nợ” quê hương đã tạo điều kiện cho mình ăn học đến nơi đến chốn. Hiện anh đang là giảng viên khoa Điện - Điện tử (Bộ môn thiết bị điện) - ĐH Bách Khoa TPHCM.

Sau gần 10 năm bôn ba du học, “ông” Tiến sĩ tuổi 30 giờ đã trở về từ chính nơi mình đã ra đi ngày trước.

MỚI - NÓNG