Đầu tư tiền tỷ để… xếp xó

Đầu tư tiền tỷ để… xếp xó
TP- Nhằm theo dõi và phát hiện kịp thời tình trạng ô nhiễm phát sinh của môi trường không khí Hà Nội, hàng tỷ đồng đã được bỏ ra để đầu tư lắp đặt một số trạm quan trắc không khí tự động. Song, đến nay các trạm quan trắc này hầu hết đều ngừng hoạt động.

Nằm trong khuôn viên của Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội (thuộc Sở TNMT), trên đường Phạm Văn Đồng, tấm bảng điện tử với các dòng chữ “Chỉ số chất lượng môi trường”, “Chất gây ô nhiễm”... như đang bị bỏ rơi, bởi từ lâu nó không còn hiển thị.

Đây là bảng điện tử của trạm quan trắc không khí khu vực Nam Thăng Long do Sở TNMT Hà Nội quản lý, được lắp đặt từ năm 2002 dùng để thông báo chỉ số ô nhiễm môi trường ở một trong những cửa ngõ Hà Nội.

Theo những người dân sống ở đây, trạm quan trắc này tuy được lắp đặt với kinh phí tiền tỷ (khoảng 3 tỷ đồng-PV), thời gian đầu, những thông tin trên bảng điện tử được nhiều người qua đường quan tâm.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc người ta trở nên thờ ơ: “Các chỉ số thông tin trên bảng điện tử thường không chính xác. Hôm có, hôm không, mà hầu như đều na ná nhau, toàn ở mức độ tốt hoặc trung bình. Trong khi đó, tại đường Phạm Văn Đồng, tình trạng ô nhiễm bụi ngày càng nghiêm trọng, chẳng cần phải đo người ta cũng thấy ô nhiễm rồi”-Một người dân nói.

Cùng chung tình cảnh với trạm quan trắc Nam Thăng Long, nhiều trạm quan trắc khác đều trong tình trạng ngừng hoạt động. Như một chiếc “lô cốt bất động” đặt trên nóc nhà của Viện Khoa học kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng Hà Nội), trạm quan trắc phía Nam, do lâu ngày không sử dụng và bảo dưỡng, nên đến nay nhiều thiết bị đang hoen rỉ, hư hỏng.

Chung số phận, trạm quan trắc phía Tây Nam đặt ở khu giảng đường 5 tầng của ĐH Khoa học tự nhiên dù được đầu tư tiền tỷ nhưng gần như bị “bỏ quên”. Còn bảng điện tử tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, thời gian đầu khi mới được lắp đặt hoạt động khá tốt, với các chỉ số cụ thể, chi tiết. Nhưng đến nay, bảng điện tử này cũng hầu như không hoạt động.

“Tê liệt” vì thiếu kinh phí?

Được biết, thực hiện đề án tổng thể bảo vệ môi trường TP Hà Nội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từ năm 2000 đến 2002 Sở Khoa học& Công nghệ tiến hành đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường (khoảng 3 tỷ đồng mỗi trạm-PV), với các trang thiết bị nhập ngoại. Từ năm 2004-2005, các trạm quan trắc này được giao cho Sở TNMT Hà Nội quản lý.

Qua nhiều lần liên hệ với Sở TNMT Hà Nội, chúng tôi được giới thiệu đến làm việc với Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội-đơn vị thuộc Sở hiện được giao quản lý một số trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội.

Theo giải thích của đại diện Trung tâm quan trắc, sở dĩ các trạm quan trắc không khí tự động này không hoạt động được chủ yếu do thiếu kinh phí. “Các thiết bị lẽ ra cần được bảo trì, thay thế khi đến hạn nhưng do thiếu kinh phí nên hầu hết các trạm đều đợi thiết bị hỏng mới thay.

Do vậy, khi một thiết bị gặp sự cố kéo theo một loạt thiết bị khác hỏng theo nên kinh phí khắc phục “đội” lên hàng trăm triệu đồng, vượt quá khả năng tài chính của cơ quan quản lý”-Một cán bộ cho hay.

Cũng theo đại diện Trung tâm quan trắc, mỗi năm Hà Nội cấp khoảng 1,5 tỷ đồng để duy trì sự hoạt động các trạm quan trắc nói trên. Với số kinh phí này họ chỉ đủ duy trì đội ngũ kỹ thuật, chứ không thể mua sắm trang thiết bị thay thế. Bởi thực tế, chi phí mỗi trạm cần khoảng 700 triệu đồng/năm (tính cả 4 trạm thì số kinh phí cần là 2,8 tỷ đồng).

“Ngay cả kinh phí để đào tạo cho nhân lực quản lý vận hành cũng rất khó khăn, chưa nói đến cả quy chế quản lý, khai thác, vận hành trạm quan trắc cũng chưa được xây dựng đầy đủ, quan tâm đúng mức”-Một cán bộ quản lý môi trường nói. 

MỚI - NÓNG