“Báu vật” từ nước Mỹ và viễn cảnh làng Siêu Việt

“Báu vật” từ nước Mỹ và viễn cảnh làng Siêu Việt
TP - Vào những năm 70, một người Việt Nam ở Pháp đã sáng chế ra ổ dữ kiện máy tính đầu tiên trên thế giới. Hơn 30 năm sau, chính ông đã sáng chế một phần mềm có thể tạo ra bước đột phá về công nghệ thông tin có giá hàng triệu đôla.
“Báu vật” từ nước Mỹ và viễn cảnh làng Siêu Việt ảnh 1
Ông Mai Công Khanh

Ông đã mang công trình đó về hiến tặng cho Việt Nam. Ít ai ngờ nhà khoa học thành đạt ấy hồi thanh niên là một chàng trai từng nổi tiếng về khiêu vũ ở Sài Gòn và có những kỷ niệm đẹp với ca sỹ Khánh Ly…

“Thuở ban đầu lưu luyến…” với ca sỹ Khánh Ly

Những năm 60 thế kỷ trước, công tử nhà giàu Nguyễn Công Khanh nổi tiếng ở nhiều sàn nhảy dành cho giới thượng lưu Sài Gòn hoa lệ.

Gia đình thuộc hàng đại gia, sở hữu mấy tiệm vàng lớn nhất chợ Bến Thành, Khanh đi đâu cũng có vệ sỹ riêng, đến trường bằng xe hơi, tiêu tiền không phải nghĩ…

Khanh học giỏi nhưng rất tài tử, chỉ đến lớp khi có những môn mình thích, thời gian còn lại dành cho khiêu vũ và luyện võ.

Ngày ấy, mỗi lần Henry Khanh (“nghệ danh” của Nguyễn Công Khanh) đến vũ trường, những điệu nhảy của chàng trai này khiến những vũ sư người Mỹ cũng phải trầm trồ.

Một hôm, đang đi trên đường phố Sài Gòn sau một cơn mưa bất chợt, Khanh và mấy người bạn gặp một nữ sinh với vẻ đẹp trong sáng, đang lúng túng không biết làm thế nào để bước qua mấy vũng nước đọng.

Một người bạn của Khanh đùa: “Em ơi, để anh cõng em qua vũng nước nhé?”. Cứ tưởng thiếu nữ sẽ đỏ mặt e thẹn, nào ngờ cô gái lên tiếng: “Có anh nào dám cõng không?”.

Câu trả lời khiến tất cả bất ngờ. Sau đó họ trở thành bạn của nhau. Phạm Thị Lệ Mai - tên của nữ sinh - dường như tìm thấy ở Khanh một sự đồng điệu. Hai người trở nên thân thiết. Khanh thường đưa Mai đi học nhảy ở vũ trường.

Nữ sinh 16 tuổi này rất mê ca hát. Giọng hát của cô đầy truyền cảm với chất giọng đặc biệt riêng có. Nhưng Khanh cũng chẳng ngờ Lệ Mai sau này lại trở thành ca sỹ Khánh Ly nổi tiếng.

Cả gia đình đã “giật mình” khi Khanh báo tin sẽ sang Pháp du học. Ai ngờ chàng công tử mải mê khiêu vũ này lại vẫn học xuất sắc nên đã nằm trong danh sách 50 sinh viên được cử đi học nước ngoài.

Ba Khanh không muốn con trai du học bởi vì trong định hướng của ông, Khanh sẽ trở thành một ông chủ tiệm vàng. Nhưng không muốn đời mình được “lập trình” như thế, từ giã vũ trường, từ giã những chốn ăn chơi, từ giã thiếu nữ Lệ Mai mà tình cảm như đã đong đầy theo ngày tháng, Khanh quyết ra đi...

Hôm chia tay, Mai tặng Khanh chiếc khăn mùi xoa và chiếc lược – những đồ vật thường chỉ dành để trao gửi những tình cảm yêu thương. Trong phút tiễn biệt, Mai hát tặng Khanh bài “Gợi giấc mơ xưa”.

Những âm điệu run rẩy xúc động ấy đã tạc vào lòng Khanh suốt đời không phai. Sau này gặp lại nhau khi Lệ Mai đã là ca sỹ Khánh Ly, Công Khanh trở thành một doanh nhân ở Mỹ, nhưng bài “Gợi giấc mơ xưa” được nữ sinh 16 ngày nào hát lên vẫn làm cho hai tâm hồn ấy nao nao.

Đối với Khanh, đó là bài hát hay nhất mà Khánh Ly hát cho dù cô nổi tiếng với những tình khúc của Trịnh Công Sơn…

“Đó có phải là tình yêu không nhỉ? Tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng đúng như câu thơ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Người đàn ông ngoài 60 này khi kể lại “cái thuở ban đầu…” vẫn có gì đấy sôi nổi, và có cả một chút hồn nhiên nữa trong đôi mắt đang nhìn hồ Gươm kia.

