“Bạc cao su đỡ trục chân vịt” của chàng trai Tây Đô

“Bạc cao su đỡ trục chân vịt” của chàng trai Tây Đô
TP - Năm 2002, doanh nghiệp tư nhân Trí Tuệ ở khu TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng (Cần Thơ) cho ra đời “bạc cao su đỡ trục chân vịt”, một chi tiết không thể thiếu trong hệ động lực của các phương tiện giao thông đường thủy.
“Bạc cao su đỡ trục chân vịt” của chàng trai Tây Đô ảnh 1
Anh Nguyễn Trí Tuệ với “Bạc cao su đỡ trục chân vịt”  Ảnh: Tùng Huyện

Thiết bị này trước đây đều phải nhập từ nước ngoài như Mỹ, Nhật, Nga... với giá đắt đỏ. Chủ doanh nghiệp Trí Tuệ là anh Nguyễn Trí Tuệ.

Anh Tuệ quê ở Long Mỹ (Hậu Giang), con thứ năm trong gia đình bảy anh chị em. Mới 5 tuổi, Tuệ đã phải chứng kiến cha của mình là ông Nguyễn Thành Lẫm, cán bộ tuyên huấn huyện Long Mỹ bị địch bắt mổ bụng. Sau khi cha hy sinh, mấy anh em Tuệ vào vùng kháng chiến ở U Minh.

Nhà nghèo, chịu khó học tập, năm 1985, Tuệ thi đỗ Khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Thời sinh viên, anh vừa học vừa làm. Năm 1990, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, Tuệ trở về Cần Thơ và được nhận vào làm việc tại Nhà máy Bao bì Cần Thơ. Rồi tai ương ập đến, năm 1994, một trận hỏa hoạn đã làm bỏng nặng khuôn mặt của anh.

Khỏi bệnh với một triệu đồng, Tuệ mở cơ sở sản xuất, trụ sở là căn nhà lá khoảng 10 m2. Đầu tiên, anh nghiên cứu chế tạo máy ép cao su bằng vật liệu mua tại các cửa hàng phế liệu.

Từ chiếc máy thô sơ ấy, anh cho ra đời sản phẩm đầu tiên là con lăn máy dệt tròn, giá 30.000 đồng (trong khi nhập từ nước ngoài 160.000 đồng). Nhà máy Bao bì là khách hàng đầu tiên của anh.

Dần dần, sản phẩm đa dạng hơn: Joint, phốt cao su, các loại ru lô cao su trong in ấn... Khách hàng xa gần tìm đến, trong đó có Cty cơ khí và sửa chữa công trình 721 hợp đồng thay loại bạc láp phà trước đây phải mua từ Đan Mạch.

Một thời gian, anh nhận thấy sản phẩm “bạc cao su đỡ trục chân vịt”, một chi tiết cao su kim loại không thể thiếu trong hệ động lực của các phương tiện giao thông đường thủy mà người dân phải nhập về với giá rất cao. Anh liền bắt tay nghiên cứu.

Niềm vui đến bất ngờ: Anh tìm ra công thức phối trộn. Nhưng công nghệ đúc ép sản phẩm không có trên sách vở và không tìm ra tài liệu để tham khảo. Có lúc tưởng như bế tắc.

Cuối cùng, anh đã tìm ra công nghệ sản xuất bằng chính sự sáng tạo của mình. “Bạc cao su đỡ trục chân vịt” mang nhãn hiệu  “Made in Viet Nam” của anh có mặt trên thị trường khiến giới chuyên môn ngạc nhiên.

Tuy nhiên sau khi “bạc cao su đỡ trục chân vịt” ra đời không được thị trường nồng nhiệt đón nhận vì hoài nghi “độ bền”. Không nản lòng, anh tìm đến các cơ quan, xí nghiệp mời họ dùng thử. Sự kiên trì, lòng nhiệt thành đã giúp anh thành công.

Sản phẩm của anh được thị trường chấp nhận và ngày càng đẹp hơn về mẫu mã, đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng không thua hàng ngoại mà giá rẻ hơn 40% - 50%. Các doanh nghiệp, các Cty đóng tàu lớn đã ký hợp đồng độc quyền tiêu thụ.

Anh Nguyễn Trí Tuệ được dự Đại hội Thi đua yêu nước lần 7 năm 2005 tại Hà Nội.      

MỚI - NÓNG