Chuẩn bị chữa tàu Discovery

Chuẩn bị chữa tàu Discovery
Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Hoa Kỳ NASA thông báo sẽ cử phi hành gia ra ngoài không trung để sửa chữa hư hỏng trên vỏ tàu con thoi Discovery.

Phi hành gia Stephen Robinson sẽ thực hiện nhiệm vụ bóc dỡ các miếng đệm trồi ra ngoài lớp vỏ cách nhiệt ở bụng tàu.

NASA đang quan ngại rằng những miếng đệm này có thể gây ra tình trạng vỏ tàu quá nóng khi tàu Discovery quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

Từ trước tới nay chưa có ai từng thực hiện việc sửa chữa tấm cách nhiệt của tàu con thoi ngoài không trung.

Ông Robinson sẽ được một "cánh tay tự động" của tàu Discovery nâng ra ngoài để dùng tay kéo những miếng đệm ra. Nếu không được, ông sẽ phải sử dụng một chiếc cưa để cưa chúng đi.

Cho tới nay NASA vẫn chưa hoàn toàn rõ về ảnh hưởng của các miếng đệm này gây ra cho vỏ cách nhiệt khi tàu Discovery quay trở về trái đất.

Thế nhưng sau khi cân nhắc, ban lãnh đạo đã thống nhất sẽ cho phi hành gia ra ngoài để dỡ chúng đi chứ không để tàu quay trở về trong tình trạng nguyên thủy.

Trong 3 ngày vừa qua, các kỹ sư và chuyên gia đã tích cực làm việc để tìm cách sửa chữa các hư hại của tàu.

Bảo đảm an toàn

Chuẩn bị chữa tàu Discovery ảnh 1
Miếng đệm trồi ra ngoài ở vài chỗ

Phó giám đốc chương trình tàu con thoi của NASA Wayne Hale nói chủ trương mới của NASA là nếu không chắc là an toàn thì không làm. Do vậy những gì có nguy cơ gây hại đều cần phải được giải quyết.

Phần bụng tàu là khu vực sẽ bị nóng nhất khi quay trở về trái đất. Bất cứ những gì trồi ra ngoài vỏ tàu đều có thể cản trở dòng không khí lưu thông khi tàu quay về và có thể gây tăng nhiệt độ trên các tấm cách nhiệt.

Chuck Campbell thuộc nhóm chuyên gia về cơ động học nói các miếng đệm có thể làm tăng nhiệt độ tới 10 - 30%, tức vài trăm độ C.

Khi quay trở về trái đất phần bụng tàu có thể tiếp xúc với nhiệt độ lên tới 1.260oC hoặc cao hơn nữa.

2 năm trước, một mảnh xốp cỡ bằng chiếc vali đã rơi khỏi tàu con thoi Columbia khi nó được phóng lên không trung làm vỏ cách nhiệt trên cánh trái bị thủng một lỗ.

Việc này không gây vấn đề khi ở trên không trung, nhưng khi tàu Columbia quay trở về trái đất hôm 1/2/2003 thì một luồng khí bị đốt nóng đã thâm nhập qua lỗ hổng và làm tàu nổ tung.

MỚI - NÓNG