“Bia cỏ”: 30% số khách nhậu bị đe dọa sức khỏe

“Bia cỏ”: 30% số khách nhậu bị đe dọa sức khỏe
Tầm 4 giờ chiều, các hàng bia trên khắp Hà Nội bắt đầu vào giờ hút khách. Mỗi ngày Hà Nội dễ có tới vài chục ngàn người có mặt tại các quán bia.

“Đổ bộ” vào một hàng “bia cỏ” khá nổi tiếng trong giới sinh viên tại khu Bách Khoa để trú mưa cơn bão số ba, la liệt khách nhậu kề cà bên những ca bia sủi bọt.

Giá bia rất sinh viên, 6-7000đ/ca 2 lít, chưa bằng 1/3 giá bia hơi Hà Nội. Không cầu kỳ, ở đây người ta cho bia vào chai Lavie, ca nhựa v.v...Không gian cũng bình dân với bàn ghế nhựa cáu ghét, trên tường chẳng cần poster áp phích gì màu mè.  (Tiếp theo trang 1)

“Bọn mình quen bia ở đây mấy năm nay. Bia này uống nhiều nhức đầu nhưng lâu rồi thì vô tư - Một bạn trẻ chia sẻ - Quen nhau từ hồi sinh viên, thằng nào cũng nghèo, chỉ có tiền uống bia cỏ. Giờ đã đi làm nhưng hẹn hò bao giờ cũng lấy chỗ này làm điểm tập kết. Làm vài hớp xong đi đâu thì đi”.

WC không có cửa, khách nào “thể tích” nhỏ, uống chừng hai ca phải xả thì được mục kích toàn cảnh. Bước vào WC mùi amoniac nồng đến nỗi say mấy cũng tỉnh. Ngày mai, chỗ ấy được dội nước 2-3 lần. Nếu có ai “li-vơ-phun” cả đồ nhắm, nó được chiếu cố dội thêm lần nữa. Giải quyết xong, chẳng rửa tay rửa chân gì, lại khệnh khạng bước vào bàn uống tiếp.

Những hàng bia quy mô hơn, bàn ghế, cốc chén, đồ nhậu có tươm tất hơn, song khâu vệ sinh vẫn khiến kẻ tinh ý giật mình. Tại một hàng bia, mấy cô phục vụ mang thức ăn “khuyến mại” bộ móng tay dài nghêu. Quán này vẫn dùng loại bom cắm vòi. Vòi tắc, nhân viên bơm bia ngậm ngay vòi hút để thông. Bia phun ra, hứng vào cốc mang cho khách. Vòi ngậm xong để nguyên thế đợi khách tiếp theo.

Còn cốc, sạch sẽ thì được tráng, sục qua 2- 3 lượt nước rồi úp cho ráo. Vội thì thôi, lắc một lượt qua chậu cho hết bọt, khách mới vào lại rót mang ra ngay. “Chậu nước tráng cốc còn đen hơn cả chậu nước rửa xe của mình”, Sơn, khách nhậu quen tại một hàng bia trong khu Nghĩa Tân tả.

Chất lượng “bia cỏ”: Bỏ ngỏ

Cả nước có gần 1000 cơ sở sản xuất bia lớn nhỏ trong đó hàng chục nơi quy mô lớn với 20 dây chuyền hiện đại.

Sản lượng bia toàn quốc đạt gần 1 tỷ lít/ năm. Lớn nhất là TP HCM với hơn 350 triệu, Hà Nội hơn 70 triệu, Thanh Hoá đứng thứ ba với 42 triệu lít/năm. Dự kiến đến năm 2010, nhu cầu bia cả nước lên 2 tỷ lít/năm.

- Số liệu kiểm tra năm 2004 của Trung tâm Y tế Hà Nội trên 86 cơ sở sản xuất bia: Chỉ có 66,9% cơ sở sản xuất bia đạt chỉ tiêu chất lượng công bố. 37 cơ sở không đạt vệ sinh ngoại cảnh. 46 cơ sở không đạt vệ sinh dụng cụ. 43 cơ sở không đạt vệ sinh cá nhân. 11 cơ sở không đạt vệ sinh thực phẩm.

Cùng một thứ hoa hublong, cùng làm bằng lúa đại mạch, nhưng thêm những phụ gia gì là một chuyện. Tỷ lệ ra sao, cách ủ men thế nào, lại là chuyện khác, làm nên các gu bia khác nhau. Ngoài ra còn phải kể đến nguồn nước, thành phần chủ yếu làm nên bia.

Nhà máy Bia Hà Nội được trời ban cho tầng nước ngầm đặc biệt làm nên chất bia Hà Nội đặc biệt ngon. Nhà máy đang tính đến giải pháp làm một đường ống dẫn nước ngầm từ đây về địa điểm mới ở ngoại thành.

Lạc quan với bia “nhà máy” bao nhiêu, lại lo về “bia cỏ” bấy nhiêu. Ngoài hai thương hiệu nổi tiếng là Hà Nội và Việt Hà, ở Hà Nội theo thống kê năm 2004, có 84 cơ sở sản xuất bia tư nhân theo kiểu thủ công.

Những cơ sở này tiêu thụ mỗi ngày gần 50.000 lít. Tiêu thụ thứ “bia cỏ” ấy là những quán vỉa hè, cơm bình dân. Sang tỉnh khác, chúng được dán mác “bia hơi Hà Nội nguyên chất”.

Công nghệ sản xuất bia của từng “hãng” ít được tiết lộ cho người ngoài, có lẽ là vì bí kíp. Chiểu theo quy định kỹ thuật tiêu chuẩn Việt Nam, theo một quan chức ở Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), đại mạch, hoa houblon, nấm men bia, những nguyên liệu chính để làm bia, đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng. Nước hiển nhiên phải là nước tinh khiết. Nhưng dường như chỉ các nhà máy bia với quy mô sản xuất lớn mới đầu tư công nghệ hiện đại và đảm bảo vệ sinh.

Một chủ xưởng “bia cỏ” tiết lộ, nguồn nước làm bia được lấy từ giếng khoan, lọc sơ rồi cho vào ủ men luôn. Trong nhà máy, bia được ủ men ít nhất nửa tháng. Chủ “bia cỏ” bảo “bia cỏ” ủ 3-4 ngày là xong, chưa xử lý hết methanol và các rượu bậc cao vốn rất độc hại. Chưa kịp lên bọt, chúng được sục CO2 cho có bọt. Cũng sánh vàng, bọt sủi tăm tắp. Uống vào mới thấy vị đắng, dễ nhức đầu, dễ say.

Xưởng “bia cỏ” trong khu BK, chỗ sang chế bia từ vòi bơm sang các bom là một gian mặt tiền mở cửa toang hoang. Xe bus, xe máy, ô tô chốc cái lại vù qua phả khói bụi mù mịt. Bom bia vứt ngổn ngang, bị đá lăn lóc từ góc này sang góc khác. Sàn ướt loáng nước, nhân viên chẳng ai đeo khẩu trang, găng tay.

Bom bia vừa hạ trên xe xuống không cần rửa ráy thanh trùng gì được sục vòi vào bơm đầy luôn. Bom cũ trông hơi ngại chứ bom mới sáng loáng nhìn cũng ngon lành như bia xịn. Khách ngồi uống ở phòng bên vừa lai rai vài củ lạc luộc vừa nghe tiếng máy xình xịch ở ngay gian làm bia bên cạnh. Tiếng vòi bia sục vào các bom bia từ khắp nơi mang đến. Tiếng những bom bia rỗng bộp bộp, chát chát ném xuống nền nhà. Mãi cũng thành quen, cũng thấy những “bộp, chát” đó là phong vị riêng!

Tới Cục ATVSTP, chúng tôi được biết việc tiến hành kiểm tra các cơ sở, cửa hàng bia hơi đều do sở y tế từng địa phương phụ trách. Th.S Lê Nhân Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết mới có kết quả kiểm tra của năm 2004 chứ chưa có thống kê của năm 2005. Hơn nữa, Sở chỉ kiểm tra ngoại cảnh, môi trường, dụng cụ. Còn chất lượng bia, các chỉ tiêu ATVSTP, đến nay vẫn bỏ ngỏ cho mỗi cơ sở tự tung tự tác.

Theo hiệp hội các nhà sản xuất rượu-bia-nước giải khát Việt Nam, “bia cỏ” chiếm 30% thị phần kinh doanh bia cả nước. Một quan chức của hiệp hội minh hoạ, cứ 10 người uống bia có tới ba người chuyên xài “bia cỏ”. Ông lo, với chất lượng bia thả nổi như hiện nay, 30% số khách nhậu luôn đứng trước nguy cơ bị đe doạ về sức khoẻ.  

MỚI - NÓNG