Công bố các giải Ig Nobel 2006

Công bố các giải Ig Nobel 2006
TPO – Một nghiên cứu về những ngón chân bốc mùi và thứ âm thanh khó chịu của những chiếc móng tay khi gõ lên bảng là 2 trong số những phát minh và nghiên cứu kì quặc nhận được giải Ig Nobel hôm thứ năm vừa rồi.

Ig Nobel là giải thưởng trái ngược với giải Nobel diễn ra hàng năm tại Thụy Điển. Thay vì tôn vinh những nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đỗi với sự phát triển của nhân loại như giải Nobel, Ig Nobel đề cao những sáng tạo vô thưởng vô phạt, đôi khi ngớ ngẩn đến nực cười.

“Mục đích của giải Ig Nobel là tán dương những điều kì quặc và tưởng tượng, từ đó thôi thúc niềm yêu thích khoa học, y học và công nghệ của mọi người”, ông Marc Abraham, biên tập viên một tờ tạp chí khoa học hài hước mang tên Biên niên sử của những nghiên cứu hoang tưởng cho biết.

Tạp chí này là nhà tài trợ chính của giải thưởng cùng với Hiệp hội khoa học Viễn tưởng Harvard Radcliffe và Hội sinh viên Vật lý Harvard Radcliffe.

Tất cả các công trình nghiên cứu tham gia tranh giải đều có thực và từng được công bố trên các tạp chí danh tiếng về khoa học và Y học.

Tuy nhiên, khác với giải Nobel do Hội đồng khoa học Thụy Điển trao tặng, những người nhận giải Ig Nobel sẽ không nhận được khoản tiền thưởng nào, ít được biết tới và gần như không có hy vọng công trình khoa học của họ gây nên sự biến đổi trong lĩnh vực khoa học cũng như y học.

Những người chiến thắng trong giải Ig Nobel sẽ được chính các nhà khoa học đoạt giải Nobel trao tặng bằng khen trong một buổi lễ được phát sóng trên mạng Internet tại địa chỉ http://www.improbable.com 

Một số giải Ig Nobel năm nay:

Sinh học: Giải thưởng Ig Nobel sinh học năm nay được trao cho ông Bart Knols, đang công tác tại trường đại học Nông nghiệp Wageningen tại Hà Lan, Viện nghiên cứu Y học tại Tanzania và cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA tại thủ đô Vienna, Bỉ và người đồng sự Ruurd de Jong nhờ nghiên cứu chứng minh muỗi anophen cái, nguồn lây bệnh sốt vàng da bị thu hút bởi mùi pho mát và mùi chân người là như nhau.

Điểu cầm học: Công trình nghiên cứu lí giải nguyên nhân chim gõ kiến không bị nhức đầu bởi những tiếng gõ của chính mình của hai nhà khoa học Ivan Schwab và Philip R.A May, thuộc đại học California.

Dinh dưỡng: Nghiên cứu của Wasmia Al-Houty thuộc đại học Kuwait và Faten Al-Mussala, thuộc Ủy ban môi trường công cộng Kuwait chứng minh bọ phân là một loài kén ăn.

Hòa bình: Giải Ig Nobel hòa bình năm nay được trao cho ông Howard Stapleton tại Merthur Tydfil thuộc xứ Wales, nhờ việc sáng chế ra một thiết bị phát ra âm thanh cường độ cao, gây khó chịu cho các thanh niên nhưng không ảnh hưởng tới hầu hết những người lớn tuổi.

Sau đó, ông này đã hòa giải bằng cách sử dụng công nghệ tạo ra một loại nhạc chuông di động chỉ  thanh niên mới có thể nghe thấy còn các thầy cô giáo của họ thì không.

Âm học: Các nhà khoa học D.Lynn Halpern, Randolph Blake và James Hillenbrand làm việc tại đại học Tây Bắc Chicago nhận giải Ig Nobel nhờ các thí nghiệm năm 1986 nhằm vào việc khám phá ra nguyên nhân tại sao tiếng móng tay gõ lên bảng lại làm nhiều người vô cùng khó chịu.

Y học: Francis Fesmine, công tác tại trường Y đại học Tenessee và nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Bnai Zion tại Haifa, Israel cho cùng một dự án mang tên “Phương pháp massage bằng tay chữa bệnh nấc cụt cứng đầu.”

Toán học: Giải Ig Nobel toán học trao cho nhà khoa học Nic Svenson và Piers Barners thuộc tổ chức khoa học và nghiên cứu liên bang Úc nhờ công trình tính toán số tấm hình một nhà nhiếp ảnh cần phải chụp để chắc chắn rằng không ai nhắm mắt trong một tấm hình chụp chung.

Hà Giang
Theo Reuters

MỚI - NÓNG