Cần xem lại vụ nổ xe máy gây chết người ở Bắc Ninh

Hiện trường nổ xe máy, cách cổng nhà chị Quỳnh vài mét. Ảnh: VnExpress)
Hiện trường nổ xe máy, cách cổng nhà chị Quỳnh vài mét. Ảnh: VnExpress)
TP - Một số nhà khoa học hoài nghi kết luận ban đầu của cơ quan công an về vụ cháy nổ xe máy ở tỉnh Bắc Ninh sáng mùng 1-12 làm chết hai mẹ con. Họ đề nghị nên tổ chức thực nghiệm điều tra trở lại để chỉ ra nguyên nhân thuyết phục hơn.

> Bé gái trong vụ nổ xe máy tử vong
> Honda hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ nổ xe máy

Hiện trường nổ xe máy, cách cổng nhà chị Quỳnh vài mét. Ảnh: VnExpress)
Hiện trường nổ xe máy, cách cổng nhà chị Quỳnh vài mét. Ảnh: VnExpress).

Theo PGS.TS Hoàng Đình Long, Viện Cơ khí Động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội), các hiện tượng cháy, nổ xe máy khi đang vận hành, nếu do bản thân xe máy, thường liên quan xăng và hệ thống điện trên xe.

Cụ thể, hiện tượng cháy xe máy sử dụng động cơ đốt trong chỉ có thể xảy ra khi có mồi lửa (do hiện tượng chập điện hoặc do tia lửa điện hoặc động cơ quá nóng) bắt gặp xăng, làm xăng bùng phát thành ngọn lửa. Còn hiện tượng nổ chỉ xảy ra trong điều kiện bình kín có lượng hỗn hợp hơi xăng và không khí lớn, gặp phải mồi lửa.

Giải thích kỹ hơn khả năng nổ do bình xăng xe máy đối với trường hợp tại Bắc Ninh, vẫn theo PGS.TS Long, nếu do xăng trong bình gây ra, vụ nổ chỉ có thể xảy ra trong điều kiện bình xăng kín, lượng xăng trong bình còn ít, xăng bay hơi nhiều kết hợp với không khí trong bình tạo ra một thể tích hỗn hợp lớn có tỷ lệ hơi xăng thích hợp với sự bắt lửa. Khi gặp mồi lửa, hỗn hợp hơi xăng-không khí sẽ bắt lửa nhanh và phát nổ.

Tuy nhiên, PGS.TS Long cho rằng, khả năng ấy trên thực tế ít xảy ra vì khó có nguồn lửa bên trong bình xăng. Còn nếu do nguồn lửa bên ngoài bình xăng thì hiện tượng cháy sẽ xảy ra trước khi gây ra nổ. Khi đó người lái sẽ có đủ thời gian nhảy ra khỏi xe để tránh được tai nạn thảm khốc này.

Hiện tượng cháy thì dễ xảy ra hơn. Trong một số trường hợp, vì lý do nào đó khiến động cơ xe quá nóng, dẫn đến hệ thống dẫn xăng là các dây dẫn bị nóng chảy, làm rò rỉ xăng, gặp nhiệt độ cao sẽ bùng cháy thành ngọn lửa.

Trong bất cứ trường hợp nào gây cháy như phân tích kỹ ở trên, TS Long khó tin xe có thể gây nổ và tạo sức công phá lớn như đối với trường hợp xe máy ở Bắc Ninh.

Nên điều tra lại

Theo ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Xe máy Việt Nhật, trường hợp nổ xe máy như tại Bắc Ninh ngày 1-12 rất hy hữu. “Điều này khó có thể do chất lượng của xe. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khi xe cháy 5-7 phút mới có thể gây ra tiếng nổ từ bình xăng. Còn ở đây, tôi được biết, tiếng nổ phát ra cùng với đám cháy. Việc nạn nhân trong vụ nổ xe thả trôi xe xuống dốc trước khi nổ máy cũng khó có thể là nguyên nhân gây nổ xe”.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho hay vụ cháy nổ xe máy ở Bắc Ninh rất khác so với các vụ cháy nổ xe máy khác mà ông từng chứng kiến suốt 17 năm trong quân đội và ở chiến trường. Ông là một trong những người trực tiếp chứng kiến vụ xe máy cao cấp SH bốc cháy trên ngã tư đường Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, lúc 11h30 thứ hai, ngày 12-12.

Ông cho biết tiếng nổ phát ra từ chiếc xe cháy không lớn hơn âm thanh xe cộ trên đường là bao. “Bằng kiến thức vật lý sơ đẳng, tôi khẳng định khó có thể một bộ phận nào đó trên các xe máy hiện hành khi cháy đủ gây ra tiếng nổ to và tạo sát thương như ở vụ nổ Bắc Ninh”, TS Khải nói.

Theo TS Khải, cách tốt nhất nên tổ chức thực nghiệm điều tra trở lại.

Đầu tuần này, Công an Bắc Ninh dựng lại hiện trường vụ nổ xe máy ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chiếc xe đã được bàn giao cho Viện Khoa học Hình sự để tiếp tục giám định.

Sáng 1-12, chị Nguyễn Thị Quỳnh mang thai ba tháng cùng con gái đi chiếc Dream ra khỏi nhà được quãng ngắn thì xe phát nổ. Cả ba đều bị cháy và lần lượt tử vong sau đó. Một tuần sau khi xảy ra vụ nổ, nhà chức trách xác định chiếc xe bị nổ ở vị trí bình ắc quy tiếp giáp với bình xăng; đáng chú ý, không thấy có dấu hiệu cài mìn hay thuốc nổ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG