Có hay không nguy cơ sóng thần ở Việt Nam?

Có hay không nguy cơ sóng thần ở Việt Nam?
Vụ báo động sóng thần ở bờ biển Đà Nẵng khiến hàng nghìn dân phải đi sơ tán trong vòng ba tiếng ngày 9/7 vừa qua lại làm dấy lên tranh cãi về vấn đề sóng thần ở Việt Nam.
Có hay không nguy cơ sóng thần ở Việt Nam? ảnh 1
Người dân chạy sóng thần ở Đà Nẵng

Điều đáng chú ý là, các nhà khoa học ghi nhận được những câu chuyện về thảm hoạ ven bờ biển Việt Nam trong vòng 100 năm qua dù tính chính xác rất mỏng.

“Không thể mất cảnh giác với nguy cơ sóng thần”, PGS. TS Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ mới, Viện Khí tượng Thủy văn, nói.

Đề cập đến dự báo sai về sóng thần vừa qua trên đài truyền thanh phường, PGS.TS Ca cho biết, thông tin đó rất không tin cậy về mặt khoa học ngay từ thời điểm báo động. Thứ nhất, ngoài khơi bờ biển Việt Nam khoảng 50-60 hải lý quan sát được sóng thần là điều gần như không tưởng.

Tại vị trí đó, biên độ sóng thần chỉ cao khoảng 50cm, thấp hơn nhiều so với các con sóng do gió gây nên. Nhưng khác với sóng gió có thể cao từ một đến vài mét và bước sóng rất ngắn, sóng thần có bước sóng hàng chục, thậm chí hàng trăm km.

Thứ hai, sóng thần chỉ xảy ra khi có biến động rất mạnh về địa chất trên vỏ trái đất như với sự kiện ở Sumatra, Indonesia, ngày 26/12/2004.

Vấn đề ở câu chuyện báo động giả kia chính là ở chỗ đã đến lúc phải xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần chuyên nghiệp và quy mô đầu tiên ở Việt Nam.

Hệ thống đó, một mặt, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác tránh tối đa gây hoảng loạn trong bộ phận lớn dân cư và, mặt khác, giúp chủ động phòng tránh nguy cơ thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp mà nhiều nhà khoa học thế giới cảnh báo thế nào cũng lại xảy ra trong tương lai không xa. Ngay tại nước ta, chỉ khoảng 100 năm lại đây thôi, cũng từng ghi nhận những thảm hoạ khủng khiếp và bị quy là có thể do sóng thần gây ra.

Báo cáo mới đây của Viện Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên&Môi trường, liên quan đến việc xúc tiến xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam, từng đề cập một thảm hoạ ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Thảm hoạ được ghi nhận khá cụ thể cả về thời gian và thiệt hại.

Đó là ngày 11/9/1904 khi mà tình hình thời tiết không có những bất thường. Thế mà thiên tai kinh hoàng bất chợt diễn ra khiến ngư dân ven biển trở tay không kịp. Hậu quả là 724 sinh mạng bị cướp đi, 519 thuyền bị đắm, và 22.027 ngôi nhà bị phá huỷ.

Các nhà khoa học cũng tìm hiểu được một trận khác xảy ra ở bờ biển Nam Định vào năm 1930 và Đà Nẵng vào năm 1964 với thiệt hại về người và của lớn không kém.

Có hay không nguy cơ sóng thần ở Việt Nam?

Trả lời cho câu hỏi này chưa có sự thống nhất ngay trong giới khoa học ở Việt Nam.

Bởi lẽ tại Việt Nam gần như chưa có chuyên ngành nghiên cứu về sóng thần. Tại Viện Vật lý Địa cầu, các nhà khoa học cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ một đề án nghiên cứu cơ bản từ năm 2001 đến 2003. Đề tài cấp nhà nước “Tai biến sóng thần đến vùng bờ biển, hải đảo Việt Nam” với kinh phí cỡ 40 triệu đồng cho giai đoạn đầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ nhiệm đề án mang mã số 733101, sóng thần do nguồn động đất xa và gần gây ra và đều không nguy hiểm cho vùng bờ biển, hải đảo Việt Nam.

Nguy cơ thứ nhất phát xuất từ đứt gãy Sông Hồng, một trong số các đứt gãy lớn có khả năng phát sinh động đất lớn. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy động đất cực đại phát sinh ở đới Sông Hồng này chỉ có thể đạt 6,2 hoặc cùng lắm là 6,5 độ Richter.

Bằng công thức toán, các nhà khoa học suy ra sóng thần do động đất gây ra bởi đới Sông Hồng cùng lắm chỉ cao 0,65m.

Nguy cơ thứ hai là từ vùng biển Philippines. Những trận động đất mạnh phát sinh trên đứt gãy nghịch mang tên Manila Trench chạy dọc ngoài khơi phía Tây Philippines từ mạn Đông đảo Bandar Seri Begawan đến mạn Bắc đảo Luzon.

Và từng có sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển phía Tây nước này. Rất may, khoảng cách gần nhất từ chấn tâm động đất gây sóng thần từ đới lún chìm Manila Trench đến bờ biển và hải đảo Việt Nam là 1100km. Và chiều cao sóng thần khi đến Việt Nam chỉ còn 0,5m. Mặt khác, do được chắn bởi đảo Hải Nam của Trung Quốc, vùng ảnh hưởng của Việt Nam, nếu có, cũng chỉ dao động từ Thanh Hoá đến Nha Trang.

Tuy nhiên, không ít nhà khoa học cho rằng vùng bờ biển Việt Nam nhiều đoạn có độ cao rất thấp. Sóng thần dù chỉ cao 0,5-0,65m như tính toán cũng có thể gây thiệt hại khôn lường nếu nó kết hợp với triều cường.

Mặt khác, sóng thần là loại sóng dài có thể lan truyền qua một vùng biển rộng lớn với suy hao năng lượng không đáng kể trên đường truyền hàng nghìn km. Không loại trừ khả năng sóng thần lan tới nước ta từ vành đai lửa Thái Bình Dương vốn hay xảy ra động đất. Với tốc độ khoảng 500km/h, thời gian để sóng thần lan truyền từ tâm của vùng động đất tại bờ đông của biển Đông tới bờ biển nước ta chỉ 2-3 tiếng.

Bởi những lý do đó, các nhà khoa học đề nghị cần có nghiên cứu bài bản hơn về địa chấn và sóng thần nói riêng đồng thời quy hoạch lại các vùng ven biển có tính đến nguy cơ nước biển dâng do triều cường và sóng thần. Đấy cũng là lý do khiến Chính phủ vừa qua đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên&Môi trường xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần đầu tiên ở Việt Nam cho dù tốn kém đến mấy.

MỚI - NÓNG