Điều chế thành công vaccine cúm gia cầm mới

Điều chế thành công vaccine cúm gia cầm mới
Hãng dược hàng đầu Anh quốc, GlaxoSmithKline, vừa phát triển thành công một loại vaccine phòng chống virus chết người H5N1 hiệu quả hơn hẳn các vaccine hiện hành và cam đoan có thể sản xuất đại trà ngay trong năm 2007.
Điều chế thành công vaccine cúm gia cầm mới ảnh 1
Mối đe dọa đại dịch cúm gia cầm khiến các Cty dược chạy đua tìm cách sản xuất vaccine

Thông tin trên được phóng viên BBC đưa ra trong khi bản thân Glaxo chưa công bố kết quả ngoài việc cam đoan có thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng và đóng gói sản phẩm ngay từ đầu năm 2007.

Reuters lại loan tin Glaxo có thể chính thức sản xuất vào cuối năm 2006 và trong năm 2007 họ đủ năng lực sản xuất hàng trăm triệu liều.

Theo BBC, vaccine được khẳng định hiệu quả chỉ với hai liều, mỗi liều khoảng 3,8 microgram kháng nguyên trong suốt quá trình điều trị thử nghiệm ở Brussel, Bỉ. Được biết trên 80% số người tình nguyện thử vaccine cho đáp ứng miễn dịch tốt. Việc tiêm hai liều được giải thích là để hoàn tất cơ chế miễn dịch.

So với các sản phẩm vaccine của các hãng khác, lượng kháng nguyên phải dùng của Glaxo ít hơn hẳn. Vaccine của hãng dược Pháp, Sanofi Aventis, nhà sản xuất vaccine cúm gia cầm lớn nhất thế giới, đòi hỏi phải dùng hai liều với lượng kháng nguyên gấp đôi 7,5 microgram.

Thành tựu này được xem là đột phá để giúp tăng sản lượng vaccine một khi đại dịch cúm gia cầm xảy ra. Kháng nguyên hay thành phần tích cực lâu nay được sản xuất từ trứng gà và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Hạn chế của phương pháp này là sản lượng kháng nguyên tạo ra quá chậm. Vì thế, mục tiêu của các hãng dược là làm sao chế tạo được số liều vaccine tối đa với lượng kháng nguyên tối thiểu.

Sử dụng ít kháng nguyên, giá vaccine của Glaxo cũng vẫn cao, tương đương với vaccine cúm thông thường, 4 bảng/liều, trên 110.000 đồng VN. Tuy nhiên, để các nước nghèo có thể sớm tiếp cận với vaccine, theo Reuters, Glaxo đang đàm phán xin tài trợ từ các tổ chức như Bill & Melinda Gates Foundation (Quỹ Bill&Melinda Gates) và Global Fund (Quỹ Toàn cầu), vốn đang tài trợ cho chương trình phòng chống AIDS, lao, và sốt rét.

Galxo hiện đang chờ hợp đồng từ các nước để lên kế hoạch sản xuất chính thức. Họ cũng chờ giấy phép sản xuất của các cơ quan như Ủy ban Quản lý Thuốc&Thực phẩm (FDA) của Mỹ và Ủy ban Thẩm định Y khoa (EMEA) của châu Âu.

“Mọi việc đang diễn tiến tốt đẹp và chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục trong vài tháng tới”, trưởng điều hành Glaxo, Pierre Garnier, nói.

Sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, George Bush, gần đây, ông Garnier cho biết Glaxo nhận được tài trợ 272 triệu USD để bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất vaccine cúm gia cầm.

Vẫn theo Garnier, Glaxo thậm chí có thể bắt tay ngay vào sản xuất vaccine bằng việc hợp tác với các hãng dược khác nếu mùa thu năm nay xảy ra đại dịch.

 Khó khăn của việc sản xuất vaccine cúm H5N1 là chủng virus cúm H5N1 lây từ người qua người chưa định hình. Vì chưa có nên người ta không thể biết chủng đó như thế nào và, vì thế, các Cty không thể sản xuất được loại vaccine đích, tức là vaccine phòng chống được virus H5N1 lây từ người qua người.

Bởi vậy, như nhiều Cty khác, sản phẩm của Glaxo cũng chỉ dựa trên mô hình của virus H5N1 hiện hành, loại virus chưa lây được từ người qua người, với mong muốn giúp phòng chống lây lan ở mức độ nào đó.

Sản phẩm của Glaxo cũng chỉ hiệu quả nếu virus H5N1 biến đổi nhẹ so với hiện nay. Còn nếu biến đổi mạnh để gây thành đại dịch trên người, nhà sản xuất thừa nhận không biết hiệu quả sẽ ra sao.

 Từ năm 2003 đến nay, thế giới có 231 ca nhiễm virus H5N1 trong đó 133 ca tử vong. Số người tử vong ở Indo là 42 và tại Thailand là 15. Ca tử vong mới nhất ở Thailand rơi vào một em trai 16 tuổi tuần vừa rồi.

MỚI - NÓNG