Có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam

Có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam
TP - Vào ngày thứ Ba (28/8), từ Việt Nam có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần lần thứ hai trong năm 2007. Theo đó, Trái đất sẽ nằm ở vị trí giữa Mặt trời và Mặt trăng, và Mặt trăng sẽ rơi vào vùng tối của Trái đất, tạo nên sắc màu đỏ hoặc da cam rực rỡ quanh viền tròn của Mặt trăng.

Đây sẽ là cơ hội để những người yêu thích thiên văn chứng kiến cảnh mà người xưa thường nói “Gấu ăn Trăng”.

Những người ở vùng lòng chảo Thái Bình Dương, từ đông Úc, qua Việt Nam, đến bờ biển phía tây của Bắc Mỹ, sẽ nhìn thấy nguyệt thực toàn phần vào lúc 10 giờ 37 giờ GMT, tức 17 giờ 37 giờ Việt Nam.

Cảnh nguyệt thực lần này nom rõ nhất, theo Cơ quan Hàng không&Vũ trụ Mỹ (NASA), là tại Polynesia thuộc Pháp. Ngược lại, những người ở châu Âu và châu Phi, sẽ không có cơ hội nhìn thấy gấu ăn trăng.

Mặt trăng sẽ không biến mất ngay khi đạt đến nguyệt thực toàn phần. Thay vào đó, nguyệt thực sẽ diễn ra trong vòng 90 phút. Thời gian xem được nguyệt thực dài nhất trong quá khứ là 107 phút và gần đây nhất là tháng 7/2000.

Màu của ánh sáng Mặt trời viền trên bề mặt Mặt trăng khi xảy ra nguyệt thực sẽ dao động từ da cam sáng đến đỏ sẫm, đồng, và màu xám tối, tùy thuộc vào lượng khí và bụi trong khí quyển bao quanh ánh sáng Mặt trời.

Theo NASA, do không có các vụ nổ lớn trên bề mặt Mặt trời vào khoảng thời gian này, Mặt trăng có thể hiện lên trên bầu trời dưới dạng màu đỏ rực hoặc da cam.

Thông thường, nguyệt thực toàn phần chỉ xảy ra vài năm một lần. Nhưng năm nay, hiện tượng nhiên nhiên này lại xảy ra hai lần, trong đó lần đầu vào ngày 3/3.

Đợt nguyệt thực tiếp theo sau đợt sắp tới là ngày 21/2/2008. Nhưng đợt tiếp theo nữa phải đợi đến tháng 12/2010. 

MỚI - NÓNG