Cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh

Cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh
Các nhà khoa học cho rằng có ít nhất 200 nền văn minh giấu mình ở đâu đó trong các thiên hà. Loài người đã tìm đủ cách bắt liên lạc với họ bằng việc gửi vào không gian các loại tín hiệu.
Cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh ảnh 1
Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Trái với mật mã (chỉ để người nhận hiểu mà thôi), những bức thông điệp gửi người ngoài hành tinh phải bảo đảm yêu cầu: dễ hiểu với mọi cư dân vũ trụ. Tuy nhiên, thật khó để đạt được tiêu chí này! Có không ít ý tưởng đã được đề xuất, kể cả những ý tưởng kỳ quặc nhất.

Năm 1976, nhà thiên văn học người Mỹ Carl Sagan cùng gồm 13 nhà khoa học, dưới sự kiểm soát của Cơ quan không gian và vũ trụ Mỹ (NASA) đã tạo ra một bức thông điệp đặc biệt, được đặt vào các tàu Voyager 1 và Voyager 2 để gửi đến những người ngoài trái đất. Hai con tàu này được Mỹ phóng đi năm 1977 và nay đang ở cách trái đất 12 tỷ km.

Bức thông điệp được thể hiện bằng 55 thứ ngôn ngữ, từ tiếng Sumer cho đến tiếng của người Zoulou. Đấy là những câu ngắn ngọn, có tính chất hòa bình và hữu nghị. Chẳng hạn bức thông điệp của nước Pháp là: Bonjour tout le monde (Chào toàn thể thế giới).

Bức thông điệp được gửi kèm theo 116 bức ảnh, 90 phút ghi âm. Tất cả được nén vào một đĩa laser video. Trong 116 bức ảnh, có 20 ảnh màu. Bức ảnh đầu tiên là một vòng tròn, cái thứ hai là một trang trong từ điển toán học.

Những ảnh khác cung cấp thông tin về trái đất, sơ đồ thể hiện một bộ xương người, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, các cơ quan sinh dục; cảnh tinh hoàn gặp trứng, phôi thai và cảnh sinh con.

Ngoài ra, còn có sơ đồ và ảnh chụp về sự trôi dạt của các lục địa; hình ảnh trái đất cách đây 3 tỷ năm và 10 triệu năm; cảnh kẹt xe ở Ấn Độ, làm việc theo dây chuyền ở nhà máy, cảnh một bà nội trợ trong siêu thị với chiếc xe đẩy...

Phần âm thanh, ngoài những lời chào còn có tiếng dế gáy, tiếng tru của linh cẩu và 24 tác phẩm âm nhạc (như bản Concerto Brandebourgevis số 2 của Bach).

Tuy nhiên, cũng theo ông Sagan, có nhiều thông tin không được gửi đến cho người ngoài trái đất. Đó là:

Tôn giáo: Để thông điệp mang tính toàn cầu, người ta sẽ phải nói về toàn bộ các loại tôn giáo đã có, như thế quá dài dòng và phức tạp. Nhóm của Sagan đã quyết định không nói về tôn giáo nào cả.

Bạo lực: Các nhà khoa học cho rằng, một bức ảnh về vụ nổ nhiệt hạt nhân có thể mang ý nghĩa đe dọa đối với người ngoài trái đất, nên họ đã không gửi.

Tình dục: Sagan cho biết rất muốn gửi đi bức ảnh khỏa thân của một người đàn ông và một phụ nữ mang thai đang nắm tay nhau; nhưng NASA cho rằng bức ảnh này quá thô tục.

Ngay cả âm thanh của nụ hôn trong băng ghi âm cũng không thật: “Chúng tôi bị cơ quan NASA giám sát mà cơ quan này lại không thích giới thiệu một nụ hôn khác giới, thế là tôi phải nhờ con trai tôi hôn vào má tôi một cái rõ kêu để ghi âm!” - Sagan giải thích.

Trước đó, năm 1974, nhà thiên văn học Frank Drake, nay là Chủ tịch Viện nghiên cứu trí tuệ ngoài trái đất (SETI), đã phát đi một điện thư bằng sóng vô tuyến.

Trong vòng 3 phút, gần 1.679 xung vô tuyến được phun thành bụi với vận tốc ánh sáng. Để giải mã điện thư này, người ngoài hành tinh phải biết rằng 1.679 là tích của hai số nguyên tố là 73 và 23. Số đầu tiên chỉ số hàng, số thứ hai chỉ số cột. Các số 0 và 1 vẽ lên những chữ tượng hình (những hình vẽ nhỏ) báo cho họ biết về vị trí của chúng ta trong hệ mặt trời, những bộ mặt của các sinh vật giống người, ăng-ten phát sóng...

Để kiểm chứng, Frank Drake đã thử đưa thông điệp trên cho Carl Sagan giải mã và ông này đã đoán ra không mấy khó khăn. Họ suy luận rằng, nếu như người ngoài trái đất giỏi toán thì cũng đạt kết quả như thế!

Năm 1999, hai nhà khoa học người Canada là Yvan Dutil và Stéphane Dumas đã gửi “lời chào” đến người ngoài trái đất bằng những phương trình toán học. Nhiều ý kiến đã chỉ trích ý tưởng này, cho rằng sẽ không ổn nếu khởi đầu việc tiếp xúc và giao lưu với người ngoài trái đất bằng chuyện “lên lớp” cho họ với một giáo trình chán ngấy.

Các thông điệp trên có cơ may được đón nhận không? Câu hỏi trên đã đặt ra với Jean Heidman, nhà vũ trụ học thuộc Viện Hàn lâm thiên văn quốc tế.

Ông này cho biết, thời gian tồn tại của đĩa laser video thường là 100.000 năm. Tàu vũ trụ Voyager 1 bay được 60.000 km/h, tức khi đó nó sẽ cách trái đất 5,5 năm ánh sáng. Voyager 2 thì bay hướng về phía chòm sao Sagittaira và sẽ đến đó trong 40.000 năm".

Tuy đã tính toán kỹ lưỡng nhưng các nhà khoa học cũng đồ rằng, cơ may gặp được hành tinh có người là không cao. Hơn nữa, nếu “bắt” được thông điệp thì cũng rất ít khả năng người ngoài trái đất hiểu được các thông điệp ấy.

Các thông điệp được gửi đi đều là những biểu trưng mà người Trái đất thường dùng chứ ít thể hiện ý đồ thông giao giữa chúng ta và người ngoài hành tinh.

Mặt khác, nếu các sinh vật vũ trụ không hề giống chúng ta mà chỉ là những quả khí cầu sống trong bóng tối lờ mờ của một khí quyển cực kỳ dày đặc, thì chắc hẳn họ chưa phát triển cơ quan thị giác.

Trong điều kiện như thế, những phương án giao lưu trên xem chừng chẳng thực tế chút nào. Tuy nhiên, các nàh khoa học cho rằng sẽ là sai lầm nếu ta không thử nghiệm và hy vọng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

MỚI - NÓNG