Chống tổn thất 50.000 tỷ đồng/năm sau thu hoạch

Chống tổn thất 50.000 tỷ đồng/năm sau thu hoạch
TP - Với nhiều giải pháp chiến lược vừa được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, mỗi năm nước ta sẽ thu lại từ tổn thất sau thu hoạch nông sản khoảng 50.000 tỷ đồng.

Với đặc trưng quy mô đồng ruộng nhỏ, phân tán, manh mún (bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7 ha đất canh tác với 7 - 8 thửa); nhiều hệ thống kênh mương xuống cấp trầm trọng (chỉ phát huy được 60-70 phần trăm công suất thiết kế);

máy móc chế tạo trong nước yếu kém (chỉ đáp ứng khoảng 40 phần trăm nhu cầu về động cơ nhỏ) nên việc cơ giới hoá nông nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm đồng loạt triển khai nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

Tổng nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị động lực cho nông, lâm, thuỷ sản tới năm 2020 khoảng 39.520 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 5.312 tỷ đồng, tín dụng 21.120 tỷ đồng, người dân và doanh nghiệp 13.088 tỷ đồng.

Chính vì thế, hằng năm tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta rất lớn, khoảng 50.000 tỷ đồng. Tại ĐBSCL, mỗi năm mất hàng triệu tấn thóc do sự yếu kém, bất cập trong quá trình thu hoạch, tuốt đập, phơi sấy, bảo quản, xay xát (chiếm tới 13,7 phần trăm sản lượng);

tại đồng bằng sông Hồng và các khu vực khác, tỷ lệ tổn thất là 11,6 phần trăm. Đối với ngô, mức tổn thất lên tới 18 - 19 phần trăm sản lượng, đậu tương 6,2 - 14 phần trăm, lạc 8,5 - 15,5 phần trăm, rau quả 25 - 28 phần trăm...

Cùng đó, tổn thất do nấm mốc, mối mọt và vi khuẩn xâm nhập cũng tới hàng ngàn tỷ đồng.

Áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc bằng các phương pháp sinh học và vật lý; chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển với quy mô 10 triệu tấn/năm từ năm 2010 trở đi… được xem là biện pháp tối ưu hiện nay.

Trong hai năm 2009-2010, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống kho chứa gạo công nghệ tiên tiến với sức chứa bốn triệu tấn, trong đó xây dựng mới kho chứa 2,8 triệu tấn.

Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ năm phần trăm xuống không phần trăm.

Nhà nước sẽ hỗ trợ cho vay tín dụng mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức vay đến 70 phần trăm giá trị, thậm chí cho vay không lãi trong vòng hai năm với các máy có giá trị lớn (máy gặt đập liên hợp, máy cấy tốc độ cao, máy cày công suất lớn...). Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân 30 phần trăm vốn mua sắm các loại máy, kho chứa tại gia đình.

Đến năm 2010 sẽ giảm tổn thất đối với lúa gạo từ 11-12 phần trăm như hiện nay xuống 9-10 phần trăm, năm 2015 là 7-8 phần trăm, năm 2020 là 5-6 phần trăm; đối với rau quả sẽ giảm từ 20-22 phần trăm xuống 10-12 phần trăm vào năm 2020. Giảm mức độ tổn thất về chất lượng thuỷ sản xuống dưới 15 phần trăm.
MỚI - NÓNG