Chưa chọn được phương án cứu cây đa Tân Trào

Chưa chọn được phương án cứu cây đa Tân Trào
Ngày 17/3, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức cuộc "Hội thảo khoa học cây đa Tân trào" với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý lâm nghiệp, di sản văn hóa và sinh vật cảnh trong cả nước.

>> Những lo ngại về cây đa Tân Trào

Chưa chọn được phương án cứu cây đa Tân Trào ảnh 1
Cây đa Tân Trào. Ảnh : TP 

Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia đã nêu ra một số nguyên nhân làm cho cây đa Tân Trào bị suy thoái nghiêm trọng. Trong đó đáng lưu ý là môi trường sống của cây đã có nhiều thay đổi, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất đều ở mức quá cao, rễ bị úng nước và tuổi thọ của cây đa đã già... nên ảnh hưởng đến sức sống của cây, và dễ bị sâu bệnh tấn công.

Hơn chục năm qua, Tuyên Quang đã áp dụng nhiều biện pháp cứu chữa, nhưng cây đa Tân Trào vẫn có chiều hướng chết dần. Các nhà khoa học, quản lý đều nhận định rằng việc cứu cây đa không thể chậm trễ. Các giải pháp cấp bách trong lúc cây đa "nguy kịch" là phải bảo tồn được nguồn gen của cây đa Tân Trào; áp dụng các biện pháp cấp bách để chống đổ gẫy với những cành còn lại trong mùa mưa bão tới. Triển khai khơi thông nước, tránh úng rễ và tổ chức phun thuốc diệt sâu bệnh.

Đặc biệt, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đưa 5 phương án phục hồi cây đa như thay thế cây đa mới, phương án cấy ghép sinh học... trong khi các chuyên gia cũng giới thiệu một số giải pháp cứu chữa dân gian. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý chưa thể đưa ra được phương án cuối cùng để phục hồi cây đa Tân Trào.

Cây đa Tân Trào thuộc khu di tích lịch sử quốc gia ATK Tân Trào (huyện Sơn Dương), là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và hạn lệnh xuất quân tiến sang Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội. Từ năm 1999, cây đa Tân Trào đã có dấu hiệu sinh trưởng kém, nhiều cành ở phần ngọn cây có biểu hiện rụng lá, không ra lá non, chết khô không có rễ buông từ cành cây xuống đất. Đặc biệt, từ năm 2005 đến 2007, nhiều cành lớn, nhỏ có đường kính từ 30 - 80 cm của cây bị gãy đổ. Hiện nay, cây chỉ còn 3 cành nhỏ có đường kính chừng 30 cm nhưng trong đó một cành đã chết khô.

Từ nay đến 30/3, tỉnh sẽ chọn ra phương án hiệu quả để trình các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nhằm sớm thực hiện phục hồi cây đa Tân Trào lịch sử.

Theo Vũ Văn Đức
TTXVN

MỚI - NÓNG