Chính quyền Bush và khoa học

Chính quyền Bush và khoa học
Mấy ngày nay, nhiều tờ báo ở Mỹ xuất hiện các bài bình luận về quan hệ giữa tổng thống Bush và khoa học. Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Bush và giới khoa học không thoải mái.
Chính quyền Bush và khoa học ảnh 1
Tổng thống Bush xem khoa học là ưu tiên trong diễn văn toàn quốc

Báo Washington Post viết: "Tổng thống Bush ngày nay đang nói nhiều về khoa học. Chỉ có điều ông không quan tâm mấy đến chuyện lắng nghe các nhà khoa học".

Cây bút Peter Baker viết trên Washington Post: "Việc Tổng thống bị thu hút bởi những đột phát trong khoa học hiện đại có lẽ không phải là điều mới lạ. Nhưng nó hiển hiện rõ rệt hơn kể từ khi ông đưa sức mạnh của nghiên cứu và sáng tạo trở thành yếu tố trung tâm trong diễn văn trước toàn quốc."

Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Bush và giới khoa học không thoải mái ở chỗ ông không nhắc gì đến vấn đề mà nhiều khoa học gia cho rằng sẽ là tai họa ghê gớm nhất: thay đổi khí hậu toàn cầu.

Tranh luận

Bài đăng trên trang bìa tạp chí Time cho biết: "Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu, cả trong và ngoài chính phủ, nói các phát hiện của họ - về ô nhiễm, thay đổi khí hậu, sức khỏe sinh sản, nghiên cứu tế bào mầm và các lĩnh vực mà khoa học thường mâu thuẫn với quyền lợi tôn giáo, ý thức hệ hay kinh doah - đang bị những viên chức trong chính quyền Bush giảm nhẹ, bóp méo hoặc bác bỏ".

Cố vấn khoa học của ông Bush, John Marburger, nói với tờ Time: "Chính quyền rất ủng hộ khoa học. Tổng thống muốn chúng tôi làm điều đúng, và không muốn chúng tôi làm gì trái với định luật tự nhiên".

Nhưng trong hai năm qua, Hội Các nhà khoa học quan tâm đã thu thập chữ ký của hơn 8000 nhà khoa học - trong đó có 49 người được giải Nobel - cáo buộc chính quyền là can thiệp ở mức độ chưa từng thấy vào thế giới của họ.

Tuy nhiên, thông thường những người này ít khi công khai lên tiếng vì ngại ảnh hưởng đến công việc và các tài trợ nghiên cứu.

Vì thế, thật là khác thường khi một chuyên gia hàng đầu về thay đổi khí hậu và làm việc ở NASA 29 năm, James Hansen, đã lên trang nhất của báo New York Times.

Ông cáo buộc NASA đã đòi xem xét các bài giảng, bài viết đăng trên trang web của NASA, cũng như thanh lọc các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông.

Thứ Bảy tuần rồi, cây bút Andrew C. Revken của New York Times tiếp tục theo đuổi câu chuyện.

Ông viết: "Một tuần sau khi nhà khoa học về khí hậu hàng đầu của NASA than phiền rằng văn phòng đối ngoại của tổ chức này muốn dẹp yên các tuyên bố của ông về ấm nóng toàn cầu, người lãnh đạo cơ quan, Michael D. Griffin, đưa ra tuyên bố cứng rắn hôm qua kêu gọi có sự 'cởi mở khoa học' trong cơ quan này."

Ông viết trong email gửi nhân viên: "Các viên chức văn phòng đối ngoại không có quyền thay đổi, lọc hay điều chỉnh các tư liệu khoa học của nhân viên NASA".

Phóng viên Revken nhắc tới trường hợp George Deutsch, người được Tổng thống bổ nhiệm làm trong văn phòng báo chí của NASA.

Deutsch "nói với nhà thiết kế trang web làm việc cho NASA hãy thêm từ "lý thuyết" vào sau mỗi chữ Big Bang - đó là theo nội dung một email của ông Deutsch mà một nhân viên NASA gửi lại cho báo Times...".

Trong email này, ông Deutsch viết: "Big Bang không phải là dữ kiện được chứng minh, đó là ý kiến thôi".

Có vẻ những tranh cãi giữa Chính phủ và cộng đồng khoa học sẽ còn tiếp tục là đề tài thu hút các tờ báo Mỹ.

Theo BBC

MỚI - NÓNG