Sáng chế chưa từng có và giải thưởng Eureka

Nguyễn Công Khanh sang Pháp học ngành  thủy điện. Thành tích đầu tiên của chàng trai này là nhận được giải nhất… khiêu vũ trong một cuộc thi. Tốt nghiệp, Khanh về nước khi mà miền Nam đã được giải phóng.

Anh Quách Hữu Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty giải pháp phần mềm P.A.N- Đà Nẵng, người đang tham gia lớp học của ông Nguyễn Công Khanh nhận xét:

“Tôi nghĩ phần mềm điện thoại DĐTM của ông Khanh có thể tạo nên một cuộc  cách mạng về điện thoại, có thể ví nó như phần mềm Windows với máy tính vậy.

Nếu được đưa vào ứng dụng và phát triển nó có thể nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới như Yahoo, hay Google và đưa lại nhiều ngoại tệ cho đất nước.

Nhưng nếu phần mềm này không được đánh giá đúng, dẫn đến chậm đưa vào ứng dụng thì nó sẽ bị Google hay Microsoft vượt qua”.

Trong thời điểm chuyển giao với nhiều phức tạp, loạn ly ấy chàng trai tốt nghiệp đại học ở Pháp cảm thấy chông chênh, chưa tìm được chỗ đứng… Thế rồi, Khanh trở lại nước Pháp và được nhận vào làm kỹ sư cho hãng Telemecanique.

Tại đây, Khanh thường xuyên tiếp xúc với máy điện toán và  trở nên am hiểu loại máy còn mới lạ này. Năm 1977, sau quãng thời gian miệt mài nghiên cứu, Nguyễn Công Khanh đã sáng chế ra một ổ dữ kiện dùng cho máy vi tính.

Đó là ổ dữ kiện với những chức năng chưa từng có: Đọc các đĩa mềm rất nhanh, tốc độ dưới 1 giây và có thể tự động đọc lần lượt rất nhiều đĩa.

Chính vì những chức năng vượt trội đó, khi đưa ổ dữ kiện đi dự hội chợ triển lãm ở Brussel thủ đô Bỉ, người ta đã chen nhau để xem. Sáng chế  này đã được nhận giải thưởng Eureka - giải thưởng cao nhất của hội chợ triển lãm.

Về Pháp, Khanh muốn tập trung phát triển sáng chế của mình nhưng không đủ tiềm lực tài chính. Đúng lúc ấy, Khanh gặp được quý nhân. Đó là kỹ sư phát minh ra máy vi tính đầu tiên trên thế giới- ông Trương Trọng Thi – một người Việt Nam!

Chiếc máy vi tính của ông Trương Trọng Thi ra đời trước cả máy vi tính của hãng Apple ở Mỹ và điều đó đã vinh danh nhà khoa học người Việt Nam lẫn nước Pháp.

Khi tiếp cận với ổ dữ kiện của Nguyễn Công Khanh, ông Trương Trọng Thi mừng như bắt được vàng: “Ồ, cái này tôi đang thúc giục các kỹ sư làm nhưng chưa làm nổi. Bây giờ  anh làm được rồi, tôi không phải làm nữa”. 

Ông Thi đã ngay lập tức mua lại ổ dữ kiện với giá cao. Ổ dữ  kiện đó được đưa vào máy vi tính mà ông Thi phát minh để sản xuất và bán ra thị trường với giá 10.000 USD.

Nguyễn Công Khanh lại ứng dụng sáng chế của mình cho các văn phòng, đặc biệt là văn phòng nha sỹ. Ổ dữ kiện đã giúp lưu trữ và quản lý thông tin về bệnh nhân rất tiện lợi, thay vì phải lật tìm giấy tờ, sổ sách chỉ cần ấn nút là có cái cần tìm. Nhờ thế trong vòng 10 năm, Công Khanh trở thành người hàng đầu về cung cấp thiết bị cho văn phòng nha sỹ ở Pháp.

Sau đó, Nguyễn Công Khanh đã lập Cty riêng chuyên về vi tính với tham vọng sẽ phát triển một loại máy có trí thông minh nhân tạo, biết suy nghĩ. Cty của ông có một dự án lớn mang tên: “Quản trị xí nghiệp bằng điện toán”.

Dự án quan trọng này được Chính phủ Pháp tài trợ 50% kinh phí, tương đương 3 triệu franc. Nhưng cái mừng vừa hé ra thì rủi đã rầm rập đến, Chính phủ ủng hộ ông Khanh đổ, Chính phủ khác lên thay đã không tài trợ cho dự án nữa. Ông chán nản, tuyên bố phá sản Cty và sang Mỹ tìm một con đường mới cho mình.

Sau hai năm đầu ở Mỹ chỉ rong chơi để tìm lại sự cân bằng, người đàn ông này đã  lại “tái hôn” với công nghệ thông tin khi nhận làm kỹ sư cố vấn chuyên về mạng không dây cho hãng Metretek.

Cũng  trong thời gian ấy, ông thi và lấy được chứng chỉ của Microsoft do chính Bill Gates ký. Với chứng chỉ này, Nguyễn Công Khanh có thể được nhận vào làm việc bất cứ Cty nào trên thế giới về công nghệ thông tin.

Nhưng giống như lời hát của Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly đã thể hiện rất hay: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?” , người đàn ông ấy bỗng thấy “hiện bóng quê nhà” khi đã qua bên kia dốc của cuộc đời.

Năm 2003, Nguyễn Công Khanh xin nghỉ việc đang có thu nhập rất cao ở hãng Metretek để dành quãng đời còn lại làm một cái gì đó cho đất nước. Mong muốn đó đã thúc đẩy ông cùng với một số kỹ sư trẻ người Việt trên đất Mỹ làm nên một phần mềm chưa từng có.

Về Việt Nam lần này, Khanh đã mang theo phần mềm mà mình xem như báu vật để hiến tặng cho đất nước…

Bỏ biệt thự ở Mỹ về nước  xây làng Siêu Việt

Ngồi trên tầng lầu của một quán cafe, ông nhìn xa xăm ra hồ Gươm, sau khi đã ăn một bát phở Hà Nội khác hẳn với những tô phở đầy ú thịt ở Mỹ.

Nhà văn Vũ Bằng từng viết đại ý: Ăn phở Hà Nội, nhìn ra tháp Rùa thấy yêu nước hơn. Tâm trạng đó đang đúng với ông hay sao mà nét mặt cứ rưng rưng...

Ông rút ra chiếc điện thoại di động, ấn bàn phím và tôi thấy hiện ra một giao diện mà mình chưa hề bắt gặp: “Phần mềm mà tôi mang về đây có tên là điện thoại di động thông minh (DĐTM), nó nhiều chức năng hơn một máy tính trung bình nhưng gọn nhẹ và đơn giản hơn nhiều. Máy DĐTM mở ra nhiều phòng họp ảo có thể giao tiếp với nhiều người, hoặc từng người riêng rẽ, có thể kết nối với e-mail hay tài khoản ngân hàng...

Mỗi phòng họp ảo có một “bàn máy” để chứa những công cụ liên quan đến một vấn đề nào đó như phòng kế toán sẽ có máy tính, sổ kế toán, phòng viết có Chương trình word, phòng ảnh có Chương trình photoshop. Phòng họp ảo này cũng sẽ tự động nhận thông tin và từ chối “tiếp  khách”…”.

Ông lia cây bút trên màn hình và tôi thấy hiện ra rất nhiều chức năng mà trong khuôn khổ bài viết này khó có thể nói hết. Nhưng chắc hẳn nếu đưa vào áp dụng thì đó sẽ là một bước đột phá trong công nghệ về điện thoại di động.

Được biết, các hãng Google hay Microsoft đang ráo riết làm phần mềm này, nên chỉ cần ông có ý định bán, một số tập đoàn viễn thông công nghệ thông tin có thể  mua với giá hàng triệu đôla. Thế nhưng ông lại đưa nó về Việt Nam để biếu không!

Nhưng ở tuổi 60 người ta cũng đủ từng trải để hiểu rằng ở đời không phải cái gì biếu không cũng được đón nhận.

Ông cười, bảo: “Tôi có ba phương án, thượng sách là: hiến tặng phần mềm cho đất nước để đưa vào ứng dụng và xuất khẩu; Trung sách: bán lại nó cho Microsoft hay google nhưng với điều kiện họ phải phát triển kỹ thuật ở Việt Nam; Hạ sách: bán đứt và lấy tiền về xây làng trẻ SOS ở nước ta”.

Ông đang thực hiện “thượng sách” khi bỏ tiền túi về Việt Nam để đào tạo về công nghệ thông tin cho khoảng 30 sinh viên do Đại học Bách khoa Đà Nẵng tuyển chọn.

Ông giảng về kỹ năng làm việc tập thể, và các kiến thức mới để tiếp thu được công nghệ điện thoại  DĐTM... Tất cả để chuẩn bị cho một ngày điện thoại DĐTM sẽ ra đời mang thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu ra toàn thế giới…

Người đàn ông 60 tuổi này đang ấp ủ một dự định đầy lãng mạn: xây một làng mang tên Siêu Việt, giống như thung lũng Silicon ở Mỹ, một môi trường lý tưởng để cho các công dân của nó tập trung toàn bộ tâm sức vào công nghệ thông tin.

Tôi xem bức ảnh gia đình ông ở bang Florida – Hoa Kỳ: ngôi biệt thự đẹp trên vườn cỏ xanh, phía trước là chiếc ôtô thể thao bóng loáng. Nhưng ông đã từ bỏ cuộc sống thượng lưu ấy để về đây đầm mình trong mùa hè nắng gắt ở xứ nhiệt đới này, ba cùng với sinh viên để làm một việc mà chưa mấy ai biết và chia sẻ.

Ông rút trong ví một bức ảnh, đưa cho tôi: “Tôi nhận làm bố nuôi cô gái mù bất hạnh này trong chuyến về Việt Nam lần trước. Đối với tôi, hạnh phúc là tạo niềm vui và tương lai cho người khác”.

Có thể niềm vui và tương lai đang được tạo ra từ những “thượng sách, trung sách” kia chăng?

MỚI - NÓNG