Thời tiết ngày càng dị thường- Bài II

Cây “di cư” lên cao

Cây “di cư” lên cao
TP - Có vẻ như chúng ta đang quá quan tâm đối phó với nguy cơ nước biển trong tương lai mà quên lãng ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng sinh ra những cơn bão dị thường mà hậu quả là tức thì và chủ yếu ở vùng sơn cước.

>> Bài I - Bão nối tiếp bão

TS Trần Duy Bình, Chủ tịch Hội đồng trung tâm thuộc Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn & Môi trường (CHMEST), nhận định có dấu hiệu rõ rệt về sự thay đổi nền nhiệt độ ở dãy Hoàng Liên Sơn, một trong hai dải núi lớn nhất Việt Nam.

“Các vành đai nhiệt theo độ cao khu vực Hoàng Liên Sơn có xu hướng lên cao hơn” - TS Bình nói - “Lượng mưa trung bình ít thay đổi nhưng lại thất thường cả về không gian, thời gian, tần suất và cường độ. Lượng mưa về mùa mưa có thể tăng từ 0 - 10 %.

Ngược lại, lượng mưa mùa khô có thể giảm từ 0 – 5 %. Các dị thường ấy, một mặt, gây ra lũ lụt, lũ ống lũ quét, làm sạt lở đất trên các triền sông, suối; mặt khác, gây khô hạn nặng hơn về mùa khô, khiến các vụ cháy rừng dễ xảy ra hơn”.

Vì xu thế mưa rất to, lũ rất lớn trên diện hẹp và ngắn ngày càng nhiều, việc dự đoán ngày càng khó và thiệt hại vì thế rất lớn. Lào Cai là một trong những trường hợp điển hình.

Theo ông Phạm Đức Dũng, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Lào Cai, 15 năm qua (từ 1992 đến 2007), toàn tỉnh xảy ra trên 20 trận lũ quét và sạt lở đất, làm chết 198 người, thiệt hại 600 tỷ đồng. Số tử vong suốt 15 năm này hơn gấp đôi một chút so với số tử vong cũng của Lào Cai từ đợt mưa lũ lịch sử do bão số 4 vừa rồi (86 người chết và mất tích)...

Bản đồ nguy cơ lũ quét ở Việt Nam của Viện Địa chất và Viện Khí tượng Thủy văn & Môi trường chỉ rõ, trong số các vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao thuộc hữu ngạn sông Hồng, có nhiều địa danh của Lào Cai như các huyện Bát Xát, Sa Pa, thị xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, v.v...

Thế nhưng, giống nhiều địa phương khác, rừng ở Lào Cai tiếp tục suy thoái bất chấp diện tích che phủ tăng một cách khó nhọc. Hầu như rừng ven sông, suối cùng rừng trên đất thấp bị khai phá để trồng trọt và làm nhà, khiến nhiều vùng rừng thành đất hoang. Những khu rừng còn lại xuống cấp, trữ lượng gỗ thấp và bị chia cắt thành các đám rừng nhỏ phân tán.

Rừng ở Lào Cai còn xa mức ổn định cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số diện tích rừng thứ sinh tự nhiên được phục hồi, nhưng không ít diện tích rừng già và rừng trồng chưa đến tuổi thành thục bị xâm hại, đốn chặt, khai hoang. Đã thế, phần lớn diện tích rừng tái sinh trồng loại cây mọc nhanh là chính để phục vụ mục đích kinh tế, sản xuất cây lấy gỗ ngắn ngày.

Theo Th.S. Phạm Quang Tú, Viện trưởng Tư vấn Phát triển (CODE), khả năng giữ nước của rừng trồng kém hơn rừng tự nhiên do cây ở rừng trồng thường là một tán, một tầng trong khi rừng tự nhiên có nhiều tầng. Mặt khác, “lớp mùn, thảm thực vật ở rừng tự nhiên dày hơn nên giữ cho nước chảy xuống chậm hơn so với rừng trồng”.

Bên bờ suối Nậm Pu từng gây lũ quét, ông Đào Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, cho biết lũ gần đây về nhanh hơn, dữ dội hơn. Th.S. Tú đoán, đợt mưa to dẫn đến lũ lớn, nhanh và dữ dội vừa qua có thể do thảm thực vật thượng nguồn bị suy thoái mạnh.

Đáng lo ngại nữa, trên các vùng núi cao, nơi các khu rừng tự nhiên còn được bảo tồn khá tốt, người ta ghi nhận được hiện tượng gia tăng nhiệt độ. Các nhà khoa học gọi sự tăng nhiệt độ ở các vùng núi cao là sự dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao.

Kéo theo đó là sự dịch chuyển của cây cối vốn thích ứng với các vành đai nhiệt ấy. Tại Hoàng Liên Sơn, người ta ghi nhận được hiện tượng xâm nhập của các cây nhiệt đới lên các vùng cao, xuất hiện bước đầu những thay đổi trong hệ sinh thái núi cao Hoàng Liên Sơn và các vùng núi cao khác trong tỉnh. Tính đa dạng sinh học, đặc biệt, một số loài cây quý hiếm, trong đó có cây dược liệu bản địa. có dấu hiệu suy giảm.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cho biết các nhóm nghiên cứu ở đây ghi nhận được hiện tượng dịch chuyển của các vành đai nhiệt, thông qua việc ghi nhận sự dịch chuyển của một số loài động, thực vật lên vị trí cao hơn, từ độ cao 2.200 – 2.400 m lên 2.400 – 2.700 m.

Điển hình là cây bách xanh và vân sam Phanxipang. “Trước đây có các loài đặc trưng với bốn thảm sinh vật rừng. Vân sam Hoàng Liên là loài cây chỉ thị đặc trưng nhất. Trước, ở độ cao 2.200-2400, chúng tôi đã gặp và thấy dấu hiệu phân bố.

Nhưng nay, phải lên cao độ 2.400-2.700 mới thấy cây được tái sinh tự nhiên” - ông Hạnh trích kết quả một nghiên cứu dài hơi từ năm 2003-2006. “Cây Thích Sa Pa Phanxiphang (cây phong) trước tập trung ở vành đai 1400-1700 m. Nay chúng tôi thấy xuất hiện ở vành đai cao hơn, từ 1.800-1.900 m” -  ông Hạnh nói.

Loài cây á nhiệt đới bách xanh, dù miệt mài di cư như vậy, theo ông Lưu Minh Hải, chỉ còn 200 cây. Một nhà quản lý khác bi quan hơn khi nhận định chỉ còn 10-15 cá thể bách xanh là cùng. “Tôi từng thấy loại cây vừa làm gỗ vừa dược liệu ấy có cả ở vùng thấp, ở Bản Hồ. Nó từng tồn tại ở đai nhiệt thấp nhất, 300-700 m” - Ông Phạm Văn Đăng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên vừa đón nhận bằng Vườn Di sản ASEAN năm 2007, nói.

Bốn vành đai nhiệt (bao gồm vành đai ở độ cao 300-700 m, vành đai 700 - 1.800 m, vành đai 1.800 - 2.600 m, và vành đai từ 2600 đến trên 3.143 m) đang bị xóa nhòa. “Ranh giới giữa chúng rất mong manh” - Ông Hạnh cảnh báo điều đó đồng nghĩa với việc đe dọa sự tồn tại của động thực vật đặc hữu ở Hoàng Liên Sơn nếu biết lâu nay chúng chỉ trú ngụ từ độ cao 2.200 m trở lên.

Về động vật hoang dã, một số giống loài có nguy cơ tuyệt chủng do nguồn thức ăn cạn kiệt, hoặc do điều kiện môi trường biến đổi không phù hợp điều kiện sống của chúng. Tại Lào Cai, cùng với sự suy giảm của rừng, hệ động vật hoang dã có dấu hiệu giảm nhiều. Một số giống loại quý hiếm còn rất ít, thậm chí biến mất trên địa bàn.

Bài cuối - Càng nhiều rừng càng nghèo đói

MỚI - NÓNG