“Bạn giúp bạn” chống web đen

“Bạn giúp bạn” chống web đen
Sử dụng Internet không phải là chuyện lạ với HS hiện nay. Tuy nhiên việc sử dụng thế nào là việc đáng phải bàn vì có tới 15% HS khi được hỏi thừa nhận có vào "web đen".
“Bạn giúp bạn” chống web đen ảnh 1
Giới trẻ Hà Nội hào hứng với chủ đề Internet                                        ảnh: P.H

Số liệu ở một vài trường THPT ở Hà Nội cho thấy 50% số học sinh (HS) sử dụng mạng chưa hề biết đến kỹ năng soạn thảo văn bản, 15% HS thừa nhận vào “web đen”, trên 78% HS sử dụng Internet để giải trí trong khi chỉ có hơn 21% phục vụ vào việc học tập…

Đó là những con số “giật mình” qua các cuộc điều tra tại 10 trường THPT tại Hà Nội và hàng ngàn những lo ngại, bức xúc xung quanh việc sử dụng Internet đã được đề cập tại toạ đàm “Tuổi trẻ học đường với Internet” do Ban Tư tưởng Văn hóa (TW Đoàn) phối hợp với Cty Điện toán và truyền số liệu (VDC) tổ chức.

 Làn sóng virut đang ra sức tấn công  

Các thành viên CLB Tuổi trẻ-sức khoẻ- sáng tạo Trường THPT Tây Hồ vừa làm cuộc khảo sát trên 500 HS trong trường và công bố: Hầu hết những người lên mạng đang bị tấn công bởi các loại virut cực kỳ tinh vi. Nữ sinh tên Hậu liệt kê: Virut “lợi dụng lòng tin” ở các Forum thường bịa ra câu chuyện bi thảm, xúc động mang đến cho bạn trẻ sự thương tiếc trước số phận không may rồi…mượn tiền trang trải việc học hành, chữa bệnh.

Đương nhiên không có ngày hoàn trả cho khổ chủ. Virut “tốn tiền” ẩn mình trong games online đang bòn rút tiền của và thời gian của rất nhiều HS đặc biệt là những “chàng hiệp sĩ”. Trò MU mỗi lần chơi phải trả 25.000đ để reset (chi phí mua bản quyền), nếu 1 tuần “tiêu khiển” tối thiểu 4 lần đã tốn 100.000đ.

Với những đệ tử của MU thì tháng “ngốn” trên 600.000đ là chuyện thường. Virut “ăn cắp” khiến nhiều HS bỏ tiền thật mua giá trị ảo, virut “kích động” xông vào các diễn đàn hay các nick với những câu tục tĩu, gây gổ. Có nhiều trường hợp vì cãi nhau ảo hăng quá mà diễn ra đánh nhau thật ngoài đời, gây án mạng…

Không chỉ bị các loại virut tấn công mà hàng loạt trang web đen, web bẩn nhan nhản trên mạng đang “gặm nhấm” những tâm hồn non trẻ mà xuất phát ban đầu chỉ là thoả mãn trí tò mò, thích khám phá những điều bí mật. Nguyễn Huy Dũng-Phó bí thư Đoàn trường THPT Kim Liên cho hay, có 15% HS trong trường thừa nhận đã vào trang web đồi trụy…

“Vẽ đường” để hươu chạy đúng

Sau khi đưa thông tin: Hơn 78% HS trong trường sử dụng Internet để giải trí và chỉ có 21% phục vụ việc học tập, Anh Quân- trường THPT Nguyễn Siêu lý giải: “Theo em, nguyên nhân dẫn đến nhận thức sai lầm trong khai thác mạng của thanh niên là do thiếu hiểu biết. Giới trẻ đang sử dụng Internet ở mức tự phát, chưa có sự định hướng rõ ràng”.

Chung quan điểm, Ngô Khánh Hải - THPT Xuân Đỉnh cho rằng, việc nhiều HS vào các trang web sex là do giáo dục giới tính chưa tới nơi tới chốn khiến cho giới trẻ muốn thoả mãn trí tò mò. Việc đề nghị Bộ GD&ĐT sớm đưa môn học giới tính, giáo dục sức khoẻ sinh sản, tình dục vào nhà trường như môn chính khoá là đòi hỏi chính đáng của giới trẻ. Hải phân tích: “Đó không còn là việc vẽ đường cho hươu chạy nữa mà để hươu chạy đúng còn hơn là không biết đường chạy rồi…sập bẫy!”.

Phải đủ “bản lĩnh” đối mặt

Vậy người trẻ tuổi có ý tưởng gì để tránh web đen, web bẩn và sử dụng Internet hiệu quả? Siết chặt quản lý các địa điểm kinh doanh Internet công cộng và trong gia đình, dùng các Firewall (bức tường lửa) ngăn chặn trang web độc hại…là những giải pháp mà nhiều HS cho rằng quá xa vời và khó thực hiện.

Giải pháp “Bạn giúp bạn” được HS quan tâm và ủng hộ vì lý lẽ mà Nguyễn Quang Thắng (Trường THPT Nhân Chính) đưa ra: “Ở lứa tuổi mới lớn luôn muốn tỏ ra “ta đã lớn rồi” nên sẽ không tránh khỏi hành động bồng bột. Có khi sự nghiêm khắc của bố mẹ, sự lo lắng của thầy cô khiến chúng ta sợ hãi không muốn bày tỏ. Lúc này, người khiến họ nghe, giúp họ hiểu ra vấn đề chính là tôi, là các bạn…”.

Thuỳ Dương-Trường Chuyên ngữ bổ sung thêm, việc sử dụng “nhân lực” có sẵn trong lớp tuyên truyền cho bạn bè về sự không lành mạnh và trò chơi vô bổ trên Internet với thái độ kiên quyết, thường xuyên hơn sẽ giúp các bạn nhận ra sai lầm, có ý thức hơn với hành động của mình. Dương khẳng định: “Muốn có ý thức thì mỗi học sinh phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức. Đó chính là “bản lĩnh” để ta đối mặt, chiến đấu với những cái xấu, cái chưa hay trên Internet”.

MỚI - NÓNG