Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ?

Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ?
TP - Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Khắc Hoàng Lan - cán bộ Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, chủ nhiệm hợp phần dự án cung cấp máy chuyển đổi nước biển thành nước ngọt, bật khóc trước thất bại ngoài dự tính của cuộc thử nghiệm.

Bà Hoàng Lan tức tưởi: “Công nghệ RO của Mỹ áp dụng thành công nhiều nơi, sao đến Đà Nẵng lại thất bại”.

Trao máy đúng đối tượng

Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ? ảnh 1
Bà Lê Khắc Hoàng Lan

Ngày 15/7, trong khi bàn giao lại chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt cho Sở Khoa học & Công nghệ, ông Phạm Thuận - chủ tàu ĐNa 90261 cho rằng, chiếc máy về cơ bản vẫn dùng được nếu như mua thêm một chiếc máy phát điện. Còn để nguyên thì sẽ chẳng có chủ tàu nào sử dụng quá ba chuyến đi biển vì quá tốn điện.

Ngoài ra, máy phát điện đang dùng trên tàu không thể phát điện cho máy lọc nước. “Lao động trên tàu tôi nhất quyết trả lại. Họ bảo vận hành quá khó khăn. Máy này dùng trên bờ thì được chứ ra khơi thì không ổn chút nào. Ngoài ra, giá thành lại quá cao, ngư dân không thể mua nổi” – Ông Thuận nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Thuận là chủ tàu nhưng từ lâu không tham gia đi biển, mọi công việc đều giao cho thuyền trưởng. Như vậy, người chính thức sử dụng lại là người khác.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Trần Đình Tuấn - cán bộ Sở Khoa học & Công nghệ trực tiếp theo dõi hiệu quả sử dụng máy, cho biết từ khi bàn giao lắp máy rất khó khăn để liên lạc với ông Thuận. Khi ông Thuận tháo máy, cũng không báo cáo với Sở, phải đến khi ông Tuấn gọi điện hỏi thăm, ông Thuận mới báo cáo.

Theo dự kiến, nếu thành công, sắp tới Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng sẽ cung cấp lô máy 30 chiếc theo đơn đặt hàng của Đà Nẵng.

Vậy chiếc máy có còn cần cho ngư dân?

Ông Huỳnh Văn Ngộ - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng khẳng định: Cần, rất cần nữa là đằng khác.

Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ? ảnh 2  Nếu giá máy quá cao, ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ 30 đến 50 phần trăm của UBND thành phố, sắp tới, có thể sẽ áp dụng cách thức giao máy cho từng tổ đội tàu. Một tổ đội chỉ sử dụng 1 - 2 máy lọc nước, như vậy vừa có thể tiết kiệm được chi phí mua và lắp máy. Ngoài ra còn tăng thêm tình đoàn kết của ngư dân trên biển, điều mà chúng ta đang rất cần

Ông Huỳnh Văn Ngộ -

Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng nói

Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ? ảnh 3

Theo ông Ngộ, tất cả hiệu quả đã được khẳng định trong hội thảo đầu năm 2009, trong đó ghi rõ máy lọc nước không chỉ tiết kiệm được 1 – 2 triệu đồng tiền nước ngọt mà còn tiết kiệm được không gian và thời gian, vì tàu nhẹ sẽ dễ vận hành hơn.

Ngoài ra, việc lọc nước có thể cho ngư dân dùng nước ngọt thoải mái và kéo dài thời gian ra khơi do không phụ thuộc vào lượng nước mang theo. “Sắp tới chúng tôi sẽ trao chiếc máy thử nghiệm cho ngư dân nào thực sự cần đến nó” - Ông Ngộ nói.

Tôi rất đau đớn

Bà Lê Khắc Hoàng Lan - cán bộ Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, chủ nhiệm hợp phần dự án này cho biết, bà rất bất ngờ và bị sốc trước thông tin ngư dân Phạm Thuận tháo bỏ chiếc máy vì sử dụng không hiệu quả.

 “Tôi rất đau đớn trước sự việc này. Mọi công việc của dự án từ trước đến nay đều trôi chảy, không có lý do gì để anh Thuận phải hành động như vậy” - bà Lan nói.

Theo bà Hoàng Lan, từ khi lắp máy cho đến lúc diễn ra hội thảo đánh giá hiệu quả, có sự tham gia của các sở, ban ngành cùng nhiều ngư dân, máy lọc nước được đánh giá cao và là niềm kỳ vọng của ngư dân cũng như lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

 Ngoài ra, việc sử dụng cũng như hiệu quả của nó được đánh giá rất tốt ở Sư đoàn 4 (Hòn Đất, Kiên Giang) khi lọc 140m3 nước/ngày. Năm 1995, nó được lắp và vận hành thành công ở các giàn khoan dầu khí ở Vũng Tàu.

Bà Hoàng Lan đã khóc tức tưởi bởi thất bại ngoài dự kiến trong việc áp dụng vận hành máy lọc nước cho ngư dân mà, theo bà, nguyên nhân không thể là chiếc máy sử dụng không hiệu quả.

Bà Hoàng Lan cho biết, vướng mắc thật sự ở dự án này chính là kinh phí. Phía ngư dân không đủ tiền để trang bị máy, không đủ tiền để sắm thêm một chiếc máy phát điện riêng cho máy lọc nước.

 “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để giảm thiểu sự tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, vấn đề là tiền ở đâu để nghiên cứu”.

Cũng theo bà Lan, trị giá mỗi chiếc máy 180 triệu đồng là rẻ bởi, nếu như dùng thiết bị của Mỹ, giá mỗi máy lên tới 350 triệu đồng.

Quy trình vận hành thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt:

Dự án lọc nước biển thành nước ngọt: Vì đâu dân bỏ ? ảnh 4
Chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt này liệu có hiệu quả khi lắp đặt trên tàu đánh bắt xa bờ?

Nước nguồn được bơm vào bồn chứa, được điều chỉnh pH, lắng, xả cặn. Được hệ điều khiển điện tử kích hoạt bơm đưa nước nguồn vào hệ lọc cặn để loại bỏ các cặn thô.

Sau đó nước tiếp tục  được  bơm  đưa  qua các  hệ  lọc chức năng, tại đây một số các loại kết tủa, cặn các chất vô cơ, hữu cơ, màu, mùi tiếp tục được loại bỏ. Nước tiếp tục được đẩy qua hệ vi lọc.

Tại đây, các cặn kích thước micron được giữ lại. Sau đó nước được đưa qua hệ màng lọc với áp lực thích hợp nhằm làm mềm nước, loại bỏ tiếp các ion Fe, Mn,... đồng thời loại bỏ triệt để muối, các phân tử vô cơ, hữu cơ, vi trùng, vi khuẩn kích thước lớn nhỏ khác nhau, các ion.

Nước sau khi lọc, hoàn toàn ngọt sạch, đạt tiêu chuẩn ăn uống sinh hoạt TCVN.

Đây là một thiết kế tích hợp các kết quả nghiên cứu của các công trình trước đó và các cải tiến mới so với các hệ lọc trước đây, ứng dụng công nghệ màng lọc AH.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.