Chuyện năm xưa

Có nên đặt Công viên động vật bán hoang dã ở Mễ Trì?

Có nên đặt Công viên động vật bán hoang dã ở Mễ Trì?
Tháng 9/2002, có tin Hà Nội sẽ xây dựng công viên động vật bán hoang dã ở khu vực Mễ Trì do Vườn thú Hà Nội là chủ dự án. Gần đây, dự án lại được xới lên...
Có nên đặt Công viên động vật bán hoang dã ở Mễ Trì? ảnh 1
Một con chim trĩ vừa được cứu thoát khỏi tay bọn  trộm chim quý tại khu vực Phong Nha, Kẻ Bàng, Quảng Bình

Ngày 28/7/2005, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi các Sở Giao thông Công chính, Kế hoạch & Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và giao cho Sở Giao thông Công chính triển khai thực hiện dự án này.

Tại sao bẵng đi hồi lâu, dự án lại được xới lên như vậy và tính khả thi của dự án là ở đâu?

Chuyện năm xưa

Đầu năm 1993, UBND TP Hà Nội dự định lấy 3 ha đất của Vườn thú Hà Nội (Thủ Lệ) để xây khách sạn nhiều tầng. Nhiều nhà khoa học đầu ngành về sinh học gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại chủ trương này.

Đến ngày 26/6/1993, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1129/CV-UB gửi Thủ tướng Chính phủ và Tổng hội Sinh học Việt Nam do Chủ tịch Lê Ất Hợi ký.

Trong đó mục 1 ghi rõ: “Theo quy hoạch tổng thể Thủ đô trong tương lai không bố trí Vườn thú Quốc gia ở Công viên Thủ Lệ vì đây là một vị trí tiếp giáp với nội đô qua ngõ phía Tây, dân cư đông, phạm vi đất đai hẹp và còn phải bố trí tiếp một số công trình giao dịch dân dụng.

Hiện nay Công viên Thủ Lệ chỉ bố trí tạm để duy trì số thú được di chuyển từ Vườn Bách thảo ra. Trong tương lai số thú này sẽ được di chuyển tới Vườn thú Quốc gia.

Thủ Lệ chỉ là một công viên hoa, cây xanh, hồ nước và có thể có một số chuồng chim để làm vui thêm một công viên vui chơi dạo mát của cư dân cửa ngõ phía tây Thủ đô. Từ đó sẽ không có vấn đề công trình giao dịch dân dụng ảnh hưởng đến Vườn thú”.

Ngày 3/7/1993, Vườn thú Hà Nội có Công văn số 70 TC/VT v/v “Xây dựng khách sạn nhiều tầng tại Vườn thú Hà Nội” gửi Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Sở Giao thông Công chính Hà Nội giải trình về sự ra đời và phát triển của Vườn thú Hà Nội và kiến nghị: “Thủ đô Hà Nội hãy cố giữ lấy vườn thú của mình” và đặt câu hỏi “Vườn thú Quốc gia sẽ ra sao? Đặt ở đâu? Bao giờ xây dựng ?”.

Tiếp đến ngày 10/7/1993, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1210/CV-UB trình Thủ tướng Chính phủ xin cắt 29.500 m2 của Vườn thú Hà Nội để giao cho liên doanh DAEHA xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng thương mại. Đó là khách sạn mang tên DAEWOO.

Hơn mười năm qua, Khách sạn DAEWOO đi vào hoạt động trong khi Vườn thú Hà Nội (Thủ Lệ) không chuyển thành một công viên hoa, cây xanh, hồ nước và có thể có một số chuồng chim. Còn Vườn thú Quốc gia ở đâu?

Nên lấy ý kiến rộng rãi

Nay câu chuyện công viên động vật bán hoang dã lại gây sự chú ý của dư luận. Vấn đề bây giờ là tính khả thi của dự án đến đâu?

Theo Quyết định số 21/2003 QĐ-UB ngày 27/01/2003 của UBND TP Hà Nội, công viên động vật hoang dã sẽ bố trí ở khu vực Mễ Trì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 - 8  km. Công viên có diện tích 160,44 ha nằm trong quy hoạch sử dụng đất khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, và cây xanh cách ly.

Về số loài động vật hoang dã, dự định nuôi ở đây gần 430 loài. Con số đó là quá nhiều. Công viên động vật hoang dã San Diego (Mỹ) nổi tiếng trên thế giới có diện tích khoảng 800 ha chỉ nuôi 260 loài với 3.500 cá thể.

Công viên động vật hoang dã dự định nuôi đến 128 loài (khu hệ chim Việt Nam có 828 loài) là điều không tưởng vì mỗi loài đều có tập tính, nơi sống, thức ăn rất khác nhau, không thể nhốt chung vào một tiểu khu!

Nuôi 12 loài thú linh trưởng không hề đơn giản. Chỉ riêng các loài voọc ăn lá vẫn còn là điều nan giải ngay cả đối với các vườn thú hiện đại trên thế giới. Xây dựng khu rừng nhiệt đới lại càng không dễ bởi khi đưa những cây từng sống trong rừng với điều kiện môi trường và sinh thái tự nhiên hoàn toàn khác với vùng đồng bằng.

Chúng ta từng có bài học về hai hàng cây chò hai bên đường Hùng Vương trong quần thể Di tích Bác Hồ với ý tưởng rất hay nhưng không trở thành hiện thực.

Theo chúng tôi, Hà Nội nên có công viên động vật bán hoang dã nhưng địa điểm phải xa thành phố, có sẵn đồi núi và thảm thực vật tự nhiên, vừa đảm bảo về vệ sinh môi trường, vừa lợi dụng địa hình để xây dựng ít tốn kém khi phải tạo sơn, đào hồ hay trồng cây.

Theo bản khái toán giá trị xây lắp và giá trị thiết bị các hạng mục công trình của dự án, chỉ riêng hai khoản đào hồ điều hòa và đắp 5 quả đồi đã lên đến 68 tỷ 800 triệu đồng.

Mặt khác, phải đào tạo ngay đội ngũ các chuyên gia về chăm nuôi quản lý động vật quý hiếm trong điều kiện bán hoang dã một cách bài bản như kỹ thuật chăm sóc động vật, chế biến thức ăn, chữa trị bệnh tật cho động vật, xử lý chất thải, v.v... chứ không thể cho rằng “với hơn 20 năm hoạt động, Công viên Vườn thú Hà Nội đã đào tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này” như lời của một lãnh đạo Công viên Vườn thú Hà Nội vốn chỉ là một vườn thú nuôi nhốt.

Rồi phải tính đến nhiều vấn đề khác nữa như nguồn động vật hoang dã lấy từ đâu, có được phép săn bắt từ thiên nhiên hay mua lại của các vườn thú trên thế giới, và dự toán kinh phí, v.v... Dự án trên mới chỉ là cái khung về kiến trúc, xây dựng, chứ chưa có cái “nội dung” là các động vật hoang dã bên trong cái “khung” đó.

Ngay cả mua lại các loài đã được nuôi ở các vườn thú trên thế giới, cũng phải tuân thủ theo Công ước CITES. Không hiểu vấn đề này những người lập dự án đã tính đến hay chưa khi dự án mới chỉ tính đến mục xây dựng cơ bản.

Nếu dự án được thực thi, phải xây dựng lại chứ không thể dựa trên “Đề cương và dự toán kinh phí – Giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng công viên động vật bán hoang dã Mễ Trì” của Công ty Tư vấn Đầu tư XD- GTCC Hà Nội ngày 10/8/2002 được.

Bởi vì không thể máy móc áp đặt động vật hoang dã cùng lớp trong phân loại như lưỡng cư, bò sát vào một tiểu khu, chim vào một tiểu khu, thú vào một tiểu khu. Thực tế trong thiên nhiên, nhiều loài ở các lớp khác nhau cùng chung sống trong một sinh cảnh.

Mong rằng lãnh đạo Hà Nội tính toán lại dành đất ở khu vực này vào các công trình khác hợp lý và có ích hơn cho xã hội. Còn dự án về công viên động vật bán hoang dã nếu muốn xây dựng chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Trước tiên phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.