Công bố nghiên cứu chi tiết nhất về Sao Kim

Công bố nghiên cứu chi tiết nhất về Sao Kim
TP - Cơ quan vũ trụ châu Âu cho biết những kết quả nghiên cứu khí quyển Sao Kim cụ thể nhất từ trước đến nay do trạm Venus Express được công bố trong 8 bài báo đăng trong số mới nhất của tạp chí The Nature.
Công bố nghiên cứu chi tiết nhất về Sao Kim ảnh 1

Trạm Venus Express (được chế tạo với sự hợp tác của Nga, Mỹ, Nhật) do Cơ quan vũ trụ châu Âu phóng lên 2 năm trước

Việc nghiên cứu Sao Kim - hành tinh gần Trái Đất nhất -  luôn gặp khó khăn bởi lớp mây dày  che phủ bề mặt cũng như những lớp khí quyển của nó.

Tuy nhiên, với Venus Express, các nhà khoa học đã thu được những số liệu chi tiết về cơ cấu  khí quyển và những quá trình khí động học diễn ra trong nó, thành phần hóa học, các phản ứng cũng như sự phát tán vật chất từ nó vào vũ trụ.

Nhiều số liệu còn phải xử lý, chẳng hạn để  xác định chính xác thành phần của khí quyển trên cơ sở những số liệu thu được cần phải tính đến áp suất khổng lồ (ở bề mặt Sao Kim chừng 100 át-mốt-phe) và nhiệt độ cao (hơn 400 độ C) bởi trong những điều kiện như thế, các chất khí hoạt động khác hẳn với trong khí quyển Trái Đất.

Các nhà khoa học còn chưa trả lời được câu hỏi vì sao hành tinh giống Trái Đất như thế về mặt kích thước, vị trí và có thể là cả về giai đoạn phát triển ban đầu, giờ lại khác Trái Đất đến thế? Các nhà khoa học giả thiết rằng đến một thời điểm nhất định, hai hành tinh của hệ Mặt Trời đã phát triển như nhau, sau đó mới rẽ ra hai ngả.

Venus Express đã chụp nhiều ảnh 3 chiều, qua đó chứng minh một cách thuyết phục là trên Sao Kim có xảy ra sét, hiện tượng có tác động đến thành phần khí quyển (có giả thiết cho rằng  sự sống tên Trái Đất không thể bắt đầu nếu thiếu các tia sét trong khí quyển).

Cũng xác định được rằng Sao Kim liên tục bị mất nước vì hành tinh này không có từ trường mạnh do đó không được bảo vệ khỏi gió Mặt Trời.

Dòng hạt từ Mặt Trời làm bật khỏi khí quyển nhiều ion, chủ yếu là các ion H+ và O+,  sản phẩm từ nước do các tia cực tím của Mặt Trời tạo ra. Còn lý do Sao Kim bị mất (hoặc không có) các đại dương là do nó bị nung quá nóng khiến nước luôn ở trạng thái bay hơi.

Thủy Vi
Theo Lenta.ru

MỚI - NÓNG