Có thể chặn được phần mềm nghe lén 'dế'

Có thể chặn được phần mềm nghe lén 'dế'
TP - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các dòng máy điện thoại đi động (ĐTDĐ) sử dụng hệ điều hành symbian, Window mobile, ROM… đều có thể cài đặt được phần mềm nghe lén. Tuy nhiên, việc ngăn chặn cũng có thể thực hiện.

>> Rao bán tràn lan phần mềm nghe lén điện thoại

Có thể chặn được phần mềm nghe lén 'dế' ảnh 1
Cơ quan điều tra khám xét nhà riêng đồng thời là trụ sở Cty của Phạm Đình Bảo

Có thể cài đặt cho các loại dế

Các phần mềm nguy hại này gồm SMS For... (đọc lén tin nhắn) và Call Inter... Những phần mềm này gọi chung là spy phone có nguồn gốc xuất phát từ châu Âu khoảng hai năm trở lại đây.

Ở khu vực này có khoảng hơn 200 Cty  đang bán những phần mềm spy phone trực tuyến với giá khoảng 50 USD và một vài chương trình spy phone khác có giá hơn 300 USD.

Trên các website quảng cáo của các Cty cung cấp phần mềm trong nước khuyến cáo, các spy phone trên chỉ tương thích cài đặt cho các dòng máy chạy hệ điều hành symbian 60s (Nokia đang dùng hệ điều hành này cho các dòng máy N, E và đuôi là XpressMusic, Classic, Navigator) và một số loại dế của hãng Motorola (Motorizr z8); Panasonic (x800); Samsung (D720; D730; i400; i450; i520; i550; i560; G810; L870; i7110; Innov8); LG (KT610; LG KT615; LG KS10).

Song, ông Hoàng Mạnh Cường – Phó Tổng giám đốc  CMC Telecom cảnh báo, phần mềm này có thể cài đặt cho tất cả các loại máy ĐTDĐ. Ông Cường đã chỉ đạo nhân viên kỹ thuật tải những phiên bản demo cài đặt vào chiếc ĐTDĐ của ông dùng thử. Quả nhiên công năng nó giống như những lời quảng cáo.

Thao tác cài đặt phần mềm chỉ mất chừng 15 phút và bất cứ dế nào cũng có thể được cài nếu chủ sở hữu lơ đễnh việc quản lý, có thể do họ mặc định mở sẵn cổng bluetooth, cho mượn máy hoặc mang máy ra cửa hàng nào bảo trì, sửa chữa...

Có thể phòng chống

Trước sự phát triển và lan rộng của spy phone, các nhà sản xuất ĐTDĐ rất khó ngăn chặn mà phải trông chờ vào các nhà sản xuất phần mềm diệt virus. 

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Nam Trường Sơn, đơn vị phân phối bản quyền phần mềm diệt virus Kaspersky tại Việt Nam, cho biết việc ngăn chặn các phần mềm nghe lén trên điện thoại di động là hoàn toàn có thể.

Cụ thể, phần mềm Kaspersky Mobile Security (KMS) được xem là phần mềm chống lại hiệu quả các phần mềm nghe lén và các phần mềm độc hại, và có thể sử dụng tốt trên các ĐTDĐ chạy hệ điều hành Windows mobile và Symbian.

“Khi KMS được cài lên dế, những mục đích nghe lén không thể nào đạt được. Với mật mã bảo vệ ở mức độ cao, các phần mềm chống mã độc sẽ chặn mọi thứ mã xấu và từ chối những phần mềm không mong muốn” - ông Trung khẳng định.

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, đơn vị vừa phối hợp với PC15 CA TPHCM bắt quả tang Phạm Đình Bảo bán phần mềm spy phone cho một khách hàng với giá 1.300 USD (xem Tiền Phong số ra hôm qua), khuyến cáo “Cần thông tin tuyên truyền rộng rãi cho người sử dụng ĐTDĐ được biết phòng tránh những trường hợp cài đặt spy phone gây nên sự cố đáng tiếc, đồng thời chung tay với cơ quan quản lý phát hiện, bắt giữ những nhà cung cấp phần mềm trái phép này và cả người sử dụng nó cho mục đích không minh bạch”. 

Spy phone sau khi được cài vào thiết bị đầu cuối của khách hàng muốn sử dụng nghe lén, sẽ tự động báo trên ĐTDĐ của khách hàng đó và họ chỉ cần sử dụng chức năng nghe tay ba (Call waiting) có thể nghe được tất cả nhưng gì họ muốn từ đối tượng theo dõi.

Còn cách thức để chú dế hoạt động bên máy của người bị nghe lén, spy phone này cũng được cài đặt và người muốn nghe lén chỉ cần lấy số IMEI (International Mobile Equipment Identity - Số nhận dạng thiết bị di động trên toàn thế giới) của chú dế đã cài phần mềm đăng nhập vào website của hãng cung cấp phần mềm ấy.

Khi nhận được tín hiệu có cuộc đàm thoại từ dế của người bị nghe lén, người muốn nghe chỉ cần gọi điện thoại đến số máy người đó và tín hiệu cuộc gọi này bị che khuất và cứ thế toàn bộ nội dung thông tin sẽ bị lộ mà người bị nghe lén không hề hay biết.

Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức.b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

c) Phạm tội nhiều lần.

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

(Điều 125 Bộ luật Hình sự)

MỚI - NÓNG