Đi tìm anh em của Trái đất

Đi tìm anh em của Trái đất
Liệu có tồn tại những hành tinh nuôi dưỡng sự sống tương tự như Trái đất? Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tiến hành sứ mạng không gian đặc biệt để tìm đáp án cho những câu hỏi ám ảnh loài người lâu nay.
Đi tìm anh em của Trái đất ảnh 1
Mô hình kính thiên văn Kepler trong vũ trụ - Ảnh: Telegraph

Đêm 6/3, NASA đã phóng tên lửa Delta 2 từ căn cứ không quân ở Cape Canaveral tại bang Florida, mang theo kính thiên văn Kepler lên vũ  trụ với mục tiêu tìm kiếm những hành tinh có điều kiện sống tươngtự như Trái đất.

“Đây không chỉ là một dự án khoa học mà còn là một sứ mạng mang tính lịch sử - tiến sĩ Edward Weiler thuộc NASA khẳng định - Nó đột phá vào những câu hỏi cơ bản nhất của loài người, những câu hỏi đã trở thành một phần trong mã gen của chúng ta kể từ khi con người đầu tiên nhìn lên bầu trời và tự hỏi liệu chúng ta có cô đơn”.

“Tìm bọ chét trước đèn ôtô”

Phương pháp truy tìm của Kepler là đo những sụt giảm độ sáng của các ngôi sao tương tự như Mặt trời. Độ sáng của một ngôi sao giảm nhẹ có nghĩa là một hành tinh của ngôi sao đó đang đi ngang qua đúng tầm nhìn của kính viễn vọng. Kepler được đưa lên quỹ đạo quanh Mặt trời chứ không phải quỹ đạo quanh Trái đất để đảm bảo Trái đất sẽ không chặn tầm quan sát của nó.

Sứ mạng 600 triệu USD

Kepler được trang bị một máy quay lớn nhất từ trước đến nay trên vũ trụ, có nhiệm vụ quan sát độ sáng của 100.000 ngôi sao có kích thước tương tự Mặt trời trong khu vực Cygnus-Lyra của dải Ngân hà trong ít nhất ba năm rưỡi. Chi phí của dự án lên đến 600 triệu USD.

Dự kiến NASA sẽ có những kết quả ban đầu sau ba tháng nữa. Nhà thiên văn học Alan Boss thuộc ĐH Carnegie, thành viên hội đồng khoa học Kepler, nhận định vào năm 2013, khi Kepler kết thúc sứ mạng, giới thiên văn học sẽ có thể xác định liệu sự sống có hiện hữu trong vũ trụ không.

“Với cách này, dò ra những hành tinh lớn như Mộc tinh khi quay quanh sao của chúng chẳng khác nào tìm một con muỗi khi nó bay ngang qua đèn ôtô - giám đốc dự án James Fanson so sánh - Còn tìm ra những hành tinh giống Trái đất giống như tìm con bọ chét băng qua cái đèn ôtô đó”.

Trong số hơn 330 hành tinh ngoài Hệ mặt trời được phát hiện thời gian qua, chỉ một số ít là những hành tinh rắn như Trái đất nhưng đều lớn hơn rất nhiều; còn lại phần lớn đều là những hành tinh khí khổng lồ. Nguyên nhân không phải do vũ trụ thiếu những hành tinh có kích cỡ và khối lượng tương tự Trái đất, mà chủ yếu do sự hạn chế trong công nghệ kính thiên văn hiện nay.

Trọng tâm của dự án là tìm ra những hành tinh nằm trong “vùng có thể ở được” của ngôi sao đó, một quỹ đạo không quá gần và cũng không quá xa sao chủ, đảm bảo nhiệt độ của hành tinh đó có thể duy trì sự sống.

Chuyên gia NASA William Borucki cho biết Kepler sẽ quan sát nhiều loại sao khác nhau, từ những sao nhỏ lạnh hơn Mặt trời, đến những sao lớn hơn và nóng hơn. Với những sao nhỏ, các hành tinh sẽ quay quanh ở khoảng cách gần hơn để giữ ấm, còn với những sao lớn, các hành tinh sẽ ở khoảng cách xa hơn để tránh bị “luộc chín”.

Giới chuyên gia nhận định nếu có các hành tinh có điều kiện sống thì chúng sẽ chỉ ở quanh những ngôi sao nhỏ. Bởi quanh các ngôi sao này “vùng có thể ở được” gần sao chủ hơn, các hành tinh sẽ kết thúc một vòng xoay nhanh hơn, giúp Kepler dễ dàng phát hiện hơn.

Tìm ra các hành tinh giống Trái đất là nhiệm vụ không dễ dàng, và khẳng định ở nơi đó có sự sống hay không càng khó khăn gấp bội. NASA cho biết nó đòi hỏi những kính thiên văn mạnh hơn, có khả năng quan sát bầu khí quyển các hành tinh đó để xác định xem chúng có mang dấu hiệu của hệ sinh thái hay không.

“Chúng ta sẽ chẳng thấy người ngoài Trái đất đâu - chuyên gia Borucki bình luận - Nhưng chúng ta có thể tìm thấy nhà của người ngoài Trái đất”.

Loài người không cô đơn?

Nhìn chung, giới khoa học tỏ ra lạc quan rằng con người không hề cô đơn trong vũ trụ. Theo nhà thiên văn học Alan Boss, có thể có khoảng 100 tỉ hành tinh có cấu tạo giống Trái đất trong dải Ngân hà, có nghĩa là cứ mỗi ngôi sao trong Ngân hà thì có một hành tinh tương tự Trái đất xoay quanh.

Theo ông Boss, chỉ cần các hành tinh giống Trái đất này có nước thì chắc chắn sẽ có sự sống. “Không hẳn các hành tinh này có đầy sinh vật thông minh hoặc thậm chí là khủng long - ông Boss nhận định - Tôi cho rằng phần lớn trong số chúng có ít nhất là sự sống nguyên thủy, ví dụ như vi khuẩn hoặc các sinh vật đa bào”.

Một số nhà khoa học khác lại mạnh dạn khẳng định có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nền văn minh trí tuệ trong dải Ngân hà. Các chuyên gia tại ĐH Edinburgh ở Scotland mới đây sử dụng công nghệ vi tính tạo ra một thiên hà nhân tạo chứa hàng tỉ ngôi sao và hành tinh. Họ nghiên cứu xem sự sống tiến hóa như thế nào dưới nhiều điều kiện trong thế giới ảo này, và sử dụng một siêu máy tính để thu thập kết quả.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Sinh Vật Học Vũ Trụ Quốc Tế mới đây, các nhà nghiên cứu ĐH Edinburgh kết luận (dựa trên kết quả mà mô hình máy tính đem lại): có thể đã có ít nhất 361 nền văn minh trí tuệ xuất hiện trong dải Ngân hà kể từ khi thiên hà này hình thành cách đây 13,2 tỉ năm.

Ngoài ra, có khoảng 38.000 nền văn minh đang bắt đầu hình thành. Chuyên gia Duncan Forgan, người tham gia cuộc nghiên cứu, cho biết ông vô cùng ngạc nhiên trước khả năng sự sống phát triển bất chấp những điều kiện khắc nghiệt.

“Mô hình vi tính của chúng tôi tính đến cả những sự kiện mang tính chất tuyệt chủng - ông Forgan cho biết - Một ví dụ cổ điển là thiên thạch đâm vào Trái đất tiêu diệt loài khủng long. Tôi cho rằng những sự kiện kiểu này sẽ cản trở sự trỗi dậy của sự sống thông minh, nhưng sự sống dường như vẫn nở rộ”.

Dù vậy, giới khoa học thừa nhận những kết quả trên vẫn mang nhiều tính dự đoán, bởi còn có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về việc sự sống hình thành trên Trái đất như thế nào.

Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ/BBC, CNN, Wire Science

MỚI - NÓNG