Cần Thơ lập ba tiểu dự án

Cần Thơ lập ba tiểu dự án
TP - Sau hơn tám tháng hợp tác với quỹ Rockefeller (Mỹ) và một số tổ chức quốc tế khác, TP Cần Thơ đã hoàn thành báo cáo đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu tại cộng đồng.

Từ tháng 9/2009, TP Cần Thơ tập trung thực hiện một số tiểu dự án thử nghiệm ứng phó tại thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) và phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy).

Cần Thơ lập ba tiểu dự án ảnh 1
Lốc xoáy làm sập nhà, ngã cột điện. Ảnh: Sáu Nghệ

Những tiểu dự án

Sở KH-CN TP Cần Thơ chủ trì với nhiều cơ quan khác, lập tiểu dự án “Cung cấp nước sạch và điện thắp sáng cho cộng đồng Cồn Khương”. Cụ thể là xây dựng trạm cấp nước và mô hình sử dụng năng lượng mặt trời.

Mục đích, cải thiện sức khỏe nhân dân, góp phần giảm nghèo, tăng khả năng tự bảo vệ của dân. Phương thức thực hiện, PGĐ Sở KH-CN TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân cho biết, dựa vào cộng đồng. Khi xây dựng các công trình phải lấy ý kiến của cộng đồng, xây dựng xong chuyển giao cho cộng đồng quản lý.

Ông Nhân hy vọng, kinh nghiệm từ đây có thể áp dụng cho các khu vực có điều kiện tương tự; riêng Cần Thơ có bốn cù lao lớn giữa sông Hậu, cả ĐBSCL có rất nhiều cù lao giữa sông.

Viện Quy hoạch Kiến trúc TP Cần Thơ và UBND huyện Vĩnh Thạnh lập tiểu dự án “Tái định cư tại chỗ ấp Bờ Bao”. Mục đích, giải quyết chỗ ở không bị ngập nước cho 57 hộ dân, giải quyết hộ khẩu cho những hộ chưa có.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Tuyên, Chuyên viên của Viện, cho biết, dự kiến quy hoạch khoảng hai hécta, vừa hỗ trợ giải quyết các loại giấy tờ hành chính vừa giúp nâng cao nền nhà để bà con  ổn định cuộc sống, có thể xây dựng thêm nhà trẻ kết hợp giữ trẻ mùa lũ. Ông Tuyên cũng hy vọng, thành công ở đây là kinh nghiệm cho nhiều nơi tương tự ở ĐBSCL.

Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ lập tiểu dự án “Nâng cao khả năng ứng phó phòng chống lụt bão cho cộng đồng”.

Chi cục trưởng Vương Thị Lập cho biết, mục đích là tăng khả năng ứng phó thiên tai cho lực lượng tại chỗ. Cụ thể, xây dựng một bể bơi nhỏ tại trường mẫu giáo thị trấn Thạnh An để tập bơi cho thiếu nhi. Đồng thời trang bị hai xuồng máy và áo phao cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của thị trấn Thạnh An.

Ở Cồn Sơn, trang bị một tàu có trọng tải 10 tấn, chở được 40 người. Đây là phương tiện hàng ngày nối Cồn Sơn với đất liền, khi xảy ra hiểm họa là phương tiện cứu hộ cứu nạn. Bà Lập nói, vấn đề quan trọng là tổ chức để cộng đồng tự quản lý và chủ động ứng phó, tiểu dự án này có thể hoàn thành trong ba tháng.

Khả năng tự bảo vệ thấp

Huyện Vĩnh Thạnh ở đầu nguồn lũ của TP Cần Thơ, những ngày này nước lũ cuồn cuộn đổ về. Ruộng đồng và hơn 300 ha nuôi thủy sản đang bị đe dọa. Gần 7.000 hộ nhà cửa tạm bợ, sống bên kênh rạch càng hiu hắt.

Lốc xoáy là một hiểm họa sau lũ lụt. Năm 2008 nơi đây xảy ra bảy cơn lốc xoáy, làm sập và tốc mái 60 căn nhà, gãy đổ 21 trụ điện. Tám tháng đầu năm 2009, xảy ra sáu cơn lốc xoáy, làm sập và tốc mái 21 căn nhà.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng TN-MT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, ấp Bờ Bao của thị trấn Thạnh An là một điển hình về sự dễ tổn thương khi xảy ra biến đổi khí hậu. Ở đây có tổ 7 với 57 hộ, hơn 200 nhân khẩu, hầu hết nhà cửa tạm bợ, sống chon von dọc một bờ bao giữa đồng nước mênh mông. Mùa lũ, đường sá và nhiều nhà cửa bị ngập. Nhân viên y tế ở ấp trình độ yếu, mà nơi này lại xa trạm y tế của thị trấn.

Ông Bình cho biết thêm, khó khăn nhất của việc ứng phó biến đổi khí hậu là năng lực của cán bộ hạn chế, khả năng tự bảo vệ của cộng đồng thấp. Điều này cũng phù hợp với mối quan tâm trong quan điểm mới về ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay, chú trọng năm nhóm vấn đề (trước đây chỉ có ba): Khả năng quản trị của nhà nước, lập kế hoạch, bảo vệ của xã hội, tự bảo vệ của dân, bảo đảm sinh kế và những vấn đề khác.

Ở phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), Cồn Sơn thoi loi giữa sông Hậu là một điển hình dễ bị tác động của biến đổi khí hậu. Cồn Sơn rộng hơn 67 ha, có 85 hộ, 475 nhân khẩu.

Cách biệt với bờ sông nhưng Phó phòng TN-MT quận Bình Thủy Trương Minh Trường cho biết, Cồn Sơn không có trạm y tế, trường học, điện, nước sạch, nhà vệ sinh; giao thông là những con đường đất nhỏ. Cồn Sơn hay bị ngập khi triều cường, nếu kết hợp nước biển dâng và lũ lụt thì càng dễ bị tổn thương.

MỚI - NÓNG