Cuối tháng 10, sao chổi lớn sẽ đâm vào trái đất?

Cuối tháng 10, sao chổi lớn sẽ đâm vào trái đất?
TPCN - Theo các nhà thiên văn học Nga, một sao chổi cỡ bự bay với tốc độ rất cao, có thể đâm vào trái đất vào cuối tháng Mười này, gây ra động đất, lở tuyết và sóng thần với sức tàn phá lớn.
Cuối tháng 10, sao chổi lớn sẽ đâm vào trái đất? ảnh 1

Hai tuần trước, nhà thiên văn học Nikolai Fedorovsky nhìn thấy sao chổi sát nhân kia qua kính viễn vọng và tính toán đường đi của sao chổi.

Nikolai Fedorovsky nói với tờ Sự Thật: “Thiên thạch Tunguska từng rơi xuống hoang mạc Siberia. Ai mà biết được chuyện gì xảy ra nếu nó lao vào trung tâm châu Âu hay đâu đó trên đại dương. Tôi không dọa, tôi chỉ muốn cảnh báo”.

Fedorovsky kết luận: “Chúng ta nên để tâm hơn tới thiên thể đáng ngờ này. Đương nhiên không thể có tính toán chính xác hơn nếu các nhà thiên văn học khác không nhập cuộc”.

Ông dự báo các nhà thiên văn học có thể chụp được ảnh sao chổi khủng khiếp đó nếu may mắn và có thể đây sẽ là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Igor Gerasimov, Phó Giám đốc Viện Thiên văn Sternberg, đồng tình: “Chúng ta không nên đánh giá thấp đe dọa từ thiên thạch và sao chổi”,

Giám sát ngày đêm

Viện sỹ Alexei Rozanov, Giám đốc Viện Cổ sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói, cách tốt nhất là gia tăng giám sát bầu trời suốt đêm ngày vì sự sống của cả nhân loại. “Mạng lưới quan sát không ngừng các thiên thạch cần được thiết lập để bảo vệ trái đất trước những chuyến viếng thăm ngoài ý muốn”.

Igor Gerasimov cảnh báo, mỗi năm, hơn một ngàn cơn mưa thiên thạch lao qua quỹ đạo trái đất và đe dọa cuộc sống trên hành tinh. “Chúng tôi đang theo dõi chín cơn mưa thiên thạch đứng đầu danh sách”, ông nói, “Chín cơn mưa này có hàng tá vật thể có thể va chạm với trái đất. Nhiều vật thể nhỏ bằng hạt bụi trong khi số khác có đường kính tới 200m”.

Lúc nào trái đất cũng phải hứng chịu hàng tá mảnh thiên thạch cỡ nhỏ (đường kính 1m) hay bụi vũ trụ. Hệ mặt trời có khoảng hai triệu thiên thạch có đường kính trên 50m. Đến nay, con người mới phát hiện khoảng 4.000 thiên thạch cỡ này. Số thiên thạch mà chúng ta đang theo dõi thậm chí còn thấp hơn nữa.

Thực tế, nhiều thiên thạch bị bỏ qua cho đến khi chúng tiếp cận trái đất. Một trong những thiên thạch như thế được phát hiện trong quá trình kiểm tra của kính thiên văn vũ trụ Hubble năm 1998.

Gần đây, có khoảng 10 thiên thạch đường kính hơn 5km tiếp cận trái đất. Những thiên thạch này có thể đâm vào trái đất với xác suất 20 triệu năm một lần. Sớm hơn nữa là 500 thiên thạch đường kính 1km, có thể va vào trái đất với với xác suất 100.000 năm một lần.

Thiên thạch càng nhỏ, khả năng va chạm với trái đất càng lớn. Và kết quả của cuộc va chạm là trái đất sẽ bị bao phủ bởi “vết bỏng vũ trụ” (những cái hố có chiều ngang hàng trăm cây số).

“Dữ liệu địa hóa học và cổ sinh vật học cho thấy thiên thạch đường kính 170-330 km đâm vào phần phía bắc bán đảo Yukatan vào 65 triệu năm trước ở Kỷ Phấn Trắng, Đại Trung Sinh”, VS Alexei Rozanov nói.

Vết tích nó để lại là cái hố mang tên Chiksulub, rộng 180km. Sức công phá của vụ nổ ước tính 100 triệu megaton (1 megaton = 1 triệu tấn). Tổng số một triệu tấn bụi đất bị thổi vào khí quyển. Kết quả, sáu tháng đêm tối bao trùm trái đất.

Hơn nửa số loài động thực vật trên trái đất bị tiêu diệt. “Sau đó, mùa đông trên toàn cầu giết chết loài khủng long”, VS Rozanov cho biết.

Tuy nhiên, hiện tượng sắp tới, nếu xảy ra, chưa phải ngày tận thế. “Đó chỉ là dấu hiệu cuộc sống bình thường của hệ mặt trời”, Igor Gerasimov an ủi.

MỚI - NÓNG