'Thư rác' tiếp tục hoành hành:

10 triệu địa chỉ email giá 100.000 đồng!

10 triệu địa chỉ email giá 100.000 đồng!
TP- Rẻ hơn nhiều so với trước đây, chỉ cần 100.000 đồng, có thể nắm được tới 10 triệu địa chỉ email của khách hàng trong nước. Các địa chỉ email này sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó chủ yếu để phát tán thư quảng cáo.
10 triệu địa chỉ email giá 100.000 đồng! ảnh 1
Email được rao bán trên một website

Và để đối phó với nạn thư rác tặc, cơ quan quản lý đang soạn thảo quy định với mức phạt nặng cho các đối tượng trong lĩnh vực này.

Cả triệu địa chỉ email bị rao bán

Chỉ cần cú click chuột, hàng loạt các địa chỉ cho dịch vụ này sẽ lập tức xuất hiện trên các trang web như: muabanthongtin.com, tinraovat.net, diendan.edu.net.vn, raovatmienphi.com, raovat.com.

Trên các địa chỉ này, một người có tên Nguyễn Đình Nhâm, tại 134 Bàu Cát 2, phường 12 (Tân Bình, TPHCM) quảng cáo trên Internet là có tới gần 10 triệu địa chỉ email rao bán.

Chủ nhân của các địa chỉ email này còn khẳng định đã lọc hơn 5 triệu địa chỉ trong số 10 triệu email này để có được danh sách email của những người có thể trở thành khách hàng tiềm năng.

Để có số địa chỉ 5 triệu email này trên đĩa CD, người mua chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng. Ngoài ra, người mua còn nhận được phần mềm gửi email chuyên nghiệp, kèm tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Một người khác có tên là Vũ Kim Huyên tại địa chỉ 106 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) cũng rao bán trên mạng 10 triệu địa chỉ email trong nước với giá chỉ 100.000 đồng. Chủ nhân của số email này yêu cầu giao dịch bằng cách gửi tiền qua bưu điện.

Sau khi nhận được tiền sẽ gửi đĩa CD kèm  hướng dẫn sử dụng qua dịch vụ chuyển phát nhanh trong vòng 24 giờ hoặc sẽ gửi đường kết nối để tải về.

Lần theo địa chỉ trên Internet, chúng tôi liên hệ với anh Đ.M.S ở Cty TNHH Thương mại Dịch vụ VU NHAT MINH có địa chỉ tại 131/42 Tô Hiến Thành, quận 10 (TP HCM). S. cho biết, hiện có trong tay 10 triệu email và sẵn sàng bán địa chỉ email này hoặc nhận gửi thư quảng cáo với mức là 50 đồng/khách hàng.

Nếu khách hàng ký hợp đồng, mỗi ngày, S. có thể phát tán 20.000 thư quảng cáo qua email của các khách hàng sử dụng email trong nước và kể cả email miễn phí như yahoo hay gmail. S. còn khoe có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ quảng cáo qua email này cho việc quảng cáo công ty hay các dịch vụ làm đẹp…

Các đối tượng rao bán email trên mạng đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí nhận gửi giúp thư quảng cáo nếu khách hàng có nhu cầu có thể chèn hình động và chạy chữ mà không bị các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chặn thư rác.

Chống thư rác – mèo đuổi chuột

Ông Trần Bá Thái, Giám đốc Cty Viện trường NetNam (Viện Công nghệ Thông tin), phân tích, việc các đối tượng có trong tay hàng triệu địa chỉ mail tại Việt Nam có thể do ba yếu tố.

Thứ nhất, bị chính đối tượng trong các công ty cung cấp dịch vụ email tuồn ra ngoài. Thứ hai, các đối tượng sử dụng phần mềm quét trên mạng để lấy địa chỉ thư. Thứ ba, khả năng hacker tấn công được vào hệ thống mail server của các ISP để lấy đi danh sách mail của khách hàng.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Anh, Giám đốc FPT Telecom, cho rằng, nếu hacker tấn công vào hệ thống mail server, họ sẽ không dừng ở việc chỉ lấy các địa chỉ email để đem bán mà còn làm nhiều việc động trời hơn.

Trong khi đó hệ thống mail server được bảo mật rất cao và đây cũng là danh dự của nhà cung cấp dịch vụ. Vì thế khả năng này gần như bị loại bỏ. Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC, cũng cho rằng khả năng các đối tượng hack vào hệ thống mail server của các ISP gần như không thể bởi hệ thống này bảo mật rất cao.

Còn theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS, các đối tượng có thể dùng virus để lấy các email từ máy tính rồi chuyển về gom thành danh sách các địa chỉ email để bán.

Theo ông Trần Bá Thái, Giám đốc NetNam, các biện pháp chặn thư rác không hề đơn giản bởi đấy là câu chuyện mèo đuổi chuột và mang tính trường kỳ. Các đối tượng gửi thư rác luôn có các hình thức biến tướng khác nhau để lọt qua các hệ thống chặn thư rác của các ISP.

Hơn nữa, chặn thư rác không phải là vấn đề đơn giản bởi các ISP không thể tự làm được khi mà không có khung pháp lý bởi đây là vấn đề tự do thư tín.

Tỏ ra lạc quan hơn, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS cho rằng nhiều phần mềm chặn thư rác đạt hiệu quả lọc tới 95%.

Phần mềm này sẽ dùng thuật toán xác suất để nhặt các thư có nhiều trong từ khoá được cảnh báo là thư rác và sẽ dựa trên kết quả này để chặn. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, phải dùng đến luật để đưa ra những quy định về chặn thư rác.

Bộ Thông tin & Truyền thông đang bắt tay xây dựng một nghị định về chống thư rác và dự kiến ban hành vào tháng 12 tới.

Theo kinh nghiệm quốc tế nghị định sẽ chia thư quảng cáo làm hai phần of in và of out. Phần of in là phần trước khi gửi thư quảng cáo phải liên hệ với khách hàng. Nếu được đồng ý, nhà quảng cáo mới được gửi thư.

Dự thảo nghị định cũng quy định việc gửi thư quảng cáo sẽ bị hạn chế. Các doanh nghiệp quảng cáo mỗi ngày không được gửi quá 5 thư/ngày tới khách hàng. Bộ Tài chính đang góp ý kiến doanh nghiệp chỉ được gửi 2 thư quảng cáo/ngày. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp muốn được gửi thư quảng cáo nhiều hơn 5 thư/ngày.

Nếu người nhận không đồng ý nhận thư quảng cáo mà các đối tượng là cá nhân hay doanh nghiệp vẫn cố tình gửi  thì sẽ bị xử phạt. Mức phạt cao nhất trong dự thảo nghị định đưa ra là 100 triệu đồng. 

Nghị định cũng sẽ nghiêm cấm các hành vi thu thập các địa chỉ email một cách bất hợp pháp.  

MỚI - NÓNG