Cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn

Cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn
TP - Núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt biển, lại có dòng suối Khuổi Cấp (xã Mẫu Sơn) luôn duy trì ở nhiệt độ từ 10-15oC rất lý tưởng để nuôi cá hồi.
Cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn ảnh 1
 Cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn

Ông Hoàng Văn Tạ (44 tuổi) người dân tộc Tày ở thôn Bản Tẳng đã ngược lên núi cùng bà con người Dao Mẫu Sơn đánh thức tiềm năng mới nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi qua hai cánh rừng về hướng thôn Khuổi Cấp, ông Tạ tranh thủ giới thiệu: Khi đến vùng này tôi thấy khí hậu, môi trường rất giống Đà Lạt và Sapa nên nảy ra ý định mang cá hồi lên đỉnh núi nuôi thử.

Tháng 8 năm ngoái, tôi lên Sapa hai lần để học hỏi cách thức nuôi, chăm sóc cá, đồng thời nhập trên 800 cá hồi giống. Mới đầu, bà con cho là “cá ma”, không cho nuôi ở địa phương nhưng khi được giải thích loài cá này mang lợi ích cao, được nuôi nhiều ở Nga nên đồng bào hiểu ra và cộng tác để nuôi thí điểm.

Anh Triệu Văn Hùng (SN 1981) ở thôn Khuổi Cấp là một trong những người xung phong đầu tiên nuôi cá. Nhà anh gần dòng nước đầu nguồn Mẫu Sơn nước trong xanh, mát lành nên cá chóng lớn. Mới ngày nào con cá giống nhỏ bằng đầu đũa, sau nửa năm đã lớn trên một cân.

Bây giờ nhà Hùng đã có 2 bể rộng chừng 100 khối nhung nhúc cá. Đầu năm xuất hiện băng tuyết, cá càng lớn nhanh. Đàn cá hồi thấy khách cho ăn cám tổng hợp thi nhau quẫy đuôi làm nước bắn tung toé.

Chị Triệu Thị Hoa - Vợ anh Hùng - tỏ ra khá thạo việc: “Để cá phát triển cần cho nó ở trong môi trường nước trong, sạch và luôn động, đủ ô xy trong nước. Nếu một trong những yếu tố trên thay đổi là cá sẽ nguy hiểm. Như đầu năm rồi do có cơn mưa đầu mùa, lá cây, thân cây rừng mục rơi xuống dòng suối tích tụ quanh bể, cá chết mất gần 3 tạ. Bài học này được bà con ghi nhớ và nhắc nhở nhau thường xuyên”…

Ông Hoàng Văn Tạ hào hứng nói: Hiện nay lượng du khách du lịch lên Mẫu Sơn là nguồn “đầu ra” dồi dào. Giá cá hồi vào khoảng 250.000 đồng/kg, vì vậy với lứa cá đầu tiên gần như người nuôi như gia đình anh chị Hùng – Hoa đây thu hồi được số vốn ban đầu là 100 triệu đồng.

Chị Hoa khoe: “Nhờ nuôi cá mà nhà tôi đã bớt nghèo, bớt khổ. Ngày trước, đi trồng ngô trên núi, đi bắt ốc ngoài khe suối không đủ ăn. Nay đã có của ăn, của để. Nuôi lứa cá thứ hai, nhất định sẽ mua chiếc xe máy “con cò” (xe Minck) để đi chợ miền xuôi”.

Thấy lợi ích của việc nuôi cá hồi đã có thêm nhiều hộ dân người thiểu số vùng cao xin hiến đất để nuôi cá hồi. Tuy thế, ông Hoàng Văn Tạ trăn trở rằng cái khó hiện nay là cá giống khá cao, bà con Mẫu Sơn đại đa số là hộ nghèo, không có vốn.

Nếu như có sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng thì tiềm năng, thế mạnh này sẽ được phát triển tốt. Loài cá hồi sẽ phá thế độc canh nuôi gia súc trên vùng núi đá vùng cao này. Ông Tạ khẳng định.

Trao đổi với Tiền phong, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Lạng Sơn Lường Đăng Ninh cho biết: Sau khi có những thành công ban đầu của một số hộ dân trên đỉnh Mẫu Sơn, Sở KH-CN rất quan tâm đến việc nuôi loại cá đặc sản này và đã đề nghị ông Hoàng Văn Tạ lập dự án để Sở KH-CN hỗ trợ kinh phí cũng như kỹ thuật nhằm phát triển, nhân rộng nuôi cá hồi.

Đây là tín hiệu hiệu mừng đối với người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn vì bên cạnh những sản vật nổi tiếng như: Rượu men lá, đào tiên, ếch hương tiến vua thì cá hồi sẽ là một đặc sản mới, góp phần thu hút khách đến với địa phương. 

MỚI - NÓNG