50 năm nữa, các đại dương sẽ hết cá

50 năm nữa, các đại dương sẽ hết cá
Các nhà khoa học nói sẽ gần như không còn cá hay các hải sản khác vào giữa thế kỷ này nếu như tốc độ khai thác hiện nay tiếp diễn.
50 năm nữa, các đại dương sẽ hết cá ảnh 1
Một vùng bảo vệ sinh vật biển ở Papua New Guinea

Theo một nghiên cứu mới nhất, nguồn cá của một phần ba loại cá hiện có đã cạn kiệt và tốc độ này đang tiếp diễn.

Trong bài viết trên tạp chí Science (Khoa học), nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế nói rằng lượng cá biển giảm có liên quan tới sự mất mát đa dạng sinh vật biển nói chung.

Nhưng nhóm nghiên cứu cũng nói rằng việc sử dụng các khu vực bảo vệ sinh vật biển sẽ có thể bảo vệ nguồn tài nguyên biển hiện có.

Nghiên cứu viên trưởng Boris Worm của đại học Dalhousie ở Canada nói rằng con người vẫn khai thác tài nguyên biển với niềm tin rằng sẽ luôn có những loài mới thay thế những loài đã bị tuyệt chủng.

Nhưng ông nói với trang tin bbcnews.com rằng biển chỉ có một lượng sinh vật hữu hạn và cho tới nay con người đã khai thác hết một phần ba và sẽ khai thác nốt phần còn lại trong tương lai.

Trong khi đó một nhà khoa học khác tham gia dự án, ông Steve Palumbi của đại học Standford ở California nói: ''Nếu chúng ta không thay đổi căn bản cách chúng ta khai thác các loài sinh vật biển, thì thế kỷ này sẽ là thế kỷ cuối cùng của hải sản hoang dã.''

Nguồn cá cạn kiệt

Nghiên cứu vừa hoàn thành là một công trình rộng lớn với sự tham gia của các nhà khoa học ở Châu Âu và Châu Mỹ. Họ sử dụng bốn loại dữ liệu khác nhau.

Các dữ liệu về lượng cá đánh bắt được ngoài biển cho thấy sự giảm sút về nguồn cá. Những con tàu lớn hơn, lưới đánh cá tốt hơn và công nghệ mới để phát hiện cá cũng không giúp mang lại lượng cá đánh bắt được lớn hơn.

Trên thực tế, lượng cá đánh bắt được trên toàn cầu đã giảm 13 phần trăm trong giai đoạn từ năm 1994-2003.

Các dữ liệu lịch sử từ các vùng duyên hải ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc cũng cho thấy sự sụt giảm tương tự.

Trong khi đó các thí nghiệm trong các hệ sinh thái nhỏ cho thấy sự giảm sút đa dạng sinh thái cũng sẽ dẫn tới sự giảm sút nguồn cá.

Và mảng dữ liệu cuối cùng là từ các vùng cấm đánh cá hoặc hạn chế tối đa việc đánh cá.

Các dữ liệu thu được cho thấy các khu bảo tồn đã khôi phục sự đa dạng sinh thái và kéo theo sự phục hồi nguồn cá.

Các nhà khoa học nói rằng các khu bảo vệ sinh vật biển và nguồn cá cần được quản lý tốt hơn để giữ được sự đa dạng sinh vật biển. Họ cũng kêu gọi cấm đánh bắt cá tại một số vùng mà nguồn cá đã gần cạn kiệt để tránh sự tuyệt chủng trông thấy và có thể tránh được đối với một số loài cá.

Theo BBC

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.