Xây dựng Chính phủ điện tử:

Đẩy mạnh sử dụng mã nguồn mở và xã hội hóa đầu tư

Đẩy mạnh sử dụng mã nguồn mở và xã hội hóa đầu tư
TP – Hai giải pháp chính nhằm triển khai, thực hiện Chính phủ điện tử (CPĐT) một cách hiệu quả và tiết kiệm là sử dụng mã nguồn mở và xã hội hóa việc đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử.

Đây là ý kiến đóng góp của Giám đốc các sở thông tin truyền thông (TTTT) và giám đốc các trung tâm tin học (TTTH) trong cả nước tại buổi tham vấn về xây dựng CPĐT do Bộ TTTT tổ chức ngày 8/4 tại Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Quách Tuấn Ngọc, với kế hoạch xây dựng 64 mô hình CPĐT cho 64 tỉnh thành trên cả nước, Bộ TTTT sẽ phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử việc mỗi địa phương xây dựng cổng thông tin mất 1-2 tỷ đồng, con số này nhân với 64 tỉnh thành thì số tiền đầu tư là vô cùng lớn. Trong khi đó, sử dụng mã nguồn mở thì lại tiết kiệm được rất nhiều.

Ông Ngọc cũng cho rằng, một trong những yếu tố đầu tiên là cần phải xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu tập trung, không nên chia tách. Ví dụ như với các cơ sở dữ liệu thư điện tử, nếu 64 tỉnh, thành và các Bộ đều tự xây dựng cho mình một hệ thống riêng thì rất tốn kém và mất thời gian.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên cử một hoặc 2 đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu, giải pháp thư điện tử rồi từ đó cung cấp cho các đầu mối sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên tận dụng mọi quan hệ kinh tế, mọi nguồn lực về tài chính, nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đường truyền, thiết bị kỹ thuật để huy động tổng lực nguồn lực trong nền kinh tế cùng tham gia xây dựng Chính phủ điện tử.

Hiện nay, rất nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đã sẵn sàng về công nghệ, thiết bị, con người để cùng tham gia xây dựng nền hành chính không dây.

Cũng tại hội nghị, Giám đốc TTTH Bộ Nội vụ Nguyễn Đức Cường đề xuất giải pháp bắt buộc công chức nhà nước phải có đuôi thư điện tử (email) đuôi “gov.vn” và phải ứng dụng trong công việc trao đổi thông tin hằng ngày.

Thay vì gửi giấy mời họp, thông báo nội dung công việc bằng giấy, tất cả những thao tác có thể điện tử hóa, mạng hóa sẽ được áp dụng. Nếu công chức không có, không sử dụng email sẽ không nắm được thông tin công việc. Giảm bớt việc họp hành trực tiếp thay vào đó là giao ban truyền hình, trực tuyến.

Ông Cường cho biết, tới đây Bộ Nội vụ sẽ bổ sung thêm điều khoản bắt buộc công chức phải qua khóa học nâng cao nghiệp vụ ngắn trong năm, trong đó quy định 40% số giờ học dành cho nâng cao nhận thức và kỹ năng về CNTT.

MỚI - NÓNG