Côn trùng "tiết kiệm" cho Mỹ gần 60 tỉ USD/năm

Côn trùng "tiết kiệm" cho Mỹ gần 60 tỉ USD/năm
Mỗi năm, chỉ bằng "công sức lao động" của mình, các loài côn trùng làm lợi cho nền kinh tế Mỹ gần 58 tỉ USD, đó là chưa kể những sản phẩm do chúng đem lại như mật hay tơ.

Đây là kết quả do Giáo sư côn trùng học John Losey thuộc Trường Đại học Cornell (Mỹ) cùng đồng sự là Mace Vaughan công bố trong một bài viết đăng trên Tạp chí BioScience số tháng 4/2006.

Cũng trong bài báo này, Losey và Vaughan khuyên mọi người dân Mỹ hãy cân nhắc thật kỹ trước khi ra tay sát hại bất cứ một cá thể nào của loài côn trùng, vì theo hai ông, "tuyệt đại đa số côn trùng đều thực hiện các chức năng bảo vệ, hoàn thiện môi trường sinh thái và gián tiếp cũng như trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người, bằng các phương pháp mà cho đến nay khoa học vẫn chưa biết rõ tường tận".

Chưa nói đến nguồn lợi từ các sản phẩm và các lợi ích vô hình mà côn trùng mang lại (như hạn chế được lượng thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường), hai nhà khoa học trên mới chỉ đề cập đến những lợi ích mà con người thụ hưởng từ các "dịch vụ" của côn trùng và các nghiên cứu của họ cũng chỉ mới tập trung ở  4 trong số rất nhiều "loại hình dịch vụ" do côn trùng đảm trách.

Thứ nhất, côn trùng là vệ sinh viên đắc lực (ăn xác động, thực vật) giữ cho môi trường thiên nhiên luôn được sạch, đẹp - chính điều này tạo sự hấp dẫn du khách và những người yêu thiên nhiên đến với loại hình du lịch sinh thái.

Nếu không có côn trùng, để duy trì môi trường thiên nhiên sạch đẹp được như vậy, ngành du lịch Mỹ mỗi năm phải tiêu tốn ít nhất… 50 tỉ USD.

Thứ hai, côn trùng tiêu diệt nhiều loài gây hại cho mùa màng, cây trái, thậm chí cho cả nông sản sau thu hoạch (trong đó không ít loài cũng chính là… côn trùng).

Chức năng "thiên địch" này đã thay thế được một số lượng thuốc trừ sâu và khối lượng công sức trị giá 4,5 tỉ USD hàng năm, mà lại không gây ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, côn trùng có một công năng rất lớn mà sức người không thể nào thay thế được là thụ phấn cho hoa màu, cây trái. Công năng này được đánh giá vào khoảng 3 tỉ USD/năm.

Cuối cùng, nhờ khả năng cải tạo đất (dành cho canh tác) của côn trùng (chủ yếu là các chi loài bọ hung) mà người Mỹ không phải tiêu tốn khoảng 380 triệu USD nếu sử dụng các biện pháp khác.

Như vậy, vị chi mỗi năm các loài côn trùng làm lợi cho nền kinh tế Mỹ gần 58 tỉ USD - một số tiền khổng lồ!

Nhưng hai tác giả cho biết, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực này, vì  vậy các số liệu thống kê đều chưa đầy đủ, chưa nêu hết được những lợi ích có thể "quy ra tiền" mà côn trùng mang lại. Nếu tính đúng, tính đủ, khoản lợi chắc chắn cao hơn nhiều so với con số trên đây.

Chẳng hạn, khả năng của côn trùng trong việc dọn xác chết thối rữa của các loài động vật khác đã hạn chế được sự phát tán của các vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh, nhờ đó giúp con người tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ lẽ ra phải chi cho việc phòng ngừa và điều trị bệnh.

Ngoài ra, côn trùng còn "tiêu thụ" hộ con người một lượng rác hữu cơ khổng lồ và đẩy nhanh quá trình phân hủy rác nói chung. Côn trùng ngốn rất nhanh lá rụng và xác thực vật, nhờ vậy giảm được nguy cơ cháy rừng - nguồn lợi này không thể tính ra bằng tiền cụ thể, nhưng ý nghĩa của nó thì cực kỳ to lớn.

Theo Thế giới mới

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.