Bán đồ ảo, kiếm bạc thật

Bán đồ ảo, kiếm bạc thật
Bằng cách bán những sản phẩm ảo, các trang mạng xã hội châu Á có vẻ như đã giải quyết được bài toán hóc búa là kiếm lợi nhuận từ số người dùng đang ngày càng mở rộng.

Các món hàng được bán là quần áo ảo để hóa thân, đồ đạc ảo hay các trang thiết bị trong những trò chơi điện tử... Hàng hóa là ảo nhưng lợi nhuận là thật.

Tích 1 USD thành tỉ USD

Cô sinh viên đại học người Trung Quốc Tan Shengrong mỗi tháng chi khoảng 20 nhân dân tệ (2,9 USD) để mua quần áo cho con chim cánh cụt ảo được cô nuôi làm thú cưng của mình hoặc để chơi trò chơi điện tử trên QQ, một trang nhắn tin trực tiếp thuộc Qzone, mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Số tiền đó xem ra thật nhỏ, nhưng việc góp nhặt từng xu lẻ đã giúp Tencent Holdings, công ty sở hữu Qzone, tăng 85% lợi nhuận trong quý 2-2009 so với cùng kỳ năm 2008, bất chấp suy thoái kinh tế.

Bán đồ ảo, kiếm bạc thật ảnh 1 Mạng xã hội chỉ là để mọi người tụ tập với nhau, nhưng nếu bạn muốn có doanh thu thì phải bán cho họ thứ gì đó. Các nhà kinh doanh phát hiện người ta sẵn lòng trả tiền cho các món hàng liên quan tới tình cảm, địa vị trên mạng và để giải trí. Bán đồ ảo, kiếm bạc thật ảnh 2 - Benjamin Joffe - giám đốc Công ty tư vấn mạng Plus Eight Star - nhận định

“Các mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng trưởng dù nền kinh tế không tốt, vì kiếm được rất nhiều tiền từ những đồng xu của hàng triệu triệu người” - Benjamin Joffe, giám đốc Công ty tư vấn mạng Plus Eight Star, tiết lộ.

Theo Plus Eight Star, dân châu Á chi mỗi năm khoảng 5 tỉ USD cho các sản phẩm ảo thông qua các trang mạng như Qzone ở Trung Quốc, Cyworld ở Hàn Quốc hay mạng xã hội qua điện thoại di động Gree ở Nhật. Con số đó hiện chiếm 80% thị trường ảo toàn cầu.

Giống như các mạng xã hội ở phương Tây, mạng xã hội ở châu Á cho phép thành viên trò chuyện, chơi điện tử và chia sẻ hình ảnh.

Tuy tập trung vào từng quốc gia vì rào cản ngôn ngữ, nhưng các mạng xã hội châu Á vẫn có một lượng thành viên hết sức đông đảo. Qzone có 228 triệu thành viên hoạt động trong quý 2-2009.

Cyworld có 90% số thành viên là người Hàn Quốc ở độ tuổi 20, có 23 triệu người đăng nhập mỗi tháng vào cuối quý 1-2009. Khoảng 80% doanh số bán ra là từ các sản phẩm ảo ở châu Á, như đồ trang bị trong các trò chơi điện tử trực tuyến, cần câu trong trò câu cá Tsuri Star 2 của Gree.

Phương Tây chạy theo châu Á

Việc làm ăn của các trang mạng xã hội châu Á thành công đến mức các trang mạng xã hội nổi tiếng thế giới như MySpace và Facebook cũng đang phải xét lại cách tiếp cận của họ ở châu lục này. Năm 2008, mạng Qzone thu về hơn 1 tỉ USD, trong đó chỉ 13% là từ tiền quảng cáo. Ngược lại, nguồn thu của Facebook và MySpace phụ thuộc chủ yếu vào quảng cáo.

Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới với 300 triệu người truy cập mỗi tháng, dự kiến chỉ thu về 500 triệu USD trong năm 2009, hầu hết từ tiền quảng cáo và hiện đang phải tập trung hơn vào việc phát triển thành viên thay vì kiếm tiền.

Trang MySpace của tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch cũng bắt đầu chú ý đến xu thế này. Nhưng có vẻ như sẽ mất một thời gian để các mạng xã hội phương Tây bắt kịp các đối thủ châu Á.

“Các trang mạng xã hội châu Á luôn cực kỳ nhanh nhạy trong việc tìm ra mô hình kinh doanh kiếm tiền” - George Godula, sáng lập viên của Công ty tư vấn Web2Asia có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét.

Nghề bán đồ ảo ở các mạng xã hội đang ăn nên làm ra tại châu lục đông dân nhất hành tinh có một nguyên nhân đặc thù: thị trường bán hàng trực tuyến còn chưa phát triển so với châu Âu và Mỹ. Các yếu tố văn hóa cũng có vai trò quan trọng. Chơi điện tử là một thói quen rất phổ biến ngay cả với người lớn ở châu Á, trong khi ở phương Tây trò chơi điện tử thường được coi là chỉ dành cho trẻ em.

Ngoài ra, dân châu Á cũng “sĩ diện” hơn. Dù chỉ trên mạng, mỗi người đều muốn có một hóa thân đẹp, độc đáo và được mọi người ngưỡng mộ. Do đó, các thành viên của những trang mạng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn so với khách hàng ở phương Tây.

Theo Hải Minh
Tuổi Trẻ/Reuters

MỚI - NÓNG