'Dế' có còn 'gáy' nơi trường thi ?

'Dế' có còn 'gáy' nơi trường thi ?
Những năm gần đây gian lận thi cử đã được biết đến với một trình độ tinh vi hơn trước rất nhiều nhờ có sự 'trợ giúp' đắc lực của công nghệ mà đặc biệt là những chiếc điện thoại di động hiện đại.

Đứng trước mùa thi năm nay, liệu các nhà quản lý đã có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để đối phó với những loại “ám khí” thời công nghệ?

Và những thí sinh với năng lực thực chất đã có thể yên tâm bước vào phòng thi với một tâm lý tin tưởng, thoải mái?

Khi công nghệ bị lợi dụng

Trong khi các hãng sản xuất danh tiếng như Nokia, Motorola, Samsung, Sony Ericsson... đã và đang không ngừng tăng thêm “sức mạnh” cho các loại thiết bị cầm tay thông minh thì những “tội đồ” trong thi cử chỉ “ngong ngóng” tìm cách để lạm dụng chúng.

Bởi thế, những chiếc điện thoại có “ngoại hình” bé nhỏ, mỏng mảnh nhưng dung lượng của thẻ nhớ trong và ngoài thuộc vào “hàng khủng” luôn đứng trong Top những thiết bị được săn lùng ráo riết vào mùa thi nhất là những “chú dế” mà mới nhìn ai cũng có thể lầm tưởng là một chiếc... máy tính bỏ túi.

Samsung P310, “hậu bối” của chiếc P300, từng “nức tiếng” một thời khi “khai sinh” ra dòng điện thoại calculator (máy tính điện tử) vào thời điểm hơn 1 năm trước đây là một trong những ví dụ điển hình.

Về hình thức, Samsung P310 có mặt trước và toàn bộ các phím của máy đều phủ màu đen tuyền, kích thước 86 x 54 x 8,9 mm, nặng 85g và các phím số từ 1 đến 9.

Mặc dù, bộ nhớ trong khá lớn lên đến 80 MB có lẽ cũng đã là quá đủ cho những nhu cầu của một chiếc điện thoại, nhưng P310 vẫn còn được ưu ái khi hỗ trợ thêm thẻ nhớ microSD có dung lượng 256 MB.

Với những tiện ích “trời phú” này, những “tội đồ” phòng thi hoàn toàn có thể nạp vào máy hàng chục file dữ liệu và các file ảnh “rõ như ban ngày” với camera 2 “chấm” và xem các tệp tin văn bản tiếng Việt đó bằng ứng dụng Picsel Viewer.

Samsung P310 càng được các thí sinh này yêu quý hơn vì khả năng hỗ trợ “công việc” với chức năng quy đổi đơn vị, bàn tính…

Với hàng loạt chức năng và đặc biệt là kiểu dáng rất hợp với các thí sinh muốn “đi cửa sau”, thì giá tiền 7,5 triệu đồng sẽ không còn là vấn đề lớn khi quyết định mua.

Chưa dừng lại ở chiếc ĐTDĐ đơn thuần, các sản phẩm công nghệ cao như tai nghe Bluetooth, máy nghe nhạc iPod cũng đặt ra nhiều nỗi lo cho công tác thi cử.

Trên thị trường hiện nay, hầu hết điện thoại đều hỗ trợ cấu hình không dây cho tai nghe. Với thế hệ Bluetooth có hình dáng của một chiếc bút, nhiều thí sinh của những năm trước đã có thể ung dung mang cả tai nghe vào phòng thi.

Coi thi có 'đặng'?

Về lý thuyết, nguy cơ “học giả, đỗ thật” do “nghiệp vụ” gian lận của thí sinh qua chiếc “Alô” và những thiết bị công nghệ cao khác đang tăng dần.

Những sản phẩm tiện ích bị “bóp méo” mục đích sử dụng bởi những thí sinh lười nhác nhưng nhiều mánh khóe như Ipod, Bluetooth... đã và đang đặt ra nỗi lo cho toàn xã hội.

Đứng trước hàng loạt khó khăn, một câu hỏi đặt ra là: chẳng lẽ chúng ta không có biện pháp nào để ngăn chặn triệt để vấn nạn gian lận trong phòng thi?

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục& Đào tạo cho biết: Năm nay, Bộ đã có các phương án hành động, phối hợp để công tác chống gian lận trong các kỳ thi Tốt nghiệp, Đại học, Cao đẳng đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, phía công an đã có biện pháp để khoanh vùng và phát hiện những thông tin liên quan tới kỳ thi.

Đối với nội bộ ngành, các cán bộ coi thi sẽ được tập huấn để kiểm tra, phát hiện những phương tiện gian lận tinh vi, hiện đại, những thí sinh vi phạm quy chế thi. Và đình chỉ thi sẽ là biện pháp được áp dụng ngay khi phát hiện có tiêu cực.

Về hình thức thi trắc nghiệm liệu có khống chế được gian lận công nghệ cao hay không ông Giao khẳng định: “Tổ chức thi nghiêm túc và việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm một số môn sẽ có tác dụng hạn chế ngay những hiện tượng tiêu cực, gian lận và tác động từ bên ngoài thông qua các thiết bị công nghệ cao như ĐTDĐ.

Bởi vì, đề thi trắc nghiệm giúp tăng tính khách quan. Hơn nữa, đề thi trắc nghiêm luôn có nhiều mã khác nhau trong cùng một phòng thi và có quy tắc phát đề nghiêm ngặt. Như vậy, thí sinh sẽ khó mà biết ai là người có cùng đề để bàn bạc, gian lận.

Hơn nữa, đề thi trắc nghiệm cũng rất khó dùng di động đọc ra ngoài vì đề thường dài khoảng 4 trang A4 và có nhiều phương án chọn lựa.

Trong trường hợp vẫn cố tình gian lận bằng ĐTDĐ thì đã có các giám thị, kết hợp cùng lực lượng công an bên ngoài phát hiện và người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật”.

Nói về vai trò của giám thị trong công tác làm “sạch” trường thi, ông Giao cũng cho rằng: giám thị là một khâu quyết định. Nếu giám thị làm thật nghiêm thì sẽ rất khó có cơ hội cho những thí sinh muốn gian lận.

Đồng quan điểm với ông Giao, Đội trưởng Đội An ninh giáo dục thuộc PA25 Hoàng Hữu Huấn đánh giá: “Dù bất kỳ trường hợp nào, kể cả khi thí sinh sử dụng ĐTDĐ hay bất kỳ sản phẩm công nghệ cao nào khác, nếu khâu coi thi nghiêm sẽ loại được khoảng hơn 90% gian lận”.

Dĩ độc trị độc

Mùa thi năm 2006, gian lận thi cử bằng ĐTDĐ nhằm mục đích lọt qua “cánh cửa hẹp” của các trường Đại học, Cao đẳng được đẩy lên đỉnh điểm với các “thủ đoạn mang tính nghệ thuật”. Trong mùa thi này, lần đầu tiên cơ quan CA đã phát hiện ra đường dây gian lận được tổ chức chuyên nghiệp.

Phương tiện được chúng sử dụng để gian lận là ĐTDĐ các phụ kiện đi kèm.Tháng 4 năm 2007, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm đường dây trên. Có 8 bị can bị truy tố trước tòa với tội danh “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Trong đó tên cầm đầu là Nguyễn Hồng Hải chịu án phạt 33 tháng tù giam theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự.

Bên cạnh yếu tố con người, công nghệ cũng chính là biện pháp hữu hiệu để loại trừ những nguy cơ gian lận.

Trả lời trên báo chí, TS. Quách Tuấn Ngọc (Trung tâm tin học Bộ GD–ĐT) đã đưa ra 4 phương pháp chống gian lận bằng ĐTDĐ.

Thứ nhất, tại thời điểm tổ chức cuộc thi, máy tính sẽ báo các cuộc gọi đến và đi có tính chất bất thường, từ đó sàng lọc các cuộc nghi vấn để tiếp tục điều tra.

Thứ hai là dùng máy phá sóng, tuy nhiên biện pháp này không thực sự khả thi do có thể ảnh hưởng đến vùng xung quanh và kinh phí tốn kém.

Biện pháp thứ ba là dùng thiết bị dò kim loại, giống loại đang được áp dụng ở các sân bay để phát hiện các thiết bị cấm mang vào phòng thi.

Tuy nhiên, điểm yếu của biện pháp này là thiết bị cồng kềnh. Hiệu quả và khả thi nhất là dùng thiết bị dò sóng ngay trong phòng thi, vì hiện nay có nhiều thiết bị điện tử trên thị trường có thể phát hiện ra năng lượng của sóng điện từ phát ra từ ĐTDĐ. Những thiết bị này giá thành rẻ và có thể lắp đặt từng phòng.

Rút kinh nghiệm từ những mùa thi năm trước, đặc biệt là những vụ gian lận thi cử ở trình độ chuyên nghiệp, có tổ chức như mùa thi 2006.

Những thiết bị tốt nhất, hữu hiệu nhất dành cho việc đảm bảo an ninh nơi trường thi vẫn đang tiếp tục được đề xuất đưa ra.

Song điều đáng mừng hơn cả mà phần nào có thể làm yên lòng những bậc phụ huynh và học sinh năm nay chính là thái độ kiên quyết, nói “không” với gian lận thi cử của tất cả các Bộ, Ngành có liên quan trong mùa thi năm nay.

Theo E-Chip Mobile

MỚI - NÓNG