Đằng sau việc Ấn Độ chạy đua chinh phục mặt trăng

Đằng sau việc Ấn Độ chạy đua chinh phục mặt trăng
TP - Ấn Độ đang dự định sẽ phóng tàu vũ trụ không người lái đầu tiên của mình lên mặt trăng trong tháng tới.
Đằng sau việc Ấn Độ chạy đua chinh phục mặt trăng ảnh 1
Mô hình thám hiểm mặt trăng Chandrayaan - 1

Nhiều chuyên gia nhận định, có vẻ như đất nước hơn 1 tỉ dân này muốn theo đuổi một cuộc đua vũ trụ ở châu Á trong thế kỷ XXI, giống như cuộc đua trước đây từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ trước.

Ngày 7/10, Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ thông báo là vào đúng ngày 22/10, nếu điều kiện thời tiết phù hợp, từ sân bay vũ trụ nằm ở khu vực đông nam Ấn Độ, tên lửa đẩy do chính Ấn Độ sản xuất sẽ được phóng lên vũ trụ, mang theo thiết bị thám hiểm mặt trăng Chandrayaan-1. Trường hợp thời tiết xấu, việc phóng vệ tinh có thể hoãn lại 4 ngày.

Thoạt tiên, Ấn Độ định đưa tàu lên thám hiểm mặt trăng vào tháng Tư năm nay, thế nhưng nó đã bị hoãn lại vì những trục trặc kỹ thuật xuất hiện từ dự án có trị giá 47 triệu bảng Anh, với sự tham gia của nhiều nước trong đó có Mỹ.

Theo phát ngôn chính thức của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ thì thiết bị thăm dò nặng 1,38 tấn; trong khoảng thời gian là 8 ngày nó sẽ vượt qua một chặng đường gần 400 nghìn km trước khi bay vào quỹ đạo mặt trăng ở độ cao 90 km so với bề mặt mặt trăng.

Tàu thám hiểm sẽ hoạt động trên quỹ đạo này trong quãng thời gian 2 năm. Nó sẽ thực hiện việc thăm dò từ xa ở độ cao thích hợp, thu thập thông tin, dựng bản đồ không gian ba chiều của mặt trăng và nghiên cứu cấu trúc bề mặt mặt trăng. Đồng thời, từ con tàu này, một thiết bị thăm dò sẽ được phóng xuống mặt trăng để tiến hành khảo sát cụ thể.

Tàu Chandrayaan-1 sẽ mang theo 11 thiết bị, trong đó có 5 thiết bị của cơ quan nghiên cứu vũ trụ, 6 thiết bị còn lại là của các tổ chức nước ngoài, trong đó có NASA và cơ quan nghiên cứu vũ trụ châu Âu.

Ấn Độ sẽ theo dõi và điều khiển con tàu thám hiểm này từ sân bay vũ trụ gần với làng Byaladu, cách thành phố Bangalore khoảng 50 km về phía đông.

Những người phản đối kế hoạch đầy tham vọng này của Ấn Độ thì cho rằng, không nên tiêu phí một khoản tiền khổng lồ như vậy vào một dự án chưa thấy có lợi lộc gì.

Bởi vì, ở Ấn Độ, có khoảng 800 triệu trong số 1,1 tỉ dân thu nhập dưới 2 đô la/ngày, nơi mà điều kiện dinh dưỡng cho trẻ em chỉ tương đương với các chỉ số của các nước nghèo khổ ở châu Phi thuộc vùng nam xa mạc Sahara.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thì lại khẳng định, những thành tựu khoa học vũ trụ, mà cụ thể là việc phóng vệ tinh thám hiểm mặt trăng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển đất nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Cũng theo họ thì hiện nay Ấn Độ đang bị tụt hậu so với Trung Quốc trong công cuộc chinh phục vũ trụ.

Năm 2003, Trung Quốc đã đưa được tàu có người lái lên vũ trụ và năm 2007, họ đã phóng thành công vệ tinh thám hiểm mặt trăng. Một tháng trước đây, Trung Quốc cũng đã đưa được người bước ra ngoài khoảng không vũ trụ trong vòng 15 phút.

Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ được thành lập từ năm 1969. Hiện nay họ đặt ra nhiệm vụ sẽ đưa người Ấn Độ đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2014, và đưa người lên thám hiểm mặt trăng vào năm 2020, có nghĩa là sớm hơn kế hoạch tương tự của Trung Quốc 4 năm.

Bước tiếp theo của Ấn Độ là họ sẽ phóng tàu vũ trụ không người lại Chandrayaan - 2 vào năm 2011. Con tàu này sẽ mang theo vệ tinh, thiết bị thám hiểm và tàu mặt trăng.

Gopal Rage, tác giả cuốn sách về lịch sử các chương trình nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ cho rằng, với những điều kiện hạn chế hiện nay của Ấn Độ, thì việc phóng tàu vũ trụ vào tháng tới là một bước đột phá “không thể khác” được.

“Đối với Ấn Độ, đây là một kỷ nguyên vô cùng quan trọng. Bất cứ ai muốn nghiên cứu vũ trụ, sẽ đều phải bắt đầu từ mặt trăng”.

Hữu Việt
Theo Times

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